Giám sát cũng là để hỗ trợ an sinh

Liên Phương 15/06/2020 08:00

Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 của việc chi trả gói hỗ trợ dành cho các đối tượng: Người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Hà Nội đang khẩn trương tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ, chi trả cho các đối tượng là doanh nghiệp, người lao động trên địa bàn. Do tính phức tạp của các đối tượng này mà công tác giám sát càng được đề cao. MTTQ và các đoàn thể nhân dân các cấp đang đẩy mạnh công tác giám sát, tránh tình trạng gói hỗ trợ “đi nhầm địa chỉ”.

Giám sát cũng là để hỗ trợ an sinh

Chi trả gói hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 tại quận Thanh Xuân (Hà Nội).

Rà soát từng nhà

Từ hơn một tuần nay, cán bộ phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải đi xuống cở sở để rà soát các đối tượng được nhận hỗ trợ bằng tiền mặt của Nhà nước. Đối tượng phức tạp nhất chính là các lao động tự do. Theo quy định, các đối tượng này sẽ thực hiện khai báo với chính quyền nơi đăng ký tạm trú hợp pháp.

Gia đình ông Đặng Trần Trung cư trú trên địa bàn Tổ 10 thuộc đối tượng này. Gia đình ông Trung bán cơm suất, nhưng do dịch bệnh không có khách hàng, gia đình đang tiêu đến những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng.

Được các vị bên Mặt trận hướng dẫn làm đơn xin hỗ trợ, ông Trung rất phấn khởi cho biết: “Với chúng tôi, số tiền ít hay nhiều không quan trọng bằng việc nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể đối với người dân”.

Việc lên danh sách, làm hồ sơ được thực hiện chi tiết, khách quan ngay từ ban đầu. Cán bộ cơ sở cân nhắc “cho vào” hay “cho ra” từng trường hợp cụ thể để bảo đảm tính công bằng, minh bạch. Phải làm sao để người được hỗ trợ và người không được hỗ trợ đều cảm thấy hài lòng.

Hà Nội là địa bàn kinh tế trọng điểm của cả nước, tập trung rất đông lực lượng lao động thuộc nhiều đối tượng khác nhau. Đối với người lao động ở khu vực chính thức bị thiếu hoặc mất việc làm thì rất dễ để lập danh sách và xác minh nhưng đối với những lao động tự do làm các nghề buôn bán vặt, bán hàng rong, làm thuê… thì việc thống kê đang gặp nhiều khó khăn.

Bà Phạm Thị Khuyên,Trưởng ban Công tác Mặt trận Tổ 10 phường Quan Hoa chia sẻ: “Đợt rà soát thứ hai, ở tổ dân phố thành lập tổ nhóm gồm trưởng ban Công tác Mặt trận, bí thư chi bộ, trưởng các ban ngành; chia từng khu vực một rà soát đến từng nhà, nắm chắc tình hình các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Những trường hợp được hỗ trợ tổ dân phố phải thông báo đến từng hộ gia đình và dán trên các bản tin. Để sau khi dán nếu người dân thấy có những trường hợp không đúng thì sẽ có ý kiến lên hội đồng xét duyệt của phường và tổ dân phố. Và hội đồng đó phải chịu trách nhiệm về việc này”.

Thông báo kết quả tới từng đối tượng

Hà Nội có những tổ dân phố có hàng trăm lao động tự do. Mỗi phường lại có hàng chục tổ dân phố, nên có phường số người được hỗ trợ lên đến hàng nghìn người. Mặc dù khó nhưng vẫn phải làm và làm cho đúng. Đây là quyết tâm của cả hệ thống chính trị thành phố Hà Nội đã vào cuộc một cách quyết liệt. Trong đó, MTTQ các cấp đã chủ động triển khai nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả.

Tính đến thời điểm này, Hà Nội đã tiếp nhận và xét duyệt hơn 82.500 hồ sơ và ra quyết định chi trả 915 trường hợp; đã chi trả 333 trường hợp với kinh phí 333 triệu đồng. Thời hạn cuối cùng để tiếp nhận hồ sơ theo quy định là ngày 30/7. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng của thành phố đang cố gắng triển khai “cuốn chiếu” để số tiền hỗ trợ đến tay người dân nhanh nhất. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện thực hiện kê khai hồ sơ trực tuyến để tiến độ được triển khai nhanh hơn.

Được biết, quận Long Biên vẫn đang trong quá trình kê khai và hoàn thiện hồ sơ, quận và cơ sở tạo mọi điều kiện trong việc tiếp nhận hồ sơ, thẩm định cũng như thông báo kịp thời kết quả đến từng đối tượng. Hiện tại, đã tiếp nhận 1.307 hồ sơ, đang xét duyệt và niêm yết công khai 535 hồ sơ đủ điều kiện hỗ trợ.

Đến thời điểm này, quận đã hỗ trợ cho 15 người lao động của 3 doanh nghiệp với kinh phí hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Quận cũng phối hợp với cơ quan Bảo hiểm Xã hội ra quyết định tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất cho 24 đơn vị, doanh nghiệp với 1.529 lao động, tổng số tiền xấp xỉ 1,86 tỷ đồng.

Lãnh đạo quận yêu cầu các ngành chức năng của quận phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền đến các đối tượng liên quan; Khẩn trương tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ, giải quyết ngay với các hồ sơ đủ điều kiện, hướng dẫn chi tiết với các hồ sơ không đủ điều kiện, có văn bản trả lời cụ thể. Đồng thời, tổng hợp các khó khăn vướng mắc từ cơ sở, các doanh nghiệp, người lao động để có giải pháp báo cáo đề xuất với cấp trên giải quyết nhằm thực hiện tốt hơn công tác hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 trên địa bàn quận.

Quận Hà Đông cũng là địa bàn vào cuộc quyết liệt ngay từ sớm. Từ đầu tháng 5/2020 đến nay, ông Nguyễn Thế Vinh,Tổ trưởng Tổ dân phố 6, phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) cùng đại diện Ban Công tác Mặt trận, cảnh sát khu vực đến 250/250 hộ dân trên địa bàn để rà soát, xác minh các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, làm căn cứ đề xuất hỗ trợ.

Qua rà soát, tổ dân phố 6 lập danh sách 30 trường hợp, chủ yếu là người không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do) và niêm yết công khai để lấy ý kiến đóng góp.

“Sau quá trình xác minh, sàng lọc, tổ dân phố 6 chỉ có 6 trường hợp được Hội đồng xét duyệt phường Nguyễn Trãi đưa vào danh sách đề nghị hỗ trợ; 3 trường hợp tiếp tục xem xét. Điều này cho thấy, quy trình rà soát được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch”- ông Nguyễn Thế Vinh cho biết.

Đến nay, quận Hà Đông đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng chính sách của hơn 3.000 người lao động tự do; còn tại quận Ba Đình, cơ quan chức năng đã tiếp nhận 28 hồ sơ của hộ kinh doanh cá thể, 1.699 hồ sơ của lao động tự do…

Mặc dầu vậy, việc chi trả còn chưa đạt được tiến độ như mong muốn. Quá trình hoàn thiện hồ sơ cho thấy cần tháo gỡ những vướng mắc về tiêu chí, quy trình để đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ cho lao động tự do.

Ông Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cho biết: “Hệ thống MTTQ phối hợp với các tổ chức rà soát làm sao phải bảo đảm đúng nội dung, đúng đối tượng, từ việc rà soát, lập danh sách, rồi việc chi theo đúng chế độ, đúng quy định của Nghị quyết 42. Cùng với đó, chúng tôi sẽ thành lập tổ giám sát, các đoàn giám sát của MTTQ các cấp. Cuối cùng phối hợp với các ngành này khảo sát về công tác này làm sao đảm bảo đúng tinh thần của Thủ tướng, để tiền hỗ trợ được trao đúng đối tượng, đúng định mức”.

Liên Phương