Châu Âu dần mở cửa biên giới, gỡ bỏ phong tỏa

Khánh Duy 16/06/2020 06:00

Châu Âu trong hôm 15/6 đã có bước tiến lớn hướng tới bình thường hóa khi nhiều quốc gia trong khu vực này mở cửa biên giới với các nước cùng khu vực sau 3 tháng phong tỏa vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, kỳ nghỉ Hè đến gần, tâm lý lo ngại dịch có thể khiến nhiều người không dám đi du lịch.

Châu Âu dần mở cửa biên giới, gỡ bỏ phong tỏa

Nhiều nước châu Âu bắt đầu mở cửa biên giới với các nước cùng khu vực Nguồn: AP.

Mở cửa trở lại

Những du khách đến từ Mỹ, châu Á, Mỹ Latin và Trung Đông hiện vẫn chưa được phép tới châu Âu, tuy nhiên du khách đến từ các vùng khác sẽ sớm được đón chào tới châu Âu bắt đầu từ tháng tới.

Ủy viên phụ trách các vấn đề nội vụ của Liên minh châu Âu (EU) Ylva Johansson tuần trước nói với các nước thành viên rằng họ “nên mở cửa sớm nhất có thể” và đề xuất rằng ngày 15/6 là một ngày tốt. Và nhiều nước đã làm như vậy khi tiếp nhận du khách đến từ các nước thuộc EU, Anh và các nước thuộc khu vực tự do đi lại theo Hiệp ước Schengen - bao gồm các nước không phải thành viên EU như Thụy Sĩ.

Nhưng dù nhiều khu vực du lịch bắt đầu đón khách, rất nhiều người dân châu Âu có thể quyết định ở nhà trong kỳ nghỉ Hè năm nay do lo ngại dịch. Đây là điều mà các nước ven biển Địa Trung Hải vốn phụ thuộc vào ngành du lịch như Hy Lạp đặc biệt muốn tránh. Thủ tướng nước này, Kyriakos Mitsotakis hồi cuối tuần trước thừa nhận rằng “mọi chuyện còn phụ thuộc vào việc liệu người dân có cảm thấy thoải mái khi du lịch hay không, và liệu chúng ta có thể biến Hy Lạp thành điểm đến an toàn hay không”.

Hy Lạp cũng nhấn mạnh về cách ứng phó dịch hiệu quả của họ, trong đó chỉ ghi nhận 183 ca tử vong do Covid-19. Xét tổng thể, châu Âu ghi nhận 182.000 ca tử vong do Covid-19 tính đến thời điểm này trong khi số ca nhiễm là 2,04 triệu- theo dữ liệu của Đh Johns Hopkins.

Tây Ban Nha - vốn là một trong số những nước châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch - từ cuối tuần qua đã bắt đầu mở cửa tiếp nhận du khách châu Âu, và cho phép hàng nghìn du khách Đức đến quần đảo Balearic để vận hành thử nghiệm tour du lịch bắt đầu từ ngày 15/6.

Đức, giống như Pháp và một số nước khác, cũng bắt đầu gỡ bỏ các điểm chốt kiểm tra ở biên giới trong hôm đàu tuần này và gỡ bỏ các quy định về chứng nhận sức khỏe đối với du khách. Nước này cũng đang nới lỏng dần một lệnh cảnh báo toàn cầu nhằm vào việc đi lại không thiết yếu - chỉ ngoại trừ một số nước như Phần Lan, Na Uy và Tây Ban Nha, những nơi vẫn duy trì lệnh hạn chế di chuyển; và Thụy Điển, nơi ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao.

Chính quyền Áo cũng dự định mở cửa trở lại đối với du khách các nước láng giềng bắt đầu từ ngày 16/6, ngoại trừ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Anh - và duy trì lệnh cảnh báo di chuyển đối với vùng chịu ảnh hưởng nặng nhất của Italy là Lombardy. Trong khi đó, Pháp cũng yêu cầu du khách đến từ Anh tự cách ly trong vòng 2 tuần lễ.

Nhiều nước vẫn cảnh giác

Anh mới đây đã công bố quy định cách ly 14 ngày đối với phần lớn du khách đến nước này, quyết định có thể gây ảnh hưởng tới ngành hàng không và du lịch của nước này, trong lúc kỳ nghỉ Hè tới gần.

Trong khi đó, Đan Mạch chỉ mở cửa tiếp nhận du khách đến từ Đức, Na Uy và Iceland - và chỉ khi những du khách này đảm bảo rằng họ lưu lại ít nhất là 6 đêm. Na Uy cũng duy trì đóng cửa biên giới với Thụy Điển, do lo ngại diễn biến dịch ở nước này.

Trong lúc các chuyến bay dần được nối lại, hoạt động của ngành công nghiệp du lịch vận hành trở lại... nhiều quốc gia đang có kế hoạch phục hồi ngành công nghiệp quan trọng này sau đại dịch. Cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đều công bố những kế hoạch như vậy.

“Khuyến cáo đi lại vẫn được duy trì, nếu các bạn thực sự muốn an toàn, hãy chọn một kỳ nghỉ ở Áo” - Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg nói trên kênh truyền hình ORF - “Tại Áo, các bạn biết rằng các bạn sẽ không phải đi qua biên giới nếu muốn trở về nhà, và bạn biết rằng cơ sở hạ tầng cùng hệ thống y tế ở đây rất tốt”.

Chính phủ Đức trước đây từng phải tổ chức các chuyến bay chuyển 240.000 công dân về nước lúc dịch diễn biến căng thẳng, và họ cũng không muốn phải trải qua điều đó một lần nữa.

“Lời khuyên của tôi cho tất cả những người đi du lịch: Hãy tận hưởng kỳ nghỉ Hè - nhưng tận hưởng với sự cảnh giác và có trách nhiệm” - Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói - “Trong kỳ nghỉ Hè, chúng tôi muốn ngăn chặn sự lây lan của virus corona nhiều nhất có thể”.

Khánh Duy