Giảm thuế, giúp doanh nghiệp tăng khả năng chống chịu
Đề xuất của Chính phủ là giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người.
1. Mới đây, Chính phủ đã gửi Quốc hội tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Theo dự kiến điểu chỉnh chương trình đợt hai của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, sáng 11/6 Quốc hội sẽ nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về nội dung trên, sau đó sẽ tiến hành thảo luận tại tổ trước khi thảo luận tại hội trường vào sáng 16/6.
Nghị quyết này áp dụng đối với người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (gọi chung là doanh nghiệp), bao gồm bốn đối tượng. Một là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam. Hai là, tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã. Ba là, đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam. Bốn là, tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập (trừ doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài).
Đề xuất của Chính phủ là giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người. Doanh nghiệp căn cứ quy định này để tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.
Theo Chính phủ, việc đề xuất giảm thuế đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ “có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người” nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải. Thực tế là tính cả số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa thì doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam và nếu việc áp dụng chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp có quy mô vừa thì gần như toàn bộ doanh nghiệp tại Việt Nam đều được hưởng giảm thuế và không mang nhiều ý nghĩa nhằm ưu tiên phát triển, đồng thời có thể dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng giữa doanh nghiệp có quy mô vừa với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ trong khi doanh nghiệp có quy mô vừa đã sẵn có nhiều lợi thế hơn (vốn, doanh thu, thị trường, lao động, công nghệ...).
Đề xuất áp dụng chính sách giảm thuế đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ nêu trên cũng dựa trên tính toán về khả năng, điều kiện ngân sách nhà nước (NSNN) trong bối cảnh hiện nay. Theo ước tính, việc đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ làm giảm thu NSNN khoảng 15.840 tỷ đồng và nếu tiếp tục mở rộng giảm thuế cho cả doanh nghiệp có quy mô vừa có thể làm giảm thu NSNN khoảng 22.440 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ, theo Chính phủ là sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, là tiền đề giúp các doanh nghiệp có quy mô nhỏ phát triển, chuyển đổi thành doanh nghiệp có quy mô lớn hơn để đóng góp lại cho NSNN trong thời gian tiếp theo.
2. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, cần khai thác tối đa thị trường trong nước, đồng thời phải phòng ngừa, ứng phó với các bất ổn từ bên ngoài, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế. Vì thế, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, phù hợp với xu thế mới, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế với những cơ chế, chính sách thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư quốc tế và trong nước; hỗ trợ cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng tiếp cận các hình thức sản xuất kinh doanh mới, hiện đại, hiệu quả, phù hợp để đủ sức tham gia ngay các chuỗi giá trị mới, mở rộng quan hệ đối tác gắn với mở rộng thị trường khi cấu trúc kinh tế thế giới có sự thay đổi, điều chỉnh là điều mà Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm.
Trong cuộc họp Chính phủ hồi đầu tháng, báo cáo cho biết, Chính phủ cũng đã tiếp tục ban hành nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, trong đó có Nghị quyết 84 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. “Một điều rất khái quát đó là các chỉ tiêu của tháng 5 tốt hơn tháng 4. Tháng 5 cũng là tháng mà hình ảnh của Việt Nam trên quốc tế tăng lên. Chúng ta đã chỉ đạo với tinh thần kiên quyết không lùi bước trước thách thức, đổi mới sáng tạo trong điều hành, khắc phục đứt gãy của các chuỗi cung ứng, chủ động thu hút đầu tư phát triển kể cả trong nước và quốc tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Trong bối cảnh mà dịch Covid-19 trên thế giới không biết đến bao giờ mới kết thúc thì việc xác định rõ các cơ hội và thách thức để đưa ra các giải pháp tận dụng, chuyển hoá cơ hội và thách thức thành các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy nhanh hơn quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế. Khắc phục, tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng các chính sách đặc biệt, tận dụng cơ hội, nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh, khả năng chống chịu và tính tự chủ của nền kinh tế.
Kết luận của Bộ Chính trị do Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ký ban hành mới đây đã đề ra một loạt nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong đó bao gồm hệ giải pháp về cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Kết luận của Bộ Chính trị cũng yêu cầu tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phát động phong trào tiết kiệm trong toàn hệ thống chính trị và xã hội để dồn nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế…
3. Để thực hiện hiệu quả các giải pháp, chắc chắn cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống cũng như mỗi người dân nhưng không thể không nhắc đến việc đẩy mạnh minh bạch hóa các gói hỗ trợ khác nhau để dân biết, từ đó tạo điều kiện cho MTTQ và các tổ chức thành viên cũng như nhân dân tăng cường kiểm tra, giám sát. Cùng với đó cần chuyển đổi phù hợp cơ chế kiểm tra, giám sát từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với minh bạch hoá các chế tài xử lý có đủ mức độ răn đe; giảm số lượng, tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm. Có như thế mới nâng cao được tính hiệu quả, đúng địa chỉ của các gói hỗ trợ nhằm thúc đẩy kinh tế. Những điều này, chắc chắn sẽ được các ĐBQH mổ xẻ thấu đáo nhằm đưa ra những “lời giải” hay, đóng góp cho Chính phủ trong quá trình khôi phục kinh tế.