Kiểm định khí thải xe máy: Một đề xuất gây tranh cãi
Việc quy định kiểm định khí thải với xe máy cũng cần nghiên cứu kỹ hơn từ thực tế trước khi chính thức có hiệu lực.
Đề xuất kiểm tra khí thải định kỳ ở xe máy được Bộ GTVT đưa ra trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi với kỳ vọng giúp môi trường được cải thiện. Tuy nhiên, đề xuất này đang vướng tranh cãi bởi thiếu tính khả thi, có ý kiến cho rằng, đề xuất kiểm định khí thải xe máy định kỳ chỉ nên dừng ở ý tưởng…
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, toàn quốc hiện có khoảng hơn 50 triệu xe máy đang lưu hành, chiếm đến 95% số lượng xe cơ giới. Do đó, lượng khí thải xe máy là nguồn gây ô nhiễm không khí đáng kể, nhất là tại các đô thị lớn, khu vực tập trung đông xe máy. Đặc biệt, với thành phố lớn như Hà Nội cần đăng kiểm cho khoảng 6 triệu xe máy hiện có trên địa bàn.
Năm 2010, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố nhằm kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí do khí thải của các loại xe này gây ra ở các thành phố loại đặc biệt, loại 1 và loại 2, rộng ra là trên cả nước.
Về đề xuất trên của Bộ GTVT, không ít ý kiến cho rằng đây là động thái hết sức cần thiết, tạo khuôn khổ và hành lang pháp lý để giải quyết một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, từng bước thay đổi thói quen của người dân khi sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Bên cạnh đó, việc đăng kiểm, kiểm tra định kỳ sẽ loại bỏ được các xe cũ nát, dán tem đạt chuẩn khí thải để phân biệt xe cũ và xe mới.
Nêu giải pháp kiểm soát khí thải xe máy, ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm cho rằng, ngoài trung tâm đăng kiểm, các cơ sở bảo dưỡng và sửa chữa xe có thể tham gia vào việc kiểm định khí thải xe máy theo hình thức xã hội hóa đầu tư. Cơ quan nhà nước sẽ giám sát hoạt động của cơ sở kiểm định, cấp chứng nhận khí thải.
Thời gian kiểm tra mỗi xe máy chỉ 2-3 phút, nếu phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải thì chủ xe sẽ phải khắc phục, kiểm tra lại để được cấp giấy chứng nhận. Chu kỳ kiểm tra xe máy được một số nước đang áp dụng là một năm. Nhưng muốn đưa xe máy vào kiểm định bài bản như ôtô cần phải có một lộ trình rõ ràng, đồng bộ và đặc biệt, phải có những giải pháp cụ thể.
Đáng chú ý, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, TS Hoàng Dương Tùng cho rằng: Trước khi áp dụng thực tế cần tổ chức các cuộc khảo sát, đánh giá mức ảnh hưởng đến người lao động nghèo, từ đó sẽ có các phương án hiệu quả. Ngoài ra, khâu đoạn kiểm định, kiểm tra khí thải của xe máy nên xã hội hóa với mức chi phí vừa phải.
Chẳng hạn, có thể giao việc kiểm tra cho các tiệm sửa xe. Nếu 1 năm kiểm định, kiểm tra khí thải của xe máy chỉ phải chi trả dưới 100.000 đồng, chia ra từng tháng thì số tiền bỏ ra không lớn, mang lại lợi ích cho môi trường thì người dân sẽ ủng hộ.
Cũng có ý kiến cho rằng, Bộ GTVT chưa làm rõ việc kiểm tra khí thải đinh kỳ xe máy mới mục đích gì, thu phí hay giảm ô nhiễm môi trường? Đồng tình với việc kiểm soát khí thải xe máy để giảm ô nhiễm môi trường nhưng PGS. TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng lại cho rằng: để hiện thực hóa trước tiên phải làm rõ mục đích của việc kiểm định khí thải xe máy định kỳ
“Trong trường hợp này Bộ GTVT phải làm rõ đề xuất kiểm soát khí thải xe máy định kỳ là nhằm mục đích gì? Để hạn chế ô nhiễm môi trường hay chỉ nhằm để thu phí thì lại là vấn đề khác”- bà An băn khoăn
Việc kiểm tra khi thải xe máy đã được thực hiện tại nhiều nước, theo kinh nghiệm của Đài Loan, người dân phải trả phí kiểm tra khí thải xe máy từ việc trích phí bảo vệ môi trường qua xăng dầu. Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, người dân trả phí khi kiểm tra xe…
“Bởi vậy, với Việt Nam đầu tiên phải làm rõ đầu mối của việc thu tiền kiểm định khí thải thì nên để cho đơn vị khác. Tức là phải tách riêng, một bên chỉ làm nhiệm vụ kiểm soát khí thải, còn một bên khác chịu trách nhiệm thu tiền, đây là mô hình mà nhiều nước đã thực hiện” - theo bà An.
Còn ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội nhìn nhận: Kiểm tra khí thải định kỳ đối với ô tô hiện còn gặp nhiều khó khăn chứ đừng nói đến xe máy. Như câu chuyện xe chính chủ đã được triển khai từ nhiều năm về trước, đến nay tình trạng sử dụng xe không chính chủ vẫn rất phổ biến. Rồi ở các khu vực vùng sâu vùng xa, kiểm soát khí thải xe máy chắc chắn sẽ rất khó thực hiện vì thiếu thốn hạ tầng, cơ sở vật chất.
Ủng hộ chủ trương kiểm soát khí thải phương tiện để hạn chế ô nhiễm môi trường, nhưng ông Liên nêu quan điểm: Đề xuất kiểm định khí thải xe máy định kỳ chỉ nên dừng ở ý tưởng, muốn thực hiện phải xây dựng được một phương án khoa học cụ thể chứ đừng theo kiểu thấy thì nói và đưa vào luật mà chưa xác định rõ các triển khai.
Một ý kiến ghi nhận từ thực tế đáng được nhà quản lý lưu tâm khi anh Hoàng Văn Lâm, chủ một cửa hàng bảo hành, bảo dưỡng xe máy quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: Để sửa chữa những chiếc xe xả nhiều khói hay khói đen chỉ mất khoảng 200.000 đồng. Chi phí này không quá cao nên nhiều người dân khi phát hiện xe xả khói đã mang đi sửa chữa, bảo hành. Chỉ một số ít người khi xe đã hỏng quá nặng mới mang đi sửa chữa.
Bên cạnh đó, những xe nhập có nguồn gốc từ các nước sản xuất uy tín sau 5 năm sử dụng chưa phải sửa chữa gì nhiều nhưng máy vẫn tốt. Trong khi có tới 40% các loại xe khác chạy cùng thời gian khi đến bảo dưỡng lại không đạt tiêu chuẩn về khí thải. Bởi vậy, việc quy định kiểm định khí thải với xe máy cũng cần nghiên cứu kỹ hơn từ thực tế trước khi chính thức có hiệu lực.