Nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết

Hà Phương 14/06/2020 08:00

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 26.857 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 58 tỉnh, thành phố, trong đó có ba ca tử vong tại Bình Định, Bình Phước và Tây Ninh.

Trong những tuần gần đây, số ca mắc có xu hướng gia tăng tại các tỉnh, thành phố: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh. Trên thực tế, dịch SXH đang có dấu hiệu bùng phát.

Nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết

Tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết. (Nguồn: Báo Đồng Nai).

Hà Nội xuất hiện 2 ổ dịch SXH

Giữa lúc dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, những cơn mưa đầu mùa đang tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH và bệnh do virus Zika phát triển, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Bộ Y tế vừa có công văn gửi các tỉnh, thành phố đề nghị nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống nhằm ngăn chặn sự gia tăng, bùng phát của dịch bệnh. Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 137 trường hợp mắc SXH tại nhiều quận huyện, trong đó có 2 ổ dịch có nguy cơ lớn và chưa có trường hợp tử vong.

Theo BS Khổng Minh Tuấn- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, hiện là mùa dịch SXH. Các ca mắc SXH rải đều trên tất cả các quận, huyện, các xã, phường, trong đó trọng tâm là khu nội thành, khu đông dân cư, nơi có hạ tầng cơ sở chưa phát triển.

Số ca mắc được phân bổ tại 23/30 quận huyện và 96/579 xã phường. Sở Y tế Hà Nội đánh giá 2 ổ dịch SXH có nguy cơ gia tăng nhanh là xã Khánh Hà, huyện Thường Tín và xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai (Hà Nội). So với cùng kỳ, số ca mắc giảm 44,6%. Mặc dù năm 2020 không nằm trong chu kỳ dịch, ông Tuấn cảnh báo số ca SXH có thể tăng trong thời gian tới do thời tiết ấm hơn, mưa nhiều.

Tại Hà Nội, hàng năm đều ghi nhận số mắc cao so với các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, đặc biệt tại các quận nội thành và các huyện vùng ven đô. Năm 2019 toàn thành phố ghi nhận 12.256 trường hợp mắc SXH, không có ca tử vong. Trọng tâm mắc SXH các năm ở nội thành đông dân cư gồm quận Đống Đa, Hoàng Mai, Cầu Giấy. Các huyện ngoại thành giáp ranh như Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín thường xuyên là khu vực nguy cơ cao, số ca SXH tăng liên tục hàng năm do điều kiện đô thị hóa khiến muỗi truyền nhiễm phát triển.

Ông Hoàng Đức Hạnh- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay thời tiết miền Bắc đang vào mùa hè, nắng nóng và mưa nhiều sẽ là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển và truyền bệnh.

Để chủ động phòng, chống SXH, tới đây, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đợt cao điểm hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXH (15/6). Ngành y tế sẽ tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh, diệt bọ gậy tại các xã, phường, thị trấn và phun hóa chất ở các khu vực nguy cơ cao. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát tại các khu vực có nhiều bệnh nhân, các ổ dịch kéo dài… Qua đó, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch.

Diễn biến khó lường

Trước nguy cơ bùng phát dịch SXH, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu đã có cảnh báo lưu ý về những biện pháp phòng ngừa, điều trị kịp thời với mùa dịch SXH. Ông Phu cho biết, dịch đến sớm hơn mọi năm và sẽ khiến diễn biến khó đoán cho dù các chủng gây bệnh không có gì đột biến. Dù người mắc SXH vẫn tập trung ở khu vực miền Nam (gần 70% người bệnh) nhưng năm nay đặc biệt Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng…là những tỉnh, thành phố có số mắc SXH tăng cao bất thường so với năm trước.

Các bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là tuyến cuối của hệ thống điều trị SXH như BV bệnh Nhiệt đới trung ương, BV Nhi trung ương, BV Nhi đồng 1 và 2 TP HCM... chủ động chỉ đạo tuyến, điều chỉnh lại quy trình tiếp nhận, điều trị người bệnh cho phù hợp với tình hình của từng bệnh viện và hỗ trợ các cơ sở khám bệnh chữa bệnh tuyến dưới. Các ca tử vong phải được phân tích nguyên nhân để rút kinh nghiệm nhằm hạn chế tối đa các trường hợp tương tự.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp- Trưởng khoa Cấp cứu BV bệnh Nhiệt đới trung ương, SXH nếu phát hiện và điều trị theo đúng phác đồ thì sẽ khỏi bệnh, không để lại di chứng. Đáng lo ngại là bệnh SXH có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tới các trung tâm y tế khám bệnh dẫn tới tình trạng bệnh nặng và có những biến chứng như: xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, đe dọa tới tính mạng.

Những biểu hiện cần lưu ý

Theo các chuyên gia y tế, SXH là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì có thể gây tử vong, tạo thành dịch lớn. Cụ thể, virus gây bệnh SXH có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại. Do vậy, mỗi người có thể sẽ mắc SXH 4 lần. Nếu mới mắc SXH lần đầu, người đó có thể còn mắc bệnh thêm 3 lần nữa bởi các típ virus còn lại.

Triệu chứng là các nốt ban đỏ trên da, kèm thân nhiệt tăng cao. Biến chứng SXH có thể làm chết người vì gây cô đặc máu, giảm tiểu cầu, dẫn đến sốc hoặc gây xuất huyết ở các mức độ khác nhau. Các bác sĩ nhận định, khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của SXH như đau người, đau cơ, khớp, đau đầu, sốt, đa phần mọi người thường nghĩ đến cúm hay sốt do virus và tự ý mua thuốc giảm đau về dùng, trong đó có 2 loại là aspirin và ibuprofen.

Tuy nhiên, hai loại thuốc này sẽ khiến tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng. Bác sĩ Cấp lý giải nguyên nhân là do bệnh SXH Dengue gây ra tình trạng rối loạn đông máu, khiến cơ thể dễ bị chảy máu. Ở thể nhẹ sẽ bị xuất huyết dưới da với các chấm đỏ trên da hoặc vết bầm. Ở thể nặng sẽ gây chảy máu răng, chảy máu cam, nôn (ói) ra máu... Trong khi đó, thuốc aspirin và ibuprofen cùng có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu. Aspirin còn có tác dụng phụ là loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày, ói ra máu. Do vậy, tuyệt đối không uống hai loại thuốc kể trên khi nghi ngờ bị SXH. Người dân khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Các chuyên gia y tế huyến cáo người dân cần lưu ý các triệu chứng mắc SXH như: Sốt cao, 39-40 độ C liên tục trong 3-4 ngày; người mệt mỏi, phát ban, buồn nôn; xuất huyết dưới da, nổi chấm màu đỏ, chảy máu cam, chảy máu chân răng; đau bụng, nôn ói... Sốc là dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 kể từ khi mắc.

Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành hàng năm tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng trên 100.000 trường hợp mắc, riêng năm 2019 cả nước đã ghi nhận 320.331 trường hợp mắc, 53 trường hợp tử vong, số mắc cao nhất trong 32 năm trở lại đây. Bệnh này do 4 chủng của virus Dengue gây ra, do muỗi vằn Aedes egypti đốt và truyền virus từ người bệnh sang người lành. Chưa có vaccine phòng bệnh.

Hà Phương