Mai Nam như tôi biết

Duy Ngọc 18/06/2020 18:00

Mai Nam là nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chiến tranh chống Mỹ. Ông cùng thế hệ cầm máy như Đức Như, Văn Lượng, Văn Khiêm, Minh Trường, Đinh Đăng Định… đã tham gia cùng các chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc, ghi lại bằng hình ảnh cuộc sống, lao động, chiến đấu của quân và dân ta trong suốt những năm khói lửa của cuộc chiến tranh khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc.

Nhà báo - NSNA Mai Nam.

NSNA Mai Nam đã ghi được hàng ngàn bức ảnh có giá trị lịch sử. Từ trận địa pháo bảo vệ bầu trời miền Bắc, với những nòng súng hướng thẳng lên trời sẵn sàng nhả đạn tiêu diệt “Thân sấm, con ma" hay hình ảnh các anh chị nữ dân quân tự vệ vừa rời xưởng máy, vai khoác súng đến chốt gác làm nhiệm vụ.

Ống kính nhà báo - NSNA Mai Nam không bỏ qua những hình ảnh “tất cả vì tiền tuyến gọi, vì miền Nam ruột thịt”. Từng đoàn trai trẻ với bộ áo lính vai đeo ba lô, súng trên vai trên đường hành quân tiến ra mặt trận, mới đây thôi họ còn là những sinh viên ngồi trên ghế nhà trường, những công nhân đứng trong xưởng máy hay các trai làng tay cuốc, tay cày ngoài đồng ruộng...

Cảnh giác.

Trong số các tác phẩm ảnh báo chí đã làm nên tên tuổi Mai Nam có thể nhắc đến như: “Cảnh giác”, “Đi trực chiến”, “Chạy đâu cho thoát”... Trong suốt chặng đường cầm máy ông coi máy ảnh như một vũ khí luôn bên mình. Vì những thành tích trong mặt trận thông tin truyên truyền bằng hình ảnh có giá trị cao, ông đã được trao Huy hiệu Hồ Chủ tịch ở Việt Bắc năm 1953, được thưởng Huân chương Lao động hạng nhất về lao động sáng tạo nghệ thuật nhiếp ảnh, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhì, Huy chương Vì thế hệ trẻ Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuât…

NSNA Mai Nam là một trong những phóng viên ảnh đầu tiên của báo Tiền phong, cùng Nguyễn Thành Dương (Tổng biên tập), Tôn Đức Lượng (hoạ sĩ), nhà báo Lê Quân, Vũ Quang, Đỗ Cao Đang... Thời kỳ đầu, trong tòa soạn ông làm nhiều công việc từ viết tin, chạy giấy tờ, sửa morát... cho đến khi hòa bình lập lại 1954 chuyển về Thủ đô Hà Nội ông mới là phóng viên chính thức. Gần 60 năm cầm máy, NSNA Mai Nam đã ghi dấu ấn tên tuổi mình trong nhiều tác phẩm báo chí mang tính nghệ thuật, được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi nhiếp ảnh toàn quốc và Hà Nội, ngoài ra ông còn là thành viên ban giám khảo, thành viên ban tổ chức trong các cuộc thi ảnh...

Đi trực chiến.

Nhiều người còn nhớ rất rõ lần thi Hoa hậu báo Tiền phong năm 1988 đầu tiên được tổ chức ở Hà Nội, khi đó ông làm Trưởng Ban giám khảo, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi.

Về cuộc thi này, NSNA Mai Nam từng tâm sự với tôi: Nhân kỉ niệm 35 năm ngày thành lập báo Tiền phong (1953-1988), ngày 16/11/1988, tòa soạn tổ chức buổi liên hoan văn nghệ giao lưu gặp mặt các cán bộ, phóng viên ở Câu lạc bộ Lao động Hà Nội. Ban đầu báo Tiền phong chỉ có ý định tổ chức cuộc vui văn nghệ giao lưu cùng thanh niên trong toà soạn và có mời một nhóm đang sinh hoạt Câu lạc bộ Lao động cùng tham gia, ngoài ra, còn dán thông báo ở trước cửa toà báo Tiền phong với nội dung: mời các nữ thanh niên đăng ký tham dự chương trình vui chơi biểu diễn các trang phục truyền thống. Không ngờ chỉ vài ngày sau số người đến đăng ký ghi tên quá đông, ngoài sức tưởng tượng của ban tổ chức, hội trường Câu lạc bộ Lao động chật cứng người.

Lúc bấy giờ chúng tôi chưa hề có ý niệm tổ chức thi hoa hậu, mà chỉ đưa ra một số tiêu chí biểu diễn phong cách trang phục trên sân khấu như áo dài truyền thống, áo tắm... Kể cả quy định độ tuổi trong cuộc thi, chiều cao, vòng ngực, vòng eo cũng không có. Người trúng giải cuộc thi bấy giờ là hoa hậu Bùi Bích Phương lúc đó mới có 16 tuổi, cao 1m58 (Quy định hiện nay trong các lần thi hoa hậu độ tuổi là 18). Đến dự cuộc giao lưu, biểu diễn, thi trang phục tại Câu lạc bộ Lao động lần đó có rất đông các phóng viên báo đài, đài truyền hình trung ương, địa phương, các nghệ sĩ nhiếp ảnh, quay phim...

Sau được quảng bá, giới thiệu trên nhiều kênh thông tin đại chúng trong cả nước về cuộc thi Hoa hậu báo Tiền phong được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam đã thành công tốt đẹp. Cũng từ kết quả cuộc thi hoa hậu này là tiếng vang có ý nghĩa văn hoá, sinh hoạt lành mạnh trong lớp trẻ, tôn vinh những nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam, tôn vinh những phong cách thẩm mỹ, trang phục truyền thống hài hoà tiếp cận trang phục hiện đại của thế hệ thanh niên ngày này. Kể từ đó cuộc thi hoa hậu báo Tiền phong trở thành cuộc thi truyền thống Quốc gia 2 năm được tổ chức một lần.

Nhà báo - NSNA Mai Nam tên thật là Nguyễn Hữu Thống, sinh năm 1931 tại làng Đại Tráng, xã Đại Phúc, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, nay là phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh. Ông sinh trưởng trong một gia đình nho giáo thuộc vùng quê Kinh Bắc, một trong những cái nôi văn hoá dân ca quan họ. Mai Nam là con thứ năm trong gia đình có sáu anh em trai. Năm 1945 Nguyễn Hữu Thống 14 tuổi vào học trường Hàn Thuyên - Bắc Ninh. Năm 1946 toàn quốc kháng chiến, Hữu Thống hăng hái tham gia đội thiếu nhi nghệ thuật, đi biểu diễn phục vụ cho đồng bào, bộ đội, dân quân tự vệ trong các huyện và tỉnh.

Không cho chúng nó thoát.

Năm 1949, quân Pháp đánh chiếm Bắc Ninh, Hữu Thống cùng số bạn thiếu nhi trong Đội thiếu nhi nghệ thuật thoát ly gia đình lên chiến khu Việt Bắc và làm việc tại Ban Tuyên huấn Trung ương, đoàn thanh niên cứu quốc. Thời gian này ông chuyên viết li-tô (viết ngược lên mặt đá nhẫn để in báo). Công tác tại toà báo Tiền phong, ông tranh thủ học nghề ảnh do nghệ sĩ nhiếp ảnh Tô Uý dạy.

Mai Nam đến với nhiếp ảnh bằng sự đam mê, cần cù, khiêm tốn học hỏi. Và khi tờ báo Tiền phong ra đời, Mai Nam là phóng viên nhiếp ảnh sớm nhất (năm 1953). Trong những năm ở ATK Việt Bắc, Mai Nam còn tham gia tổ chức các đoàn văn nghệ của thanh thiếu niên địa phương công tác dân vận nơi đóng cơ quan Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Mai Nam chơi nhạc cụ accordeon và ghita thành thạo, thường đệm đàn cho các tốp ca, đồng ca, hát múa biểu diễn trong những đêm liên hoan văn nghệ.

Ngoài ra ông còn có năng khiếu hội hoạ, với tính ham học hỏi, Mai Nam luôn gần gũi các văn nghệ sĩ nổi tiếng như các nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Văn Cao; nhà thơ Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi; họa sĩ Bùi Xuân Phái... để được chỉ bảo rồi tự học. Đã có lần ông nói: Lẽ ra tôi phải đi theo con đường âm nhạc hay hội hoạ, và không hiểu sao tôi lại mê môn nhiếp ảnh và gắn bó với nó suốt chặng đuờng 60 năm.

Gần trọn cuộc đời, NSNA Mai Nam đã cống hiến cho sự nghiệp báo chí Việt Nam, giờ đây ông đã đi xa nhưng tên tuổi một nhà báo lão thành, một NSNA tài ba vẫn còn được nhiều thế hệ cầm máy ảnh nhắc nhớ…

Duy Ngọc