Ban nhạc nhí cù lao
Nằm yên bình giữa vùng thượng nguồn hai dòng sông Hậu và sông Tiền, từ lâu huyện cù lao Phú Tân (An Giang) nổi tiếng hiền hoà, êm đẹp. Đây cũng là vùng đất nổi tiếng về ca cải lương vọng cổ, được coi như một nét văn hoá miền quê dân dã lâu đời. Từ những người già, nam thanh nữ tú cho tới những cô cậu nhóc đều đàn, hát cải lương rất hay…
Ba chị em “ban nhạc nhí”.
Câu chuyện về 3 chị em cô bé Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Nguyễn Khánh Hưng và Nguyễn Thị Tuyền (lần lượt là 10, 8 và 6 tuổi) đều biết đàn hát và ca cải lương là chuyện khá đặc biệt. Đó là ba đứa nhỏ mồ côi, đang sống nương tựa vào tình thương của người khác.
Cậu bé “triệu viu”
Chúng tôi gặp gỡ ba chị em cô cậu bé vào một buổi sáng cuối tuần. Nơi ở hiện nay của các em là một căn gác trọ ở khu chợ trung tâm thị trấn Phú Mỹ (huyện Phú Tân). Trong 3 chị em, cậu bé Khánh Hưng (8 tuổi) đương nhiên là người nổi tiếng nhất. Bởi cậu từng tham gia một trò chơi “Biệt tài tí hon” trên truyền hình, khiến đông đảo khán giá thán phục vì tiếng đàn điêu luyện lay động lòng người của mình. Những clip ghi lại tiếng đàn của cậu “nhạc công nhí” cũng thu hút hàng triệu người xem trên mạng xã hội sau đó.
Ngoài đời, cậu bé Khánh Hưng nhìn loắt choắt, không khác nhiều so với những cậu bé miền quê khác ở cù lao rộng lớn này. Tuy nhiên, tiếng đàn của cậu đã vượt xa ranh giới cù lao nơi thượng nguồn này. Thậm chí tôi có thể dễ dàng tìm được hàng chục bài báo viết về cậu bé Khánh Hưng sau khi xuất hiện trên màn ảnh nhỏ. Trong khi đó, dù không được xuất sắc như Khánh Hưng nhưng cô chị Mỹ Duyên và bé Tuyền cũng khá thành thạo 2 nhạc cụ là đàn ghi ta và đàn sến.
Trong ban nhạc nhí của 3 chị em, thường thì Khánh Hưng sẽ là người đàn còn chị và em gái sẽ hát. Nếu như khán giả trên truyền hình chỉ được thưởng thức tiếng đàn của Khánh Hưng thì nhiều người dân xứ cù lao này được nghe tiếng đàn, tiếng hát của cả ba chị em. Mọi người đều gọi đó là “ban nhạc” nhí khi các em đàn hát rất nhiều bài ca cải lương như lý con sáo, lý tòng quân, Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà hay cả Phạm Công Cúc Hoa… Ngoài ra, cậu bé Khánh Hưng còn tự sáng tác thêm những câu vọng cổ quen thuộc về đời sống thường nhật, những người xung quanh hay thậm chí cả con “corona” bằng những âm điệu hết sức mượt mà, tha thiết.
Thế nhưng, cuộc sống thường nhật của ba chị em lại không êm đềm và mượt mà như những điệu đàn, lời hát. Sinh ra đã mồ côi cha, sau đó vì cuộc mưu sinh mà người mẹ dứt bỏ 3 đứa con để đi làm ăn nơi xa, hiện cả ba chị em Khánh Hưng sống nhờ vào một người thân là “ông Sáu”. Ông Sáu tên thật là Nguyễn Hoàng Anh, mới hơn bốn mươi tuổi, là em của bà nội ba chị em.
Chia sẻ câu chuyện về đời tư 3 em nhỏ, anh Hoàng Anh cho biết anh nhận nuôi cả ba bé từ nhỏ. “Cũng như nhiều người dân ở miệt cù lao này, tôi cũng được cha dạy các loại đàn và hát ca cổ từ nhỏ. Sau khi cha mất, ông để lại cho tôi một gia tài là mấy chục loại nhạc cụ, từ đàn sến, đàn cầm, đàn nguyệt tới tì bà, đàn bầu, sáo… Nhưng tôi cũng chỉ coi âm nhạc là thú vui lúc nhàn rỗi chứ không phải là nghề vì nhiều người ở đây đều thích đàn ca. Sau khi nhận nuôi bé Khánh Hưng, mỗi lần thấy tôi chơi đàn cùng bè bạn là cháu nhìn rất chăm chú. Rồi cháu xin học đàn cùng lúc 6 tuổi. Ban đầu mình nghĩ chắc trẻ con thích thì mau chán, vài bữa rồi quên. Ai dè Khánh Hưng học rất chăm chỉ, ngày nào đi học về cũng ôm cây đàn tập luyện”- anh Hoàng Anh chia sẻ về quá trình đến với âm nhạc của Khánh Hưng. Riêng với cô chị Mỹ Duyên và em Tiền thì cũng học đàn nhưng không quá nổi bật như Khánh Hưng.
Và cũng như một mối lương duyên cùng biệt tài trời phú, Khánh Hưng học đàn rất nhanh và những bản nhạc qua bàn tay cậu bé đều ngân lên rất có hồn. Ngay từ những năm lớp 1, trong khi bè bạn cùng trang lứa còn làm nũng ba mẹ, bé Khánh Hưng đã đàn thành thục đàn sến, loại nhạc cụ em yêu thích nhất. Rồi em cũng tham gia biểu diễn trong các buổi liên hoan ở thị trấn, ở huyện nơi mình sinh sống. Đến nay, khi mới 8 tuổi thì Khánh Hưng đã sử dụng thành thục 11 loại nhạc cụ, nhưng đàn sến vẫn là nhạc cụ em yêu thích và thành thạo nhất.
Khách đến quán “Nụ cười” nghe đàn, hát.
Âm nhạc “nụ cười”
Chia sẻ về cuộc sống hiện tại và ước mơ sau này, cậu bé Khánh Hưng không ngần ngại nói luôn: Ban ngày em đi học cùng bè bạn, lúc ở nhà thì phụ giúp ông Sáu bán hàng mưu sinh. Đây là quán được ông Sáu thuê lại, nằm sát chợ trung tâm thị trấn Phú Mỹ. Quán bán nước mía, cà phê và cả quần áo, được đặt tên là quán “Nụ cười”. Công việc buôn bán ở chợ nhỏ của thị trấn xa xôi thực tế cũng không có gì nhiều.
Theo quan sát của chúng tôi, chợ chỉ náo nhiệt chừng 2-3 giờ đồng hồ buổi sáng. Tới chừng mười giờ là các sạp hàng đóng cửa, rất ít khách ghé mua. Phần vì cuộc sống của người dân quanh đây còn nghèo, phần vì vùng thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu ở An Giang người dân có thói quen mua bán nhiều tại các “chợ đẩy”. Đó là các xe đẩy chứa đủ loại rau củ quả, thịt cá trứng, quần áo, đồ gia dụng… cứ đi loanh quanh khắp các tuyến đường từ sáng tới tối. Thế nên gần trưa là bé Khánh Hưng lấy bạt phủ mấy tủ chứa quần áo lại. Vì còn rất nhỏ nên để phủ được bạt lên mấy tủ quần áo, em phải trèo lên chiếc ghế khá cao.
Với những cô cậu bé mồ côi, có lẽ phải làm việc từ nhỏ nên hầu như việc gì chúng tôi quan sát thấy Khánh Hưng làm cũng khá thành thạo. Do tiếp xúc với nhiều người từ bé nên Khánh Hưng không hề cảm thấy nhút nhát khi chia sẻ với người xa lạ. Em bảo với chúng tôi, ước mơ sau này lớn lên sẽ làm nhạc công. Em muốn được học thêm tiếng Anh để có thể đi nhiều nơi biểu diễn. Tuy nhiên hiện nay em vẫn còn nhỏ, vẫn phải đi học và còn sống cùng chị và em gái nữa.
Với cô chị Mỹ Duyên, buổi sáng em bưng nước mía, cà phê cho khách quanh chợ, cũng là chủ các gian hàng buôn bán. Tầm gần trưa, em lại đi lấy ly tách và tính tiền mang về rồi rửa ly. Công việc của mấy chị em ngày nào cũng thế, gần như lặp đi lặp lại. Đặc biệt, từ ngày tiếng đàn, lời ca của ba chị em Khánh Hưng vang xa, được nhiều người biết tới thì quán “Nụ cười” cũng đông khách ghé hơn.
Khách tới ngoài uống cà phê nghe đàn thì chính khách cũng là những người chơi đàn, hát cải lương. Thói quen dân dã của người dân miệt vườn sông nước nơi đây, ca vài câu vọng cổ thực tế không cần chuẩn bị cầu kỳ. Chỉ một cái bàn nhựa, một cây đàn sến, cây ghi-ta hay nhạc cụ nào đó là bắt đầu ca. Anh Hoàng Anh bảo, có lúc khách đến ca tới quá trưa, chủ quán và các cháu bé đi ngủ rồi khách vẫn ngồi ca ngoài góc chợ vậy!
Tôi luôn nghĩ rằng, không chỉ đàn ca mà bất kỳ môn nghệ thuật nào cũng cần có sự khổ luyện, kỳ công. Để có được tiếng đàn điêu luyện như hiện nay, chắc chắn ba chị em nhà Khánh Hưng đã phải nỗ lực rất nhiều. Ngoài việc thiếu tình thương cha mẹ, phải tất bật phụ giúp mưu sinh đời thường, các em vẫn dành thời gian gắn bó với âm nhạc. Đó không chỉ là nỗ lực mà có lẽ còn là khả năng thiên bẩm, có một chút nhân duyên mới đạt được.
Không hiểu sao, sau khi chia tay ban nhạc nhí nơi cù lao, chúng tôi xuôi về phía phà Thuận Giang thì hình ảnh bàn chân nhỏ thó, đi chiếc dép tổ ong rách màu xanh đều đặn nhịp lên chiếc song loan khi đàn của Khánh Hưng vẫn ám ảnh tôi. Nó thân thương và đẹp đẽ quá. Nó gần như là hiện thân của sức sống bền bỉ cho nghệ thuật cải lương ở miệt đồng bằng châu thổ này. Khi chúng được kế thừa từ những lớp người đi trước, để những cô cậu bé dù chưa rõ tình yêu quê hương bản xứ nhưng đã biết yêu tiếng đàn, lời ca của xứ sở mình. Đó có lẽ không chỉ là âm nhạc, mà còn là tình yêu gắn bó của người dân châu thổ nơi này.
Không chỉ đàn ca mà bất kỳ môn nghệ thuật nào cũng cần có sự khổ luyện, kỳ công. Để có được tiếng đàn điêu luyện như hiện nay, chắc chắn ba chị em nhà Khánh Hưng đã phải nỗ lực rất nhiều. Ngoài việc thiếu tình thương cha mẹ, phải tất bật phụ giúp mưu sinh đời thường, các em vẫn dành thời gian gắn bó với âm nhạc. Đó không chỉ là nỗ lực mà có lẽ còn là khả năng thiên bẩm, cùng một chút nhân duyên mới đạt được.