Nêu cao vai trò giám sát
Để đảm bảo việc thực hiện gói hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được đảm bảo công khai, minh bạch, vai trò giám sát của MTTQ các cấp cần được phát huy kịp thời, xuyên suốt trong từng khâu thực hiện chính sách.
Kiểm tra thực tế việc chi trả hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch tại xã Nà Ma, huyện Xín Mần (Hà Giang). Ảnh: Hoàng Thạch.
Thuận lợi nhiều nhưng khó khăn không ít
Những ngày này trên địa bàn tỉnh Hà Giang việc triển khai gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang được thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có nhiều thuận lợi nhưng cũng đối diện với không ít khó khăn. Theo ông Trần Đức Quý- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ngay từ khâu đầu thực hiện lập danh sách, rà soát và chi trả hỗ trợ cho người dân tại các tỉnh, thành phố đã nhận được sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.
Cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Lao động -Thương binh và Xã hội với UBND các huyện, thành phố, các xã, thị trấn nghiêm túc triển khai với tinh thần trách nhiệm cao.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Nguyên nhân là do việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu và điều tra, rà soát, phê duyệt hộ nghèo, hộ cận nghèo vào thời điểm cuối năm 2019 trên địa bàn một số tỉnh, thành phố còn nhầm lẫn, sai sót và thiếu sự cập nhật. Bên cạnh đó, thời gian triển khai gấp rút, việc quản lý nhân khẩu thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại cơ sở chưa chặt chẽ nên đã phát sinh những sai sót như: bỏ sót đối tượng đủ điều kiện được thụ hưởng, cập nhật thông tin không chính xác đối tượng trong diện được hỗ trợ đã chết hoặc lập danh sách trùng lặp đối tượng…
Theo ông Vàng Seo Cón- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang, tại một số địa phương miền núi, địa bàn rộng lớn và bị chia cắt, đường sá đi lại khó khăn, người dân sống rải rác và có tập quán đi làm nương rẫy xa nhà, ở nhà chỉ có người già và trẻ nhỏ, dẫn đến khó khăn và tốn nhiều thời gian trong việc lập danh sách và tổ chức chi trả hỗ trợ. Bên cạnh đó, phần lớn những khó khăn vướng mắc hiện nay nằm ở hai nhóm đối tượng còn lại là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động và hộ kinh doanh.
“Cấp xã và cấp huyện tại nhiều địa phương vẫn gặp phải khó khăn trong việc điều tra, rà soát, thẩm định đối tượng này. Đặc biệt, việc lập danh sách những người thuộc nhóm đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp hay làm các công việc như: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa chỉ cố định, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa, lái xe mô tô hai bánh chở khách hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe,… đang rất khó triển khai”- ông Cón chia sẻ.
Giám sát chặt chẽ thực hiện chính sách
Trước những khó khăn, vướng mắc mà nhiều tỉnh, thành phố còn gặp phải, tỉnh Lào Cai đã có cách làm sáng tạo, có nhiều kinh nghiệm, cách làm hay trong việc giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân. Để đảm bảo quyền lợi người dân, trong tháng 6/2020, MTTQ tỉnh Lào Cai đã thành lập 2 đoàn kiểm tra và 2 đoàn giám sát tại các huyện, thị xã, thành phố. Toàn bộ 9/9 Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố đã xây dựng hướng dẫn về việc giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; chủ động báo cáo cấp ủy, thống nhất với UBND cùng cấp về nội dung phương thức giám sát trước khi triển khai thực hiện. Nhờ đó, tỉnh Lào Cai đã cơ bản hoàn thành hỗ trợ đợt 1 với 4 nhóm đối tượng gồm: đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo với tổng số đối tượng được hỗ trợ đợt 1 là 185.135 (đạt 100%); kinh phí là 150.242.750.000 đồng đạt 100%.
Để đảm bảo các hoạt động giám sát được thông suốt, ông Giàng Seo Vần, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai mong muốn, trong thời gian tới, UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ ban hành đồng bộ hệ thống biểu mẫu đảm bảo sự thống nhất trong thống kê từ Trung ương đến các tỉnh, thành để khi triển khai các nhiệm vụ giám sát nói chung và giám sát việc thực hiện chi trả hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nói riêng.
“Bên cạnh công tác giám sát, tại một số địa phương, thông qua các hội nghị thôn, bản, Ban Công tác Mặt trận và các buổi sinh hoạt chi hội của các đoàn thể, MTTQ và các tổ chức thành viên đã tổ chức thành lập các tổ, đội, nhóm phân công xuống cơ sở trực tiếp đến từng nhà dân để tuyên truyền gắn với giám sát việc chi trả chính sách đối với những đối tượng diện được hưởng chính sách. Mục tiêu hướng tới 100% các đối tượng được hưởng chính sách nắm được nội dung, nguyên tắc, điều kiện thủ tục được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Có thể nói, khi làm tốt vai trò của mình qua công tác giám sát, tuyên truyền, vận động, hệ thống MTTQ các tỉnh, thành phố đã giúp hạn chế tối đa sai sót trong từng khâu thực hiện chi trả hỗ trợ cho các nhóm đối tượng, tạo sự đồng thuận giữa người dân với chính sách của Đảng, Nhà nước, tăng cường sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, nhân dân cả nước cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, ổn định đời sống xã hội. Hiệu quả từ quá trình giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân thời gian qua đã góp phần khẳng định vị thế của Mặt trận trong thời kì mới.