Thi tốt nghiệp THPT 2020: Cân nhắc nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển
Từ ngày 15/6/2020, thí sinh trên cả nước bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2020. Theo các chuyên gia, việc đăng ký này kết thúc vào ngày 30/6 nên các em cần tìm hiểu kỹ các thông tin để đảm bảo đăng ký dự thi chính xác. Không nên vì vội vàng mà để xảy ra sai sót.
Bao nhiêu nguyện vọng là đủ?
Theo bà Nguyễn Thu Thủy- Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), thời gian đăng ký dự thi THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có đào tạo ngành Giáo dục Mầm non diễn ra từ 15/6 đến 30/6. Thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) trên cùng một phiếu với phiếu đăng ký dự thi và nộp tại điểm tiếp nhận. Thí sinh tự do nộp phiếu tại điểm tiếp nhận theo quy định của Sở GDĐT.
Để không xảy ra những sai sót đáng tiếc, bà Nguyễn Thu Thủy lưu ý thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh trong Đề án tuyển sinh của các nhà trường đã được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của các trường để có thông tin ĐKXT: Mã ngành/nhóm ngành; Tên ngành/Nhóm ngành; Mã tổ hợp ĐKXT và các tiêu chí phụ.
Thí sinh cần thực hiện theo hướng dẫn ghi trên phiếu, tham khảo ý kiến của các thầy cô giáo, hoặc cán bộ thu hồ sơ để khai báo đúng các thông tin trên phiếu. Khi khai báo các thông tin xét tuyển cần lưu ý: Phải ghi đúng mã trường/cơ sở/phân hiệu, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển. Thí sinh đăng ký nguyện vọng không đúng với quy định, nguyện vọng đăng ký sẽ không được nhập vào hệ thống phần mềm để xét tuyển. Thí sinh được ĐKXT không giới hạn số nguyện vọng, số trường. Sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là cao nhất).
Thí sinh ĐKXT vào các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngoài các quy định trong Quy chế tuyển sinh còn phải thực hiện các quy định, hướng dẫn của Bộ liên quan: Đăng ký dự thi theo quy định (phải đăng ký nguyện vọng 1); đăng ký sơ tuyển.
Thí sinh có nguyện vọng học các ngành năng khiếu cần chú ý: Đăng ký dự thi theo quy định; Đăng ký dự thi môn năng khiếu. Cần liên hệ với các trường để thực hiện đăng ký và dự thi môn năng khiếu. Thí sinh ĐKXT vào một số trường có xét tuyển trên cơ sở hộ khẩu cần lưu ý đến các quy định của trường. Để được hưởng ưu tiên đối tượng, thí sinh cần phải có đầy đủ các giấy tờ theo quy định. Thí sinh cần phải ghi đúng dân tộc trên Giấy khai sinh.
Thí sinh cần lưu ý để tránh đăng ký nhầm trường, cơ sở, phân hiệu đào tạo; ngành, tổ hợp xét tuyển. Thí sinh ĐKXT và các ngành, các trường có xét điểm thi chứng chỉ ngoại ngữ, cần ghi điểm trên phiếu ĐKXT và nhập lên hệ thống. Thí sinh ĐKXT được cấp tài khoản và mật khẩu để đăng nhập vào hệ thống, sau khi tiếp nhận, phải thay đổi và bảo quản mật khẩu. Cần chú ý đăng nhập vào hệ thống để kiểm tra thông tin ĐKXT. Đặc biệt, thí sinh cần hết sức lưu ý: Chỉ những thí sinh ĐKXT cùng với đăng ký dự thi mới có thể thay đổi nguyện vọng ĐKXT sau khi biết điểm thi, và chỉ được thay đổi 1 lần duy nhất.
Theo ghi nhận năm 2019, có thí sinh đăng ký tới 20 nguyện vọng song mỗi thí sinh chỉ đỗ 1 nguyện vọng duy nhất nên năm nay, thí sinh không nên lãng phí đăng ký quá nhiều. Có thể cân nhắc số lượng nguyện vọng theo sở thích, học lực, năng lực của các thí sinh và nguyên tắc tuyển sinh với khoảng 5 đến 6 nguyện vọng là phù hợp.
Ngoài xét nguyện vọng, thí sinh cũng có thể sử dụng thêm nhiều phương thức tuyển sinh khác để tăng cơ hội vào ĐH như xét học bạ, thi đánh giá năng lực, tuyển thẳng...
Xác định đúng tổ hợp tăng lợi thế
Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy năm 2018 và năm 2019 các trường sử dụng trên 150 tổ hợp để xét tuyển. Trong đó, có 5 tổ hợp xét tuyển truyền thống (A00, D01, A01, B00, C00) luôn chiếm trên 90% nguyện vọng ĐKXT. Các tổ hợp truyền thống với các môn thi chủ yếu và có tính liên quan đến nhau vẫn là điều kiện tuyển sinh của phần lớn các ngành, các trường. Hơn 140 tổ hợp khác có thí sinh đăng ký nhưng chỉ chiếm gần 10% số nguyện vọng ĐKXT. Nhiều tổ hợp do các trường đưa ra không có, hoặc có rất ít thí sinh ĐKXT. Nếu có ĐKXT bằng các tổ hợp này thì thí sinh cũng để ở các nguyện vọng có mức ưu tiên rất thấp. Năm 2018 và 2019 có trên 85,5% thí sinh trúng tuyển ở 5 tổ hợp truyền thống đã nêu.
Vì vậy, dù năm 2020 chưa có thống kê đầy đủ nên chưa biết chính xác tỷ lệ các tổ hợp truyền thống chiếm bao nhiêu phần trăm trong phương án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Song ghi nhận từ thực tế cho thấy, các tổ hợp ít thông dụng hầu như không được các trường tốt và rất ít thí sinh tốt lựa chọn nên hầu như không phát huy tác dụng (trừ các ngành liên quan đến năng khiếu).
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thu Thủy cho rằng việc các trường đưa ra nhiều tổ hợp để xét tuyển với mong muốn làm tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, tuy nhiên thực tế lại làm phức tạp cho công tác tổ chức xét tuyển, làm nhiễu thông tin trong việc thí sinh lựa chọn tổ hợp đăng ký xét tuyển.
Trong khi đó, Quy chế tuyển sinh hiện hành đã quy định: “Thí sinh xác nhận nhập học vào trường đã trúng tuyển trong thời hạn quy định bằng cách gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi đến trường trực tiếp hoặc bằng hình thức thư chuyển phát nhanh, thí sinh đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển ở các trường khác”. Vì vậy, thí sinh cần cân nhắc và quyết định lựa chọn ngành trúng tuyển yêu thích để nộp Giấy chứng nhận kết quả thi và nhập học.