Đau đầu với rác thải nông thôn và rác thải chợ

Quốc Trung 18/06/2020 08:30

Thời gian qua các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thực hiện nhiều giải pháp nhằm thu gom, xử lý chất thải ở khu vực nông thôn, đặc biệt là rác thải từ các khu chợ, do cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập nên quá trình thu gom và xử lý chất thải còn rất thấp.

Rác thải ngổn ngang phía sau khu chợ ở khu vực Cần Thơ.
Rác thải ngổn ngang phía sau khu chợ ở khu vực Cần Thơ.

Khó thu gom rác thải nhựa ở nông thôn

Hiện nay mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng phát sinh khoảng 650 tấn chất thải, trong đó ở khu vực nông thôn có khoảng 250 tấn. Thời gian qua tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện quy hoạch và đầu tư khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung; đồng thời, mở rộng mạng lưới thu gom nhằm kiểm soát, xử lý triệt để lượng chất thải rắn phát sinh, đặc biệt là tại khu vực nông thôn.

Bà Nguyễn Thụy Kiều Diễm, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Bảo vệ Môi trường thuộc Sở TNMT tỉnh Sóc Trăng cho biết: Hiện tỷ lệ thu gom rác tại khu vực nông thôn mới chỉ đạt khoảng gần 50%. Cùng với đó, công tác phân loại chất thải tại nguồn chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, có nhiều nơi chất thải nhựa, nilon lẫn lộn với rác thải sinh hoạt, tình trạng ứ đọng rác thải tại các hố lưu chứa gây ô nhiễm môi trường đang xảy ra ở nhiều nơi.

Đặc biệt, rác thải từ các chợ cả đô thị lẫn nông thôn cũng khiến cho ngành môi trường của Sóc Trăng khó khăn trong xử lý, cụ thể theo báo cáo khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn Sóc Trăng có hơn 130 khu chợ với quy mô diện tích khác nhau, mỗi ngày hoạt động tại các chợ đã phát sinh khoảng 100 tấn chất thải rắn và gần 1.000m3 nước thải.

Theo bà Diễm, qua kiểm tra nước thải ở các chợ nông thôn và chợ tự phát đang bị ô nhiễm hữu cơ, vi sinh; chất thải rắn không ngừng gia tăng về khối lượng, đa dạng về thành phần đang tác động xấu đến môi trường nước tại các sông, kênh, rạch; đồng thời, việc không xử lý triệt để chất thải ở các chợ cũng gây thiệt hại về kinh tế vì phải đầu tư để khắc phục ô nhiễm môi trường.

Còn tại tỉnh Hậu Giang do hiện nay các bãi lưu chứa rác hiện hữu đang quá tải, trong khi đó nhà máy xử lý chất thải rắn phát điện của tỉnh Hậu Giang liên tục gặp vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng nên đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động khiến cho việc xử lý rác thải ở khu vực thành thị cũng như ở nông thôn gặp rất nhiều khó khăn.

Bà Lê Thị Kiều Như, Phó trưởng Phòng TNMT huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang thông tin: “Việc thu gom chất thải sinh hoạt trên địa bàn huyện hiện nay chủ yếu tập trung ở các tuyến đường lớn, còn tuyến đường nhỏ ở các ấp, có bề rộng từ 3m trở xuống xe của đơn vị dịch vụ môi trường không thể vào thu gom được”.

Đối với TP Cần Thơ, bà Cao Thị Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở TNMT TP Cần Thơ cho rằng, ý thức của một bộ phần người dân chưa cao, vẫn còn trường hợp vứt rác sinh hoạt bừa bãi tại khu vực công cộng, sông rạch, từ đó dẫn đến việc thu gom, tập kết và phân loại rác thải nhựa với rác thải khác còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do người dân còn thói quen sử dụng sản phẩm túi nilon, đồ nhựa dùng một lần, dẫn đến nhiều hệ lụy cho môi trường.

Ngành chức năng của Cần Thơ cũng đau đầu với việc lượng lớn nước thải, rác thải phát sinh tại các chợ trên địa bàn vẫn đang phải cho chảy trực tiếp ra các sông, kênh, rạch khiến cho chất lượng môi trường nước mặt bị suy giảm. vào mùa khô các kênh rạch này phát ra mùi hôi thối rất khó chịu.

Mạnh tay với rác thải nông thôn và rác thải chợ

Hậu Giang đề ra kế hoạch đến năm 2030 có khoảng 80% chất thải tại khu vực nông thôn được thu gom, xử lý theo mục tiêu của, đề án bảo vệ môi trường tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030. Để làm được điều này trước tiên sẽ thực hiện đối với người dân các xã nông thôn mới và các xã đang xây dựng nông thôn mới tập trung thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; lắp đặt các thùng chứa rác sinh hoạt và rác thải nguy hại. Đối với những khu vực phương tiện thu gom rác không thể vào được, chính quyền địa phương nơi đây cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác.

Ở Sóc Trăng các địa phương đẩy mạnh các phương pháp thu gom rác thải nhựa, tạo thói quen cho người dân ý thức gom rác bỏ vào nơi quy định, không vứt bừa bãi các sông, kênh rạch. Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Sóc Trăng cho biết sẽ triển khai các biện pháp phân loại chất thải tại nguồn; phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trong xử lý chất thải rắn; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực nhận thức cho tổ chức, cá nhân trong việc quản lý tổng hợp chất thải rắn, nói không với chất thải nhựa, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Nhằm huy động và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, Sở TNMT TP Cần Thơ tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, hội đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để phát huy sức mạnh đoàn kết toàn xã hội chung tay bảo vệ môi trường; đồng thời, nhân rộng các mô hình thu gom, phân loại, xử lý chất thải ở khu vực nông thôn.

Còn với Hậu Giang, thời gian qua tỉnh này đã mạnh tay với các chợ trong việc thu gom và xử lý môi trường. Ông Đào Trọng Ngữ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TNMT tỉnh Hậu Giang) thông tin, qua quá trình kiểm tra, Chi cục Bảo vệ môi trường đã yêu cầu các đơn vị quản lý chợ thực hiện nghiêm những nội dung theo báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường theo quy định; đồng thời, các ban, ngành ở địa phương tăng cường công tác quản lý các chợ tự phát, tụ điểm buôn bán không đúng quy định; xử lý nghiêm hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường.

Quốc Trung