Bao giờ 'lõi nghèo' hết nghèo?
Chiều 12/6, Quốc hội (kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV) thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030.
Học sinh trường dân tộc nội trú.
Nói như ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) thì phần lớn đồng bào DTTS&MN tập trung tại những nơi trọng yếu, vùng xa xôi, hẻo lánh biên giới, hải đảo. Nếu không đảm bảo đời sống no ấm, bền vững cho bà con thì chúng ta không những mất đi phên dậu sống mà còn mất đi những giá trị văn hóa không thể đong đếm.
Thực tế thì bà con vùng DTTS&MN rất cần những gì thiết thực, trước hết là chuyện “an cư lập nghiệp”: Không thể ở mãi gần suối, gần sườn núi vì khi mưa bão ập đến, nước dâng và sạt lở đất xảy ra bất cứ lúc nào. Lúc đó, không chỉ nhà cửa bị cuốn trôi, vùi sập mà mạng sống cũng không thể nói trước.
Ở khía cạnh khác, ĐBQH Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) cho rằng Chính phủ cần quan tâm đến chính sách cho đội ngũ nhân viên y tế tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; có các giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; kiểm soát tỷ lệ sinh và nâng cao chất lượng dân số ở một số DTTS.
Cùng đó, nhiều ĐBQH bày tỏ sự quan tâm tới vấn đề chăm lo cho phụ nữ, trẻ em DTTS&MN. Theo ĐBQH Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) thì cần đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ, trẻ em để họ tự bảo vệ mình và người thân khi cần thiết. Cùng đó, Chính phủ, Quốc hội cần quan tâm đến điều kiện sống, làm việc, nhu cầu thiết yếu của vùng đồng bào DTTS&MN như ăn mặc, nước sạch, vệ sinh môi trường; đồng thời đảm bảo tỷ lệ biết đọc, biết viết của phụ nữ DTTS, đảm bảo tối thiểu 15% lao động nữ người DTTS được đào tạo nghề.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) khẳng định, khi nói đến phát triển kinh tế, xã hội tộc thiểu số - miền núi là đồng thời nhắc đến cơ hội để phát triển, thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số, qua đó tạo điều kiện cải thiện giống nòi của thế hệ dân tộc thiểu số tương lai.
Cho rằng người mẹ là nhân vật trao truyền những giá trị văn hóa cho con cái, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương bày tỏ sự tin tưởng: Khi những người mẹ được giáo dục, chăm lo tốt, có cơ hội để nâng cao vị thế xã hội, họ sẽ kiến tạo nên những thế hệ trẻ tương lai dân tộc thiểu số đầy triển vọng.
Ủng hộ Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn, ĐBQH Vương Ngọc Hà (đoàn Hà Giang) lại chú trọng tới bà con dân tộc Mông. Theo ĐB Hà, đồng bào dân tộc Mông sinh sống tại các vùng núi cao, điều kiện tự nhiên, địa hình khắc nghiệt, ít đất sản xuất, vùng núi đất dễ sạt lở, vùng núi đá khô, nhất là vào mùa khô, những nơi đó là “lõi nghèo” của cả nước. Ngoài ra, dân tộc Mông còn có nguy cơ bị mai một tiếng nói, chữ viết, trang phục và bản sắc văn hóa…
Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, tiếp thu ý kiến các ĐBQH, khi lập báo cáo khả thi, Ủy ban Dân tộc sẽ báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để “đồng bào sẽ có điều kiện để giảm bớt những khó khăn, nhọc nhằn hiện nay. Chắc chắn đồng bào sẽ rất vui mừng, phấn khởi và mãi mãi biết ơn Đảng và Nhà nước” Cùng đó, ông Chiến mong muốn và tin tưởng, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, đồng bào vùng DTTS&MN sẽ tiếp tục thay đổi nếp nghĩ, cách làm; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, không cam chịu đói nghèo, vượt qua chính mình, hòa nhập và phát triển cùng với đất nước.
Thực tế thì rất nhiều năm qua, Đảng, Chính phủ đã có nhiều chính sách phát triển vùng DTTS&MN. Tuy nhiên, khoảng cách giữa miền núi (nhất là vùng đồng bào DTTS) so với đồng bằng, đô thị- khoảng cách vẫn rất rộng. Điều đó nổi rõ ở thu nhập bình quân đầu người, phương thức sản xuất kinh doanh, sức khỏe, học hành…
Đáng tiếc là thực tế đó đã tồn tại suốt mấy chục năm qua. Có người đặt câu hỏi: Phải chăng đó là định mệnh? Không! Không phải như thế! Các dân tộc anh em trên đất nước này bình đẳng, thì những gì ngáng trở xuất phát từ xuất phát điểm thấp cần phải được san bằng. Mỗi khi nghe thông tin ở miền núi sạt lở, người bị chôn vùi, nhà bị cuốn theo dòng nước… lại thấy lòng bất an.
Lần này, với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 lại thêm một hy vọng nơi phên dậu của đất nước sẽ được đầu tư lớn, dài hơi. Để mỗi khi đến với những nơi này chúng ta không phải trong tâm thế của một người du lịch trải nghiệm một vùng đất hoang sơ khác biệt, mà là đến một vùng đất sinh sôi nảy nở. Một vùng phát triển.