Mưa to là ngập
Đó là thực tế đã và vẫn đang xảy ra tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều năm qua, chính quyền hai thành phố lớn nhất cả nước đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng những điểm đen ngập úng vẫn tồn tại như một thách thức. Mùa mưa bão năm nay đã đến, nỗi lo phố thành sông lại trở về.
Mùa mưa bão đến, người Hà Nội lại lo ngập lội. (Ảnh: Quang Vinh).
Ngày 9/6, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh) và Trung tâm Báo chí TP HCM tổ chức buổi Họp báo cung cấp thông tin về tình hình chống ngập tại TP HCM. Trước đó, chiều tối 4/6, Văn phòng UBND TP HCM cũng đã chủ trì buổi họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm, cũng như trả lời một số nội dung mà báo chí đặt ra, trong đó có vấn đề chống ngập.
1. Trả lời về đơn giá dịch vụ chống ngập tại TP HCM được đề xuất là 3.668 đồng/m2/tháng và liệu người dân có phải trả phí này hay không? Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Huỳnh Thanh Khiết thông tin: Hiện nay, việc xã hội hóa chống ngập trên địa bàn TP HCM thực hiện theo chủ trương của Thường trực Thành ủy giao Ban cán sự Đảng UBND TP xem xét cổ phần hóa các công ty công ích quận, huyện thực hiện công tác duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước theo hướng xã hội hóa và giao các công ty tư nhân thực hiện.
“Thành phố khẳng định cần sự đồng hành của người dân, nhưng TP sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm việc này. Cho nên, người dân không phải chi trả chi phí cho việc chống ngập này”- ông Khiết khẳng định và cho biết thêm Sở Xây dựng đã giao Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP HCM (thuộc Sở Xây dựng) xây dựng đơn giá dịch vụ chống ngập để khi xã hội hóa, có đơn giá chi trả cho các đơn vị tư nhân thực hiện. Còn với câu hỏi vì sao TP HCM vẫn bị ngập trên nhiều tuyến đường? Ông Khiết cho hay: Hiện TP HCM có hàng loạt dự án chống ngập đang trong quá trình thực hiện nên việc kết nối chưa hoàn chỉnh. Ngoài ra, các dự án chống ngập chủ yếu thực hiện trong trung tâm TP còn các vùng ven thì chưa xử lý triệt để.
Trở lại với cuộc họp báo ngày 9/6, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP HCM cho biết, lãnh đạo TP HCM rất quan tâm đến công tác chống ngập. TP đang chỉ đạo quyết liệt để thực hiện các dự án vừa phát triển hạ tầng giao thông, vừa giải quyết chống ngập; trong đó có dự án giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu khu vực TP HCM giai đoạn 1 gần 10.000 tỷ đồng. Dự án này với mục tiêu giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do triều và mưa kết hợp với triều cường cho khu vực trung tâm TP. Đại diện Trung tâm này cũng cho biết, so với thời điểm trước đây, công tác chống ngập, giảm ngập của TP HCM đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận: số lượng điểm ngập giảm rõ rệt, chiều sâu ngập, thời gian ngập giảm. Cụ thể, trước đây, thời gian ngập có thể kéo dài 4 đến 6 tiếng, nhưng hiện nay ngập chỉ kéo dài 15 đến 40 phút sau mưa.
Tuy nhiên, trên thực tế, nếu tính từ đầu năm đến nay TP HCM có 3 trận mưa lớn (vũ lượng từ 70 mm đến 112,3 mm) đã gây ngập 22 tuyến đường. Đặc biệt là tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) dù đã được đầu tư lớn nhưng vẫn ngập. Khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất với hai hướng thoát nước chính là kênh A41 (hướng thoát ra kênh Nhiêu Lộc -Thị Nghè qua đường Út Tịch) và kênh Hy Vọng (hướng thoát ra kênh Tham Lương). Tuy nhiên, nơi này khả năng rút nước vẫn rất chậm.
Tới nay, tình trạng úng ngập tại TP HCM có thể nói là đã được cải thiện phần nào. Tuy nhiên theo giới chuyên gia, nếu tiến độ khắc phục chậm thì nguy cơ vẫn còn đó. Dự kiến trong 7 đến 10 năm tới, mưa đổ xuống kết hợp với triều cường dâng, nếu vẫn như hiện nay thì 1/3 diện tích sẽ chìm trong nước.
Thủy triều lên cao nhất tại TP HCM thường rơi vào khoảng tháng 11. Nhưng những tháng đầu năm nay thủy triều và mực nước tại các trạm đo được cao hơn so với đỉnh triều cùng thời điểm những năm trước. Trong các ngày từ 10 đến 13/2, nhiều nơi thủy triều lên khá cao, một số chỗ vượt mức báo động 3. Trong sáng ngày 12/2, khu vực Thảo Điền(Q2) nước ngập tới gần nửa bánh xe máy. Tại một số tuyến đường ở Q7, như Lê Văn Lương, Gò Ô Môi..., triều cường dâng cao đến hiên nhà dân. Hay như cơn mưa bất ngờ chiều 9/4 tuy không lớn (68,2 mm) nhưng vẫn làm nhiều tuyến đường bị ngập, nhất là khu vực gần chân cầu vượt Bình Phước (Q.Thủ Đức) hướng chợ Nông sản Thủ Đức đến ngã tư Ga. Tại các tuyến đường Song Hành QL22, Nguyễn Ảnh Thủ (Q12), một số chỗ trên QL22... nhiều đoạn ngập gần nửa mét.
Như vậy, có thể nói, việc ngập úng tại TP HCM trong mùa mưa năm nay vẫn sẽ diễn ra gay gắt, đời sống sinh hoạt của người thành phố vẫn gặp khó khăn.
2. Với Hà Nội, chiều tối ngày 10/6, người dân đã được đón trận “mưa vàng” giải nhiệt sau những ngày nắng nóng như nung. Nhưng, cũng chỉ một trận mưa đó thôi mà đường phố nhiều nơi đã ngập úng. Các tuyến phố Thụy Khuê (trường Chu Văn An - dốc La Pho); Ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; Ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến; Phùng Hưng; Trần Cung (đoạn cây xăng A38); đoạn từ UBND phường Mai Dịch đến Bệnh viện 198); Hoa Bằng (ngõ 99); Nguyễn Khuyến (khu vực trước cổng trường THCS Lý Thường Kiệt); Bùi Xương Trạch (số nhà 49 đến số nhà 93)… tuy nước ngập không sâu nhưng cũng ảnh hưởng rõ rệt tới lưu thông trên đường.
Thực tế ấy làm “sống dậy” nỗi lo của người Hà Nội khi mùa mưa bão đã đến rất gần. Liệu người ta còn phải bì bõm trong nước đến bao giờ? Tuy rằng so với vài năm trước thì tình trạng úng ngập trong nội đô đã giảm.
Với trận mưa chiều tối ngày 10/6, theo lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội thì để nhanh chóng hạn chế điểm ngập, đưa nước ra các sông tiêu lớn, Công ty kịp thời bố trí công nhân kịp thời ứng trực, tua vớt rác tại miệng thu, khơi thông dòng chảy. Do thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài có thể gây mưa lớn trên địa bàn Thủ đô trong thời gian tới. Vì vậy để đảm bảo công tác phòng, chống úng ngập Công ty triển khai công tác ứng trực, giải quyết thoát nước, tua vớt rác tại miệng thu, khơi thông dòng chảy, bố trí phương tiện cơ giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra úng ngập và vận hành trạm bơm Yên Sở, Bắc Thăng Long -Vân Trì để hạ mực nước trên hệ thống đảm bảo khả năng tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố.
Công nhân thoát nước tại Gia lâm (Hà Nội) trận mưa chiều tối ngày 10/6.
Theo TS Nguyễn Xuân Hoàng, nguyên nhân chính của tình trạng úng ngập ở Hà Nội là do hiện tượng bê tông hóa mặt đất trong quá trình đô thị hóa làm giảm nghiêm trọng lượng nước mưa ngấm xuống đất và chảy vào ao hồ. Phần lớn nước mưa chảy thẳng vào hệ thống thoát nước gây quá tải và ngập úng. Nếu quá trình đô thị hóa vẫn tiếp tục như vậy thì yêu cầu hệ thống thoát nước ngày một lớn hơn. Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, quan trọng nhất chính là việc chưa có giải pháp hữu hiệu đối với những điểm úng ngập “kinh niên”. Mà lẽ ra hễ cứ mưa to là nơi đó lại ngập, thì cần thiết phải nghiên cứu, đưa ra giải pháp và giải quyết dứt điểm. Nếu do hệ thống thoát nước tại những “điểm đen ngập úng” đó quá tải thì phải triệt để khơi thông nó. Việc nhân viên thoát nước túc trực tại các miệng cống khi mưa xuống là quý, nhưng đó cũng không phải là giải pháp lâu dài.
Mà giải pháp lâu dài ở đâu thì chưa rõ.
Khu vực Thảo Điền (TP HCM) trong trận mưa chiều tối ngày 4/6.
Các chuyên gia đã chỉ ra 9 nguyên nhân chính gây ngập úng ở TP HCM. Thứ nhất: Ảnh hưởng của mưa lớn bất thường (gồm tần suất, mô hinh, lượng mưa...). Thứ hai: Thủy triều xâm nhập qua hệ thông sông Sài Gòn - Đồng Nai và sông Vàm Cỏ Đông cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, dẫn đến đỉnh triều cao hơn các mức tính toán cũ. Thứ ba: Hiện trạng cao độ nền thấp và vấn đề sụt lún nền đô thị dẫn đến cốt nền xây dựng đô thị thấp không đủ để tạo độ dốc phù hợp cho việc thoát nước và nhiều khu vực còn thấp hơn mức nước sông khi có triều cường nên không thể tiêu thoát tự nhiên ra ngoài. Thứ tư: Đô thị phát triển nhanh chóng dẫn đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đó có kỹ thuật thoát nước và chống ngập úng không theo kịp với tốc độ phát triển đô thị, cùng với hệ thống thoát nước cũ, nhỏ dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu thoát nước. Thứ năm: Việc duy trì bảo dưỡng hệ thống thoát nước chưa được thực hiện tốt. Thứ sáu: Ý thức của người dân còn hạn chế và việc quản lý chưa được thực hiện tốt nên nhiều nơi bị lấn chiếm, san lấp trái phép, tình trạng xả rác ra kênh rạch, cửa xả vẫn còn rất phổ biến làm thu hẹp dòng chảy, tắc nghẽn hệ thồng thoát nước, hố ga, của xả. Thứ bảy: Thiếu sự đồng bộ trong quản lý cao độ xây dựng, dẫn đến tình trạng hình thành các vùng trũng thấp cục bộ. Thứ tám: Công tác dự báo chưa lường hết được được biến đổi khí hậu. Thứ chín: Tiến độ triển khai quy hoạch và các dự án thoát nước, chống ngập úng còn rất chậm nên chưa đáp ứng được vấn đề thoát nước và chống ngập đô thị.