Ai bảo vệ người Việt Nam lao động ở nước ngoài?
Chiều 17/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Vấn đề bảo vệ người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài đã được nhiều ĐBQH quan tâm trước thực tế vừa qua đã xảy ra nhiều vụ người lao động Việt Nam bị lạm dụng, bạo lực.
Chất lượng hơn số lượng
Theo ĐBQH Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài ngày càng nhiều. Tính bình quân mỗi năm có 1.000 người đi lao động ở nước ngoài. Tính đến hết năm 2019, nước ta có 132 ngàn người đi lao động ở nước ngoài, chưa kể còn nhiều lao động không qua kênh chính thức, hay còn gọi là đi lao động “chui”.
Tuy nhiên theo ông Tám, hiện người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, bị lạm dụng, bạo lực. “Như vụ 39 người đi lao động trái phép bị tử vong ở Anh đã nhận được sự xót thương của nhân dân”- ông Tám nói.
Đưa ra dẫn chứng qua khảo sát cho thấy “76% người lao động đối mặt với quyền lao động ít được tiếp cận các giải pháp pháp lý”, ông Tám cho rằng: Dẫu vấn đề đảm bảo danh dự nhân phẩm của người lao động ở nước ngoài, nghĩa vụ của doanh nghiệp liên quan, trách nhiệm của cơ quan ngoại giao, lãnh sự ở nước ngoài đã được quy định trong luật nhưng cơ chế bảo vệ thế nào lại chưa được rõ nét. Do đó cần làm rõ để bảo vệ tốt hơn người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài.
Theo ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang), người lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài cần tăng cường về chất lượng hơn số lượng. Tại các nước thiếu lao động thường có xu hướng giữ chân người lao động lại, vậy kế sách của chúng ta là gì? Bởi nếu không quy định chặt chẽ sẽ dẫn đến bị chảy máu “chất xám”.
Ông Sơn cho rằng, việc đưa người đi lao động ở nước ngoài là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cho nên doanh nghiệp đưa người đi lao động ở nước ngoài cần có tiềm lực kinh tế nhất định. Do đó cần tăng tiền ký quỹ là điều cần thiết trong việc xin giấy phép hoạt động đối với các doanh nghiệp này. Từ đó ông Sơn đề nghị, vốn điều lệ của các doanh nghiệp này phải 10 tỷ đồng, và tiền ký quỹ phải 3 tỷ đồng. Đặc biệt, phải theo dõi quản lý người Việt Nam lao động ở nước ngoài để tránh việc bỏ trốn tại nước sở tại, tạo thành hình ảnh xấu. Tại một số nước họ đã không nhận người Việt Nam tại một số địa phương đến lao động tại nước họ.
Chỉ ra thực tế nhiều trường hợp người lao động làm việc ở nước ngoài bị xâm hại- ĐBQH Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng đây là những vụ việc không vui với người lao động Việt Nam.
“Trong số các vụ việc đau lòng xảy ra với người Việt Nam lao động ở nước ngoài thì không biết có bao nhiêu trường hợp được điều chỉnh ở Luật này? bao nhiêu trường hợp không được điều chỉnh ở Luật này? Nếu không điều chỉnh ở luật này thì điều chỉnh ở luật nào?”- ông Tuấn nêu câu hỏi và cho rằng qua tìm hiểu chưa thấy có luật nào điều chỉnh đối với trường hợp này. Do đó, cần đưa đối tượng này vào trong Luật để điều chỉnh.
Còn ĐB Nghiêm Vũ Khải (đoàn Hải Phòng) kiến nghị, người Việt Nam lao động ở nước ngoài được quyền từ chối thực hiện lao động với những ngành nghề trái quy định của pháp luật, trái với văn hóa, thuần phong mỹ tục. Đặc biệt cần bổ sung trách nhiệm của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, kể cả biện pháp tư pháp cho người Việt Nam lao động ở nước ngoài.
Băn khoăn cấp xã được ký kết thỏa thuận quốc tế
Cùng ngày Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế. Nhất trí với tờ trình của Chính phủ và từ thực tiễn ký kết thỏa thuận quốc tế trong 10 năm qua, ĐBQH Trần Văn Mão (đoàn Nghệ An) đề nghị cần xem xét quy định rõ việc cá nhân Việt Nam có được ký kết điều ước quốc tế hay không, nhất là thẩm quyền, trình tự về việc chính quyền cấp xã được ký kết thảo thuận quốc tế. Bởi theo ông Mão, không chỉ có ký kết mà còn là quá trình thực thi ký kết thỏa thuận. Do đó nên cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này vì cấp xã chưa đảm bảo vấn đề nguồn lực, khó đáp ứng yêu cầu quốc tế khi ký kết.
Cùng chung quan điểm, theo ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ), cần tập trung vào thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, tức là chủ thể ký kết thỏa thuận, và phải xin ý kiến cấp cao hơn trước khi ký thỏa thuận để đảm bảo tính chính xác. Ông Xuân cũng băn khoăn về việc quy định UBND cấp huyện, xã, nhất là UBND cấp xã cũng là chủ thể ký thỏa thuận. Bởi, theo ông Xuân “không biết năng lực và am hiểu trong thỏa thuận quốc tế ở cấp này như thế nào”.
Trong buổi chiều 17/6, với 92,34% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi). Theo đó, Luật quy định cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Được biết, trước khi tiến hành biểu quyết thông qua toàn bộ luật thì quy định này cũng đã nhận được sự nhất trí từ các ĐBQH với 90,27% ĐBQH tán thành.
Cần có tiêu chuẩn đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài
Căn cứ Bản ghi nhớ về Chương trình EPS với Hàn Quốc và mục tiêu, lộ trình giảm lao động cư trú bất hợp pháp giai đoạn 2018-2020, sau khi thống nhất với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, Bộ LĐTBXH đã ra thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2020 đối với 10 quận, huyện có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 28% trở lên và có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 53 người trở lên. 10 quận, huyện tạm dừng tuyển lao động sang Hàn Quốc gồm Nghệ An: Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, Nam Đàn; Thanh Hóa: Đông Sơn, Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa; Hà Tĩnh: Nghi Xuân, Kỳ Anh; Tiền Hải (tỉnh Thái Bình); Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình).
Lý giải con số 10 quận, huyện trong cả nước tạm dừng XKLĐ sang Hàn Quốc ông Nguyễn Gia Liêm- Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH cho biết,hiện nay tại thị trường lao động Hàn Quốc tỉ lệ lao động không về nước khi hết hạn hợp đồng xuống còn dưới 20% (năm 2018 là 34%), lao động cư trú hợp pháp từ 14.000 người xuống còn 12.000 người. Do đó, số lượng quận/huyện tạm dừng tuyển chọn đã giảm từ 40 quận/huyện năm 2019 còn 10 quận/huyện năm 2020.
Thực tế cho thấy cùng với việc ký quỹ, áp dụng biện pháp tạm dừng XKLĐ ở những địa phương có tỷ lệ lao động bỏ trốn bất hợp pháp cao đã góp phần kéo giảm tỷ lệ bỏ trốn đáng kể. Tuy nhiên phản ánh từ các địa phương cho thấy, đây chỉ là giải pháp tình thế và giải quyết được phần “ngọn”. Nguyên nhân do thu nhập ở các nước cao hơn, lại có sự hậu thuẫn của chủ sử dụng vì thế người lao động chấp nhận mất 100 triệu đồng ký quỹ để ở lại làm kiếm thêm chứ không về nước. Để kéo giảm tỉ lệ lao động đi làm việc ở nước ngoài bỏ trốn bất hợp pháp ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần phải nhận diện đúng về mục tiêu khi đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó XKLĐ không đơn thuần là đi làm kiếm thu nhập, nâng cao tay nghề mà còn là thể diện của Việt Nam với bạn bè thế giới. Vì vậy bên cạnh công tác quản lý nhà nước thì công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phải làm rõ quy định về tiêu chuẩn của người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc.
L.H.