Xuất khẩu thủy sản vào EU: Lo 'thẻ vàng' thành 'thẻ đỏ'
Gần đây, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản lại tái diễn. Thực trạng này đã tác động xấu đến nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Chính phủ. Suốt thời gian qua các bộ, ban, ngành liên quan làm gì để ngăn chặn các phương tiện khai thác trái phép trên vùng biển nước bạn, để “thẻ vàng” không biến thành “thẻ đỏ”.
Cảnh sát biển tuyên truyền pháp luật cho ngư dân về hoạt động khai thác hải sản. Ảnh: Lam Giang.
Kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) ra quyết định áp dụng “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam (23/10/2017), Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản và triển khai nhiều nội dung liên quan để các bộ, ban, ngành thực hiện, nhằm khắc phục cảnh báo của EC về các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Thiếu tá Bùi Thị Thanh Huyền-Trợ lý Phòng PCTP vi phạm, Cục Nghiệp vụ và Pháp luật thông tin (Cảnh sát biển Việt Nam) cho biết: Qua theo dõi nắm được từ năm 2017 đến nay, trên cả nước đã có hơn 1.000 tàu cá bị lực lượng chức năng các nước bắt giữ. Nếu như những năm trước, tàu cá và ngư dân ta vi phạm khai thác hải sản trái phép chủ yếu tập trung ở các vùng biển như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines với số lượng lớn, thì từ đầu năm 2020 đến nay số lượng tàu cá vi phạm ở các vùng biển này đã giảm mạnh.
Qua công tác theo dõi và thống kê cho thấy tàu cá vi phạm những tháng đầu năm nay chủ yếu là ghe, xuồng, tàu cá loại nhỏ, không có số hiệu của ngư dân Kiên Giang thường đánh bắt đi về trong ngày tại vùng biển giáp ranh với Campuchia. “Thời gian qua, công tác quản lý đã được siết chặt, các hoạt động của tàu cá trên biển đã được theo dõi, giám sát chặt chẽ, ý thức chấp hành pháp luật của phần lớn ngư dân trong quá trình khai thác hải sản cũng đã được nâng lên. Do vậy, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển các nước cũng đã giảm đáng kể về số vụ việc và số tàu vi phạm. Tuy nhiên, cũng vẫn còn một số ít tàu cá cố tình vi phạm vùng biển các nước để khai thác hải sản trái phép bị lực lượng chức năng của các nước bắt giữ, xử lý...”-Thiếu tá Bùi Thị Thanh Huyền cho hay.
Về vấn đề trên, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, việc EC cảnh báo “thẻ vàng” đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngành khai thác thuỷ sản nước ta trong thời gian qua. Cụ thể: Xuất khẩu hải sản sang thị trường châu Âu năm 2018 (sau cảnh báo “thẻ vàng”) là 389,6 triệu USD giảm 6% so với năm 2017 (414,9 triệu USD), 9 tháng đầu năm 2019 là 281,3 triệu USD, giảm 2% so với 9 tháng đầu năm 2018; chi phí của doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản cũng tăng lên do EC kiểm tra 100% lô hàng xuất khẩu hải sản khai thác sang EU dẫn đến hiệu quả hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó việc bị EC áp “thẻ vàng” ảnh hưởng xấu đến uy tín, thương hiệu của ngành khai thác hải sản nước ta.
Bộ trưởng Cường cũng cho hay, mặc dù đánh giá của Đoàn thanh tra của EC về IUU đối với các kết quả phòng chống khai thác IUU Việt Nam đạt được trong thời gian qua là rất tích cực, song phía EC cũng nhấn mạnh rõ việc kiểm soát, giảm thiểu, xoá bỏ tàu cá Việt Nam vi phạm tại vùng biển nước ngoài là một điều kiện tiên quyết để gỡ bỏ “thẻ vàng”. Song, đến nay Việt Nam chưa khắc phục được triệt để nạn khai thác hải sản trái phép nên vẫn chưa gỡ được “thẻ vàng” từ EC.
Nhằm tích cực góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của EC và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành khai thác hải sản Việt Nam, theo Thiếu tá Bùi Thị Thanh Huyền, lực lượng Cảnh sát biển sẽ duy trì và tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát các khu vực, vùng biển chồng lấn, giáp ranh giữa Việt Nam với Indonesia, Thái Lan, Malaysia, vừa để khẳng định chủ quyền, đồng thời tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu ra vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép, giải quyết kịp thời các tranh chấp và bảo vệ ngư dân hành nghề trên biển.
“Đặc biệt là kiên quyết xử lý nghiêm đối với các tàu cá, thuyền trưởng cố tình vi phạm và có hành vi đưa tàu cá ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, tạo sức răn đe và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân trong quá trình khai thác hải sản”- Thiếu tá Bùi Thị Thanh Huyền nhấn mạnh.
Hướng tới phát triển nghề cá bền vững, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, thời gian qua Việt Nam đã có nhiều nỗ lực khắc phục “thẻ vàng“ về IUU. Điển hình trong công tác tuyên truyền về IUU để tuân thủ khuyến nghị của EC trên các phương tiện thông tin truyền thông và trong đào tạo nghề cá. Thêm vào đó, hệ thống luật pháp, quy định quản lý có sự thay đổi lớn thể hiện ở Luật Thủy sản hướng đến nghề cá bền vững, khắc phục IUU. Hơn nữa, tại các địa phương cũng ghi nhận nỗ lực của các bộ, ngành quản lý, giảm thiểu tàu cá vi phạm tại các vùng biển nước ngoài, nỗ lực trong chứng nhận nguồn gốc khai thác thủy sản.
Ông Phạm Anh Tuấn cũng khẳng định: Việc gỡ “thẻ vàng“ IUU đối với Việt Nam là rất quan trọng. Bởi EU cảnh báo “thẻ vàng“ nghĩa là chúng ta chưa thực hiện tốt, vi phạm một số quy định về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, đánh bắt không khai báo, không truy xuất được nguồn gốc rõ ràng và không tuân theo các quy định cụ thể. Vì thế, “thẻ vàng” như một dấu hiệu cảnh báo nếu chúng ta không thay đổi thì sẽ dẫn đến “thẻ đỏ”.