Siêu dự án treo 20 năm
Siêu dự án KCN Phong Phú đã bị quy hoạch treo từ gần 20 năm qua, cùng với các siêu dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa và Khu đô thị Thủ Thiêm, trở thành những dự án kéo dài dai dẳng, gây thiệt hại lớn.
Kết luận thanh tra của Thanh tra TP HCM đã rà soát phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến quá trình chấp hành trong việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật tại KCN Phong Phú, huyện Bình Chánh TP HCM. Tuy nhiên, sau kết luận thanh tra, nhiều lùm xùm tại “siêu dự án” vẫn khiến những sai phạm, bất cập chưa được giải quyết đến nơi đến chốn...
Siêu dự án KCN Phong Phú đặt tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM do Công ty Cổ phần KCN Phong Phú (Công ty Phong Phú) làm chủ đầu tư. Dự án bị treo gần 20 năm qua, trải qua nhiều đợt thanh tra toàn diện, phát hiện các dấu hiệu sai phạm về các quy định pháp luật trong thực hiện dự án này. Một số cá nhân, tập thể tại dự án này cũng nằm trong tâm điểm thanh tra do sai phạm trong quá trình bán đấu giá tài sản để thu hồi nợ của ngân hàng.
Cho đến nay, phía chủ đầu tư là Công ty Cổ phần KCN Phong Phú mới chỉ thanh lý hợp đồng với các đơn vị ký kết khai thác, bảo vệ tại dự án KCN Phong Phú, huyện Bình Chánh. Ngoài ra, chủ đầu tư dự án phải chờ kết luận thanh tra từ cơ quan chức năng mới được phép tiếp tục lựa chọn các đơn vị mới.
Theo chỉ đạo của UBND TP HCM tại văn bản số 629/UBND-NCPC), từ kết luận thanh tra của Thanh tra TP HCM từ 2019 đã phát hiện nhiều sai phạm về chấp hành các quy định pháp luật trong việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật tại KCN này. Thành phố cũng chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan, kiến nghị xử lý theo quy định pháp luật.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, siêu dự án KCN Phong Phú còn hơn 13 ha chưa đền bù xong, trong đó có hơn 200 gia đình bị giải tỏa nhà đất nhưng cũng chưa nhận được nền tái định cư. Điều đáng nói, dự án này đã bị quy hoạch treo từ gần 20 năm qua, cùng với các siêu dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa và Khu đô thị Thủ Thiêm, trở thành những dự án kéo dài dai dẳng, gây thiệt hại lớn đối với đời sống vật chất và tinh thần của người dân, cùng các thiệt hại tài sản Nhà nước liên quan.
Bên cạnh đó, dự án còn bị qua tay nhiều chủ đầu tư, là các liên danh và doanh nghiệp trong ngành bất động sản và ngân hàng. Ban đầu, dự án do Công ty CP KCN Phong Phú làm chủ đầu tư, với quy mô vốn hơn 1.057 tỷ đồng. Dù vậy, ở vào thời điểm này công ty chỉ có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, đến 2007 cũng mới tăng được vốn điều lệ được 250 tỷ đồng.
Để đảm bảo năng lực triển khai dự án, BCI đã nhảy vào cuộc với 70% tỷ lệ vốn điều lệ, liên danh SADECO (25%) và IPC (5%). Liên danh này đã giúp nâng tổng vốn dự kiến đầu tư lên 1.129 tỷ đồng và kỳ vọng thu về khoản lợi nhuận gộp là 525 tỷ đồng từ siêu dự án này.
Kết luận thanh tra về nhiều bất cập trong chậm giao đất và giải phóng mặt bằng, phân bổ quỹ đất tái định cư đến nay còn nhiều dang dở. Dù rằng đại diện BCI đã nhượng lại toàn bộ 70% cổ phần ở Công ty Phong Phú với giá 607 tỷ đồng cho một công ty khác (Saigonnic).
Cũng kể từ thời điểm này, số phận của siêu dự án tiếp tục sang một ngã rẽ mới. Chủ đầu tư mới tiếp tục phân lô khu đất được quy hoạch làm KCN này thành hàng chục mảnh nhỏ, sau đó thế chấp tại các Ngân hàng Phương Nam và sau này là Sacombank để vay vốn, hoặc bảo đảm nghĩa vụ cho bên thứ ba.
Dự án đến nay đến nay vẫn là bãi đất trống cỏ mọc hoang là hệ quả của căn bệnh “tay không bắt giặc”. Cả một khu vực rộng hàng ngàn ha không một bóng người, cũng không được xây dựng chỉnh trang. Theo báo cáo, hiện phần diện tích khoảng 13,8ha chưa được đền bù và chưa hoàn thành tái định cư cho hơn 200 hộ dân, gây bức xúc khiếu nại kéo dài.