Sẽ có ‘cao nguyên Trump’ ở ‘vùng đất thánh’?
Chính phủ Israel vừa thông qua ngân sách gần 2,3 triệu USD để xây dựng khu tái định cư có tên “Trump Heights” (cao nguyên Trump) tại cao nguyên Golan. Đây là nơi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận thuộc chủ quyền của Israel, thổi bùng lên những mâu thuẫn vốn có ở khu vực.
1. “Hôm nay, chúng tôi sẽ bắt đầu những bước thực tiễn đầu tiên để xây dựng khu định cư “cao nguyên Trump” tại cao nguyên Golan - nơi đã được Tổng thống Donald Trump công nhận thuộc chủ quyền của Israel”- Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo. Theo tờ RT, thông báo trên được đưa ra vào ngày 14/6, đúng dịp sinh nhật lần thứ 74 của người đứng đầu nước Mỹ.
“Sáng kiến thiết lập một khu định cư mới ở Cao nguyên Golan mang tên Tổng thống Mỹ Donald Trump là nhằm bày tỏ sự biết ơn với những việc ông đã làm cho Nhà nước Israel và Cao nguyên Golan” - thông báo của Chính phủ Israel nhấn mạnh. Việc khởi công “Cao nguyên Trump” sẽ được bắt đầu trong vòng một tháng. Tờ The Jerusalem Post cho biết sẽ có khoảng 20 gia đình chuyển vào khu nhà mới xây này vào cuối năm nay.
Theo Sky News, người dân địa phương cũng tỏ ra hài lòng với quyết định của Chính phủ Israel. Vladimir Belotserkovsky, 75 tuổi - một cư dân tại khu vực nói: “Chúng tôi chắc chắn cảm ơn, và cá nhân tôi hài lòng với thực tế rằng họ đang lập ra một khu định cư mới mang tên Trump”.
Khu định cư có tên “Cao nguyên Trump” là khu vực nằm ở khu vực Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát vốn tên là Beruchim và dân số dưới 300 người. Người dân của khu phố này hầu hết đã cao tuổi. Nơi đây nằm cách biên giới Syria chỉ khoảng 20km, xung quanh đầy mìn và bãi cỏ.
Sau cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, Israel đã chiếm đóng Cao nguyên Golan từ quốc gia Arập Syria và chính thức sáp nhập vào phần lãnh thổ quốc gia nước này vào năm 1981, bất chấp sự không công nhận của quốc tế. Trong thời gian chiếm đóng, Israel đã xây dựng hàng chục khu định cư ở Golan trong những năm qua, với ước tính 26.000 người định cư Do Thái sống ở đó vào năm 2019, hầu hết là thành viên của giáo phái Hồi giáo Shiite và một bộ phận người Ả Rập.
2. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/3/2019 đã ký tuyên bố công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan sau 52 năm Israel kiểm soát cao nguyên chiến lược nằm trên biên giới giáp Syria. Động thái này được đưa ra trong chuyến thăm Washington của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước cuộc bầu cử của Israel năm ngoái.
Ngay sau khi được ông Trump công nhận, Nội các của Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhất trí đặt lại tên cho cộng đồng là “Ramat Trump” (theo tiếng Do Thái), hy vọng cái tên mới sẽ khuyến khích người Israel chuyển tới đây sinh sống. “Động thái này còn được coi như lời cảm ơn dành cho Tổng thống Mỹ Donald Trump” – theo nhận định các cơ quan truyền thông tại Trung Đông.
Ngay từ năm ngoái, khi Israel công bố tên khu định cư mới mang tên mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng Twitter: “Cám ơn Thủ tướng Benjamin Netanyahu và đất nước Israel vì vinh dự to lớn này”. Trước đó, ông Trump cho rằng: “Đây là một ngày tuyệt vời ở Cao nguyên Golan”.
3. Tuy nhiên, kế hoạch của Israel với sự hậu thuẫn của Mỹ đã lập tức vấp phải phản ứng mạnh mẽ của Palestine và cộng đồng quốc tế. Chính quyền Palestine đã tuyên bố chấm dứt Hiệp định hòa bình Oslo ký năm 1993 giữa Chính phủ Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), gồm mọi thỏa thuận hợp tác an ninh và các quan hệ dân sự với Israel.
Palestine cũng chính thức đề nghị Liên hợp quốc tổ chức một cuộc họp thảo luận về kế hoạch của Tel Aviv và có các biện pháp phù hợp đối với kế hoạch này. LHQ dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến vào ngày 24/6 tới để thảo luận báo cáo của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres liên quan việc thực thi Nghị quyết 2334 của Hội đồng Bảo an về Trung Đông. Palestine sẽ phát biểu về tính nghiêm trọng của kế hoạch sáp nhập của Israel.
Trong khi đó, các Ngoại trưởng của Liên minh Châu Âu (EU) đã tổ chức một hội nghị trực tuyến với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về kế hoạch hòa bình Trung Đông được Tổng thống Donald Trump công bố hồi tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khẳng định: Đức và các đối tác châu Âu đều quan ngại sâu sắc về các kế hoạch sáp nhập của Israel đối với các vùng lãnh thổ chiếm đóng ở Bờ Tây.
“Cùng với EU, Đức nhận định kế hoạch sáp nhập của Israel là không phù hợp với luật pháp quốc tế. EU ủng hộ việc tái khởi động các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine về giải pháp 2 Nhà nước”- tuyên bố của Đức nêu rõ.