Nông nghiệp chịu thiệt hại 'kép' từ tác động cực đoan của khí hậu và dịch Covid-19
Chiều 13/6), thông tin thêm về các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ đầu năm đến nay, tất cả các ngành đều chịu tổn thương, nhưng riêng ngành nông nghiệp thì tổn thương này ở mức độ gay gắt hơn, bởi chịu hai rủi ro tác động kép: tác động cực đoan của thời tiết khí hậu và dịch bệnh Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. (Ảnh: Quốc hội).
Chịu những thiên tai chưa từng có
“Chưa năm nào là 30 Tết, mưa 120-140mm tại thủ đô. Thứ hai là chưa bao giờ mùng 1 Tết mà mưa đá ở 7 tỉnh, 12.000 ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng toàn bộ mái. Đây là một điểm bất thường. Từ đó đến nay 117 trận lốc xoáy mưa đá, trong đó có 34 trận mưa đá ở 42 tỉnh thành, cho thấy tính rất dị thường; Chưa năm nào cả 3 miền Bắc-Trung-Nam vào sản xuất vụ Đông Xuân mà đều gặp hạn như năm nay; Chưa bao giờ hạn mặn lịch sử ở đồng bằng sông Cửu Long hơn cả năm 2016”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ.
Ngoài thời tiết cực đoan, dịch tả lợn châu Phi hoành hành, sâu keo mùa thu đe dọa, dịch châu chấu châu Phi còn đang phải đề phòng. Cùng với đó, ngành nông nghiệp còn chịu thiệt hại chung do dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, nhờ sự cố gắng vượt bậc, 5 tháng đầu năm, tất cả các mục tiêu, tiến độ ngành nông nghiệp đều đạt, trừ giá lợn hơi.
“Vụ xuân ba miền Bắc-Trung-Nam đã thu hoạch xong 3 triệu ha, với sản lượng cao nhất bình quân khoảng 60 tạ/ha; Tổng sản lượng đảm bảo được 20,5 triệu tấn lương thực, cao nhất trong mấy năm gần đây. Thứ hai, giá thành sản xuất Bộ Tài chính vừa công bố là hơn 3.000 đồng/kg. Bà con nông dân bán giá thấp nhất 5.800 đồng/kg. 5 tháng xuất khẩu gạo đạt 3 triệu tấn, tăng 5,5 % về lượng và tăng 19% về về giá trị”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nêu rõ từ nay đến cuối năm thử thách thức của ngành nông nghiệp còn rất nhiều, như thiên tai, thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục khó khăn và những điểm nghẽn trong ngành…
Đẩy nhanh tái đàn để giảm giá lợn
Về giải pháp để giảm giá lợn hơi, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, bộ đang chỉ đạo đẩy nhanh việc tái đàn lợn an toàn, bền vững và dự kiến đến quý 4 năm nay, đàn lợn trên cả nước mới bù đắp lại đủ thiệt hại 20% (tương đương với 6 triệu con lợn) đã bị mất do dịch tả lợn Châu Phi hồi cuối năm 2019.
“Đảm bảo tái đàn nhưng phải bền vững vì nguy cơ bùng phát lại dịch tả lợn Châu Phi rất cao. Hiện, Trung Quốc đã có tới 23% bị bệnh trở lại. Do đó không thể tái đàn một cách bừa bãi được”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng khuyến cáo người dân đa dạng sản phẩm thay vì chỉ dùng thịt lợn, đồng thời tăng cường khâu thương mại để làm sao kiểm soát không để trục lợi, tăng giá, từ đó từng bước giảm giá thịt lợn xuống mức hợp lý.