EU - thị trường không dễ nắm bắt
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được hai bên phê chuẩn mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam khi gần như 100% biểu thuế đối với xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ. Dù vậy, bài toán đặt ra đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta lâu nay chính là vấn đề về nguồn nguyên liệu.
Rào cản không dễ vượt
Với 500 triệu dân, EU được coi là thị trường màu mỡ, mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam. Chính bởi vậy, Hiệp định EVFTA được coi là cú hích quan trọng cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Giới chuyên gia nhận định, dệt may, da giày là những ngành hưởng lợi từ Hiệp định thương mại này. Cụ thể, trong vòng 5 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu, 22,7% kim ngạch còn lại cũng sẽ được EU xóa bỏ thuế quan sau 7 năm. Đối với các sản phẩm giày dép, EU cam kết giảm thuế xuống 0% đối với 42,1% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Sau 3 năm và 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tỷ lệ này sẽ lần lượt tăng lên tương ứng 73,2% và 100%. Rõ ràng, EVFTA mở ra những cơ hội lớn cho hàng hóa xuất khẩu của nước nhà.
Nếu như trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, dệt may lâm vào tình trạng khó khăn khi hầu như không có hợp đồng mới, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5/2020 sụt giảm tới 36% so với cùng kỳ thì thời gian tới đây, EVFTA được thực thi sẽ tạo động lực để dệt may nước nhà bứt phá. Song, một điểm nghẽn lâu nay của ngành dệt may chính là bài toán về nguồn nguyên liệu. Yếu tố này ảnh hưởng rất lớn đến quy định về quy tắc xuất xứ của sản phẩm xuất khẩu trong EVFTA. Điều này được cả Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - ông Trương Văn Cẩm cũng như Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May 10 Thân Đức Việt nhận định khi cả hai đều cho rằng, nút thắt lớn nhất cùa DN dệt may Việt Nam khi vào EVFTA là vấn đề quy tắc xuất xứ nguyên liệu đầu vào.
“Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu là rất lớn, song để hưởng ưu đãi thuế thì dệt may chưa dễ đáp ứng do nguồn vải nhập khẩu chủ yếu từ các nước Trung Quốc, Ấn Độ… Trong khi Hiệp định EVFTA chỉ chấp nhận cho hưởng ưu đãi khi dùng vải sản xuất trong nước nhập khẩu từ các thị trường đã có FTA với EU như Hàn Quốc, Nhật Bản”- Phó Chủ tịch Vitas nhận định.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, mặc dù xuất khẩu dệt may nằm trong top có kim ngạch xuất khẩu lớn, xấp xỉ 40 tỷ USD mỗi năm (năm 2019 kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 39 tỷ USD), thế nhưng, chúng ta vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu vải nhập khẩu. Số liệu thống kê cho biết, năm 2019, nhập khẩu vải lên đến 13,5 tỷ USD, và phần lớn phải nhập từ thị trường Trung Quốc. Trong khi, Trung Quốc lại không tham gia FTA với EU.
Tương tự, đối với các sản phẩm da giày cũng “đồng cảnh” khi mà phần lớn nguyên phụ liệu nhập khẩu cho ngành này cũng đến từ thị trường Trung Quốc. Thực tế này đang “ngáng chân” các DN ngành may mặc và da giày khi bước chân vào EVFTA.
Chưa thể hưởng lợi ngay
Giới chuyên gia nhận định, kim ngạch xuất khẩu các ngành mũi nhọn như dệt may, da giày… hàng năm rất lớn, song giá trị xuất khẩu không cao bởi tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa đóng góp vào kim ngạch này rất khiêm tốn. Chính điều này đã dẫn đến câu chuyện đáng buồn, khi thế giới có biến cố như dịch Covid-19 vừa qua, sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng đã khiến cho các DN gần như ngưng trệ sản xuất, phải hủy hàng loạt các hợp đồng xuất khẩu, thiệt hại là không hề nhỏ. Bởi vậy, xu hướng tới đây cần phải đẩy mạnh sản xuất nội địa để không phải phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu, tránh những nguy cơ khi thị trường thế giới gặp những rủi ro, sự cố bất thường tương tự như Covid-19.
Như vậy, có thể thấy, trước mắt ngành dệt may, da giày vẫn chưa thể hưởng lợi ngay từ EVFTA. Đặc biệt, năm 2020 này còn được cho là sẽ có nhiều khó khăn hơn năm 2019 vì ngoài nguyên nhân về giá nhân công tăng cao, chi phí logistics cũng “nặng gánh”..., thị trường toàn cầu vẫn còn đang phải chống chọi với dịch Covid-19, làm gián đoạn quá trình sản xuất, cung-cầu, kéo theo nhiều hệ luỵ xấu như giảm khả năng tiêu dùng, phân phối trên toàn thế giới.
“Bởi vậy, trong thời gian tới, các DN ngành may mặc, da giầy cần nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa, hạn chế việc phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu để không bị bỏ lỡ một sân chơi lớn và giàu tiềm năng như EVFTA”- chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.