Khắc phục tình trạng 'quyền anh, quyền tôi'
Chiều 15/6, phát biểu trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đã kiến nghị về 3 vấn đề lớn.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội trường.
Xử nghiêm việc “đội lốt” hàng Việt
Bày tỏ quan điểm đồng tình với 9 nhóm giải pháp cuả Chính phủ và 8 nhóm giải pháp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đưa ra, trong đó có vấn đề phát triển thị trường trong nước, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng: Cần đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hơn 10 năm qua, Cuộc vận động đã mang lại những kết quả tích cực. Người Việt Nam, kể cả người nước ngoài ở Việt nam đã ngày càng quan tâm hơn đến hàng Việt Nam. Tỷ lệ hàng Việt Nam tại các siêu thị trong nước đạt 90-95%.
Bằng nhiều hoạt động và kết nối cung cầu, cuộc vận động đã thúc đẩy đổi mới sáng tạo của các khu vực kinh tế. Tạo việc làm thiết thực, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thực hiện những cam kết với người tiêu dùng. Tăng cường thông tin tới người tiêu dùng, phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ.
“Điều đó cho thấy cuộc vận động ngày càng có chiều sâu, hàng Việt Nam trước hết chinh phục người Việt Nam”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực: Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do vừa được Quốc hội thông qua đã đưa cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam bước sang giai đoạn mới, cách làm mới. Để đẩy mạnh Cuộc vận động, theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực rất cần sự triển khai đồng bộ, nhất là thể chế mở ra các yêu cầu, cơ chế hợp tác về liên kết bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
Bên cạnh đó, cần kết nối hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các đối tác cung cấp dịch vụ, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ngay cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hội nhập. Để tăng cường tuyên truyền về hàng Việt, Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường, liên kết mở rộng đầu tư, đặc biệt xử lý nghiêm hành vi vi phạm như hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mà các doanh nghiệp khác “đội lốt”, lợi dụng uy tín của hàng Việt Nam.
Gỡ vướng mắc trong kiểm tra chuyên ngành
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng yêu cầu tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc trong kiểm tra chuyên ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
“Năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều văn bản triển khai kịp thời. Hàng năm ngay ngày đầu tháng 1, Chính phủ có Nghị quyết 02 về thực hiện các giải pháp, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Hết tháng 1/2020, các bộ ngành đã sửa đổi bổ sung 84/87 văn bản quy phạm pháp luật và quản lý kiểm tra chuyên ngành chiếm 97%; 44/53 danh mục hàng hóa có mã số HS, phù hợp với các danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu; cắt giảm 12.600 mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. Dù đạt được kết quả đáng tích cực nhưng trên thực tế, công tác kiểm tra chuyên ngành còn nhiều bất cập.
Quy định về kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp, chồng chéo, chưa đạt chuẩn, hạn chế về quản lý gây khó khăn cho doanh nghiệp. Phạm vi kiểm tra chuyên ngành còn rộng, nhiều mặt hàng chưa có mã HS, chưa có đầy đủ các tiêu chuẩn quy chuẩn để thực hiện việc kiểm tra dẫn đến tùy tiện”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực chỉ rõ.
Qua rà soát của hải quan đã chỉ ra 25 nhóm mặt hàng, tương ứng với 1.012 dòng hàng theo mã số HS còn chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị, cần chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp quản lý, kiểm tra chuyên ngành, kết nối với Cổng thông tin điện tử theo chỉ đạo của Chính phủ để khắc phục tình trạng “quyền anh, quyền tôi”.