Ngành than ‘chuyển mình’ theo thời đại số
Nắm bắt xu thế thời kỳ chuyển đổi số, những năm qua, nhiều DN ngành than đã đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, “tăng sức” máy móc, công nghệ, giảm sức người, từ đó giảm thiểu gánh nặng chi phí.
Phòng điều khiển Trung tâm Chế biến và kho than tập trung vùng Hòn Gai.
Đến vùng đất mỏ một ngày giữa tháng 6, cái nắng, cái nóng của khí hậu oi ả không làm giảm được tinh thần lao động hăng say của những người công nhân vùng đất này.
Tiếp chúng tôi trong một không khí hết sức cởi mở, thân tình, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần chế tạo máy Vinacomin Tăng Bá Khang cho biết, những năm gần đây, công ty ngày càng chú trọng vào việc đầu tư lắp đặt trang thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại để thay thế dần máy móc trang thiết bị lạc hậu, giảm thiểu nhiều gánh nặng chi phí. Từ đó nâng cao đời sống, nâng cao thu nhập cho anh em công nhân.
Hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, chuyên sản xuất, cung cứng các sản phẩm thép, trục khoan… những mặt hàng chủ lực cho khâu khai thác than, tuy nhiên, một thời gian dài, Công ty Cổ phần chế tạo máy Vinacomin phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất.
“Việc nhập khẩu nguyên liệu phải phụ thuộc đối tác, giá thành bị đội lên rất nhiều là những điểm trừ lớn nếu như chúng ta cứ phải phụ thuộc vào nhập khẩu”, ông Tăng Bá Khang nhấn mạnh. Đó còn chưa kể, máy móc, trang thiết bị cũ kỹ lạc hậu kéo giảm sức cạnh tranh của DN.
Tuy nhiên, hiện nay cục diện đã “xoay vần” - vị phó giám đốc nói vui khi cho biết, từ năm 2015, công ty đưa vào hoạt động dây chuyền cán thép vì lò với công suất 75.000-80.000 tấn đạt doanh thu khoảng 800 tỷ đồng/ năm. Với việc đầu tư công nghệ mới, công ty đã giảm được nhiều gánh nặng chi phí như giảm tổn thất điện năng, giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu, bởi theo ông Tăng Bá Khang, chi phí nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thép là rất tốn kém, và phụ thuộc rất nhiều vào sự biến động của tỷ giá.
Thêm nữa, khi phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, chúng ta không thể lường trước được những rủi ro, những biến cố bất ngờ có thể xảy ra tác động đến thị trường thế giới từ đó ảnh hưởng nặng nề đến việc nhập khẩu nguyên phụ liệu. Đại dịch Covid-19 là một ví dụ. Khi xảy ra dịch, cánh cửa xuất nhập khẩu của thị trường thế giới bị thu hẹp lại, và tất nhiên, điều này ảnh hưởng nặng nề đến khâu thông quan, xuất nhập khẩu như chúng ta đã chứng kiến.
“Tuy vốn đầu tư ban đầu không phải là nhỏ, hơn 200 tỷ cho một dây chuyền cán thép vì lò, song ngay khi đi vào sản xuất, dây chuyền này đã chứng minh những tiến bộ vượt bậc của nó. Hiện tại, từ đầu vào cho đến đầu ra chúng tôi đều thực hiện trong một vòng sản xuất khép kín, hoàn toàn chủ động được khâu nguyên liệu, doanh thu tăng vượt trội ngay từ năm 2015, năm đầu khi đưa dây chuyền sản xuất này vào hoạt động”, ông Khang nói.
Công ty Cổ phần chế tạo máy Vinacomin chú trọng đầu tư máy móc, trang thiết bị mới.
Ai cũng biết rất rõ, làm việc trong lĩnh vực khai thác, sản xuất và chế biến sản phẩm than, nếu dậm chân tại chỗ cũng đồng nghĩa với tụt hậu. Nắm được yếu tố này, Công ty CP than Núi Béo (Quảng Ninh) đã chủ động đầu tư trang thiết bị hiện đại vào khai thác với độ sâu âm 350 m.
Đại diện công ty cho biết, việc đưa máy móc, thiết bị dò xuống độ sâu âm 350 m thực sự không phải điều điều đơn giản. Trước đây độ sâu mà ngành than xuống được sâu nhất là âm 300 m. Tuy nhiên, với việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng thời kiên cố hóa các tầng hầm bằng bê tông cốt thép, một độ sâu mới của ngành than đã được lập kỷ lục khi đạt mức sâu âm 350 m. Đón chúng tôi trong những trang phục của những thợ lò, các công nhân vùng mỏ hết sức nhiệt tình.
Trao đổi với chúng tôi, anh Vì A Sính (một công nhân mỏ đến từ Lai Châu) cho biết, dù biết đây là nghề có nhiều rủi ro nhưng anh vẫn rất yêu nghề. “Thợ lò chúng tôi được hưởng lương rất cao, được nhận chế độ đãi ngộ tốt” - anh Sính nói đồng thời cho biết hiện lương thợ lò mà các anh được nhận là 18 triệu đồng/ tháng, còn với “lính mới” như anh Sính thì lương cũng khoảng 15 triệu đồng/ tháng.
Vì thuộc trong nhóm những nghề nguy hiểm nên hàng năm, lãnh đạo công ty thường tổ chức các đợt khám định kỳ để đảm bảo sức khỏe cho các anh em công nhân.
Cũng đầu tư mạnh mẽ vào trang thiết bị, hiện đại hóa công nghệ thông tin, Trung tâm chế biến và kho than tập trung của Công ty tuyển Than Hòn Gai nhiều năm trở lại đây đã tự động hóa nhiều dây chuyền sản xuất, giảm bớt gánh nặng nguồn nhân lực.
Theo ông Bùi Hữu Lý, Phó Giám đốc Công ty Tuyển than Hòn Gai, để giảm bớt gánh nặng chi phí, công nghệ lạc hậu dần được thay thế bằng công nghệ thông tin hiện đại hóa, nắm bắt các thông số một cách nhanh nhạy và chuẩn xác.
“Chúng tôi đã đầu tư hệ thống camera, tự động hóa nhiều khâu sản xuất, giảm tải nhân lực bởi một người có thể điều hành,chỉ huy sản xuất được cả một khu vực sản xuất cách đó nhiều cây số” - vừa chỉ cho chúng tôi xem quy trình giám sát hoạt động của trung tâm chế biến và kho than của tuyển than Hòn Gai, ông Nguyễn Văn Hạnh, Quản đốc phân xưởng vừa mở từng hình ảnh camera ở các khu vực sản xuất để chúng tôi thấy, tất cả các khâu đều được giám sát rất kỹ, trên màn hình máy tính hiện từng thông số kỹ thuật, đảo bảo tính chính xác tuyệt đối của từng quy trình từ lúc lấy than lên và đưa than vào khu vực sản xuất rồi vận chuyển than thành phẩm ra sao…
Chia sẻ với chúng tôi, đại diện Vinacomin cho biết, xu thế hội nhập đòi hỏi DN tất cả các lĩnh vực, ngành nghề phải chuyển động theo. Bởi vậy, việc đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị dây chuyền công nghệ là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các DN, kể cả DN nhỏ và vừa hay DN lớn.
“Xu thế này buộc DN phải vận động, sáng tạo, nếu không, DN có thể bị loại khỏi cuộc chơi. Và đối với ngành than, yêu cầu này càng đòi hỏi cao hơn bởi tính cạnh tranh trong lĩnh vực này là rất lớn” - vị này cho biết.