Tuyển sinh trường nghề 2020: Hút thí sinh bằng ngành mới, nghề ‘hot’
Nhận định về tình hình tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm 2020, lãnh đạo nhiều trường cho rằng khả quan hơn. Bởi, Bộ LĐTBXH đã ban hành những chính sách tạo điều kiện cho khối GDNN phát triển. Một trong những giải pháp quan trọng là tập trung thực hiện mô hình 9+ theo Quyết định số 522 của Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho học sinh (HS) liên thông THCS lên cao đẳng (CĐ) - đã được Bộ LĐTBXH thí điểm mang lại kết quả khả quan.
Thêm nhiều ngành mới
Theo ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN- Bộ LĐTBXH, năm 2020, số lượng tuyển sinh vào các trường nghề vẫn giữ nguyên như năm 2019 với 2.260.000 chỉ tiêu cho các trình độ CĐ, trung cấp, sơ cấp. Trong đó, sẽ tăng chỉ tiêu ở hệ sơ cấp và ngắn hạn.
Nguyên nhân của việc điều chỉnh này là vì hiện nay, các doanh nghiệp (DN) ở khu vực kinh tế tư nhân đang cần lao động giản đơn chiếm tỷ trọng lớn, không đòi hỏi tính chuyên môn cao. Tuy nhiên, trong tương lai, khi kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, các DN sẽ có nhu cầu nhiều hơn lao động trình độ kỹ thuật và chất lượng cao.
Về phía các trường, mùa tuyển sinh 2020 đã được khởi động từ sớm bằng việc giới thiệu đến các trường THCS, THPT ngành nghề đang đào tạo, cơ hội việc làm và mức lương, tư vấn hướng nghiệp cho HS bằng nhiều hình thức khác nhau: Tư vấn trực tiếp, trực tuyến, giới thiệu qua kênh mạng xã hội,... Trong đó, để đáp ứng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cũng như sự xuất hiện của những công việc mới chưa từng có trong cơn bão đại dịch Covid-19, nhiều trường quyết định mở ngành nghề mới.
Thông tin từ Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết, năm học này ngoài những ngành học truyền thống, trường mở nghề mới là Thương mại điện tử phục vụ xu hướng thị trường việc làm trong nước và các ngành ngôn ngữ (Tiếng Nhật, Hàn, Đức) tạo điều kiện cho sinh viên học xong có thể làm việc ở các DN nước ngoài. Trường cũng có nhiều chương trình đào tạo quốc tế hấp dẫn, chương trình vừa học vừa đi làm tại DN giúp sinh viên có thêm kỹ năng và thu nhập. Cụ thể, trường mở thêm 1 nghề trình độ quốc tế của Đức, 2 nghề New Zealand và 3 nghề Australia.
Trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội mở thêm 5 nghề mới, trong đó có 2 nghề trình độ CĐ (Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Quản trị mạng máy tính) và 3 nghề trình độ trung cấp (Công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, Thiết kế đồ họa, Thiết kế trang web) phù hợp với HS học theo mô hình 9+.
Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội cũng cho biết năm nay, trường triển khai chương trình đào tạo kép và đào tạo theo chương trình của Đức, Australia. Sinh viên tốt nghiệp được cấp 2 bằng (1 bằng Việt Nam, 1 bằng Đức/Australia). Do đào tạo theo đơn đặt hàng nên sinh viên được thực tập trên thiết bị thực tế trong DN, nhận hỗ trợ 4,5 triệu đồng/tháng, ra trường làm việc cho DN với mức lương tốt.
Tăng cơ hội với ngành “hot”
Năm 2020 Trường CĐ Nghề Bách khoa Hà Nội tuyển sinh 2.000 chỉ tiêu cho 17 nghề, với 4 đợt xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT. Việc bán hồ sơ đã bắt đầu từ ngày 1/6. Nhà trường có sự điều chỉnh số lượng của các ngành nghề do cân nhắc nhu cầu của thị trường lao động. Trong đó, những ngành trường sẽ tuyển nhiều chỉ tiêu là: Công nghệ ô tô, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Cơ điện tử, Thiết kế đồ họa, Điện công nghiệp... Nhà trường vẫn tiếp tục tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 và lấy điểm trúng tuyển theo từng ngành, mỗi thí sinh được đăng ký 2 nguyện vọng.
Bên cạnh đó, trường cũng tuyển nghề mới Thương mại điện tử đáp ứng xu hướng hiện nay, với 35 chỉ tiêu. Cùng với đó, mở 3 chương trình chất lượng cao: Cơ điện tử, Thiết kế đồ họa, Điện tử công nghiệp.
Ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm 2020 là 2.550, trong đó CĐ và trung cấp là 1.550. Những ngành nghề có chỉ tiêu nhiều là Công nghệ ô tô 350, Cắt gọt kim loại 130, Điện công nghiệp 120, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí 120...
Năm 2019, số lượng thí sinh đăng ký vào một số trường như CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội gấp từ 1,5 đến 2 lần nhưng năm nay đa số các trường vẫn tuyển sinh với chỉ tiêu tương tự để đảm bảo chất lượng đào tạo.
Dẫu vậy, không phải tất cả các trường nghề đều “đắt hàng”. Thực tế vẫn có một số trường “sống lay lắt”. Nói như ông Vũ Xuân Hùng, với các cơ sở GDNN nhiều năm không tuyển sinh được sẽ bị sáp nhập, mỗi địa phương chỉ có một trường công lập đào tạo nghề.
Mặc dù Bộ LĐTBXH nói chung và Tổng cục GDNN vẫn đề ra nhiều giải pháp để hút thí sinh cho các cơ sở GDNN nhưng sự chủ động xây dựng thương hiệu từ chương trình đào tạo, mối liên kết với các DN trong đào tạo và tìm đầu ra cho người học của mỗi trường mới là yếu tố quan trọng để thí sinh tìm đến với nhà trường. Chỉ khi nhà trường tạo được sự tin tưởng của xã hội, phụ huynh và HS thì không cần quảng cáo nhiều, tự người học sẽ tìm đến với nhà trường thay vì phải chật vật lo tuyển sinh.