Cử tri với Quốc hội: Tiền lương khu vực nhà nước không chỉ là con số

Tú Anh 17/06/2020 13:58

Người lao động không chỉ chú ý đến những con số trong mức lương cơ sở mà còn quan tâm nhiều hơn đến sự công bằng trong cách thức trả lương.

Về mặt lý thuyết, tiền lương và tiền công là phần thù lao cố định (thù lao cơ bản) mà người lao động nhận được một cách thường kỳ. Nghị quyết 27-NQ/TƯ ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đã đề ra các quan điểm, mục tiêu và các nội dung cụ thể, trong đó yêu cầu “Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương”.

Tuy nhiên, trong bất cứ mối quan hệ lao động nào, tiền lương cũng là vấn đề nhạy cảm ít khi nhận được sự đồng thuận của cả người sử dụng lao động lẫn người lao động. Việc tính toán tiền lương luôn là bài toán phức hợp với vô vàn cách giải mà đôi khi không có đáp án toàn vẹn.

Ở khu vực nhà nước, phương án tăng quỹ lương không phải chỉ tính đến những yếu tố tích cực như cải thiện đời sống, tăng năng suất lao động... mà quan trọng hơn là phải cân đối được ngân sách để đầu tư cho các lĩnh vực phát triển... Nếu thiếu nguồn lực cho phát triển thì lạm phát sẽ tăng, giá cả sinh hoạt tăng theo, đồng tiền xuống giá. Có thể phần lương tăng không theo kịp với phần tăng giá. Vậy là “tăng chẳng bù mất”.

Như vậy, có thể thấy, việc tăng lương nhất là tại khu vực nhà nước luôn là vấn đề nhạy cảm, không đơn giản chỉ gói gọn trong số tiền.

Tại Kết luận về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước, Bộ Chính trị nhận định, dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội còn tiếp tục kéo dài, chưa thể đánh giá hết. “Tình hình đó, đòi hỏi chúng ta vừa phải tập trung ưu tiên phòng, chống dịch, đồng thời cần có các chính sách, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ để sớm phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội”.

Do vậy, Bộ Chính trị quyết định: Trước mắt chưa triển khai điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020. Chưa điều chỉnh mức lương cơ sở là một trong những biện pháp nhằm giảm áp lực cho ngân sách nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, cũng tại Kết luận này, Bộ Chính trị nhắc đi nhắc lại 4 lần về vấn đề “bảo đảm an sinh xã hội” cũng như “thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội”.

Việc điều chỉnh lương cơ sở ở khu vực nhà nước chưa thể tiến hành trong năm nay. Nhưng các cơ quan nhà nước vẫn phải tiếp tục thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách nhằm tạo nguồn cho cải cách chính sách tiền lương như: Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước và đầu tư xây dựng cơ bản; quyết liệt thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm hàng năm… Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần tiến hành quyết liệt việc tinh giản biên chế, xây dựng đề án việc làm tiến tới khoán quỹ lương.

Cuối cùng thì tăng lương không phải là đòi hỏi duy nhất của người lao động trong khu vực nhà nước. Công bằng trong trả lương, trả lương đúng theo năng lực và kết quả làm việc chứ không cào bằng theo kiểu “sống lâu lên lão làng”, ngạch bậc vô cảm, hình thức là điều mà nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hết sức quan tâm. Muốn vậy, cần xây dựng, ban hành những chính sách đồng bộ, thực tế về lao động, tiền lương, để người lao động trong khu vực nhà nước yên tâm với “nguồn thu nhập chính” này.

Tú Anh