Xử lý nghiêm bạo hành trong nhà trường
Tuần vừa qua, việc hai cô giáo tại Trường mầm non Hoa Anh Đào (Hải Dương) có hành vi dùng dép đánh vào đầu một em bé học lớp nhà trẻ (18-24 tháng), đã khiến dư luận phẫn nộ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Tientieu.net).
Sự việc xảy ra khi một phụ huynh thấy con có biểu hiện không chịu đi học nên đã theo dõi camera của nhà trường để tìm nguyên nhân. Đến 10h30 sáng ngày 10/6, phụ huynh phát hiện hai cô giáo tại Trường mầm non Hoa Anh Đào có hành vi đánh vào đầu con mình nên báo cáo sự việc đến nhà trường và chính quyền địa phương.
Sau khi xem lại hình ảnh camera, nhà trường và lãnh đạo địa phương xác nhận phản ánh của phụ huynh học sinh là đúng. Hai giáo viên nói trên cũng đã có bản tường trình và bản kiểm điểm nhận khuyết điểm. Nhà trường đã cùng hai giáo viên đến nói chuyện và xin lỗi gia đình cháu bé. Bên cạnh đó, Hiệu trưởng cũng cho thôi việc đối với hai cô giáo vì vi phạm quy định trong giáo dục và đào tạo.
Có thể nói, sau mỗi vụ bạo hành như vậy xảy ra, điều dư luận quan tâm nhất là tâm lý của trẻ như thế nào? Xử phạt có thực sự đủ răn đe để những trường hợp tương tự không xảy ra?
Về trường hợp vi phạm lần này, Hiệu trưởng nhà trường đã ra quyết định kịp thời. Nhưng, lại đặt ra vấn đề làm sao để những hành động trên không tiếp diễn trong môi trường giáo dục. Chứ không phải chỉ là chuyện có lỗi thì đuổi việc.
Chia sẻ với báo chí, chuyên gia giáo dục Huỳnh Tiến Minh, Học viện Quản lý giáo cho biết: Khi trẻ bị bạo hành, thể chất của trẻ bị tổn thương, nguy hại. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, hành vi và cách ứng xử của trẻ trong tương lai. Điển hình, khi bị bạo hành, trẻ sẽ thay đổi tính cách, đang hiền lành bỗng trở nên hung dữ, lì lợm, cũng có trẻ mang tính cách nhút nhát, không muốn tiếp xúc với người khác. Ngoài ra, có những đứa trẻ bị ảnh hưởng tâm lý đến mức ảo giác, bị khủng hoảng tâm thần và gây ra tự kỷ. Những tổn thương này có thể hồi phục, hoặc cũng có thể sẽ đi theo các em mãi mãi nếu như gia đình không có biện pháp điều trị.
Ông Minh cho rằng, bạo hành trong môi trường nào cũng phải lên án mạnh mẽ và kiên quyết xử lý mạnh tay chứ đừng nói môi trường giáo dục mầm non. “Tôi cho rằng cho thôi việc là chưa đủ”- ông Minh nói và đề nghị: Ngoài việc áp dụng các biện pháp răn đe, chúng ta cũng đừng mãi lâm vào lối mòn “mất bò mới lo làm chuồng”, học sinh bị bạo hành mới kỷ luật cô giáo. Hệ thống sư phạm cần tuyên truyền tốt hơn bộ quy tắc ứng xử học đường và nói không với bạo hành giáo dục. Giáo viên mầm non cần được đào tạo bài bản hơn, kiên quyết không nhận người trông trẻ chưa qua đào tạo. Có như vậy trường học mới thực sự là môi trường giáo dục tốt nhất cho trẻ...