Mặt trận và báo chí đồng hành chống tham nhũng
Ngay từ khi ra đời, Mặt trận Tổ quốc đã luôn đồng hành với vận mệnh đất nước, dân tộc. Khi đất nước gặp nạn “nội xâm” tham nhũng, trách nhiệm của người làm Mặt trận càng nặng nề hơn. Cùng với việc vận động nhân dân phòng ngừa, phát hiện; kiến nghị xử lý; giám sát việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phát động Giải “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.
Giải báo chí đã khuyến khích các cơ quan vào cuộc chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời nâng cao trách nhiệm của người làm Mặt trận trong công cuộc đấu tranh chống “nội xâm”.
1. Ngay từ khi ra đời, MTTQ Việt Nam luôn đồng hành cùng những bước thăng trầm của dân tộc. Thời kỳ tiền khởi nghĩa, Mặt trận có vai trò đoàn kết các giai tầng để đứng lên làm Cách mạng, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Vai trò này càng được tăng cường, củng cố khi đất nước trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Bước vào thời kỳ đổi mới, Mặt trận đoàn kết nhân dân để phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá - xã hội; vừa xây dựng, vừa đấu tranh vì một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, nhiều mặt tiêu cực của xã hội vốn trước đây mới manh nha thì nền kinh tế thị trường đã tạo môi trường cho những tiêu cực phát triển. Tham nhũng, lãng phí tiêu cực là những biểu hiện của cái xấu, cái ác trong xã hội.
Mặt trận phải tập hợp, đoàn kết nhân dân thực hiện công cuộc “vừa xây, vừa chống”. Trong đó, đấu tranh với những tiêu cực của xã hội vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội để Mặt trận thể hiện vai trò, bản lĩnh của mình, củng cố niềm tin của nhân dân. Nhiệm vụ ấy đã được thể chế hoá bằng các văn bản pháp luật.
Luật Mặt trận ra đời năm 2015, tiếp đó, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đều dành riêng những quy định về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận đối với chống “giặc nội xâm”. Điều 74 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; phản biện xã hội, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; kiến nghị việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; động viên Nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng; cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng; giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Luật Phòng, chống tham nhũng cũng quy định các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời kiến nghị, giải quyết những vấn đề Mặt trận đại diện cho nhân dân.
Trong những năm qua, Mặt trận các cấp đã phát huy cao độ vai trò của mình; đặc biệt trong thực hiện quyền giám sát, phản biện xã hội. Hàng năm, ngay từ đầu năm, MTTQ các cấp đều ban hành Kế hoạch thực hiện công tác giám sát, tập trung vào những lĩnh vực “nóng” dễ xảy ra sai phạm như: Quản lý đất đai, quản lý đô thị, đầu tư, xây dựng hạ tầng… Qua thực hiện công tác giám sát, hàng nghìn vụ sai phạm lớn nhỏ trên cả nước được phát hiện, chuyển kết quả đến cơ quan chức năng giải quyết.
Việc giám sát giúp nhân dân có chỗ dựa vững chắc trong đấu tranh chống tiêu cực. Nếu công tác giám sát giúp phát hiện sai phạm thì phản biện xã hội có vai trò phòng ngừa, bịt các lỗ hổng về quy định pháp luật để ngăn chặn từ xa sai phạm có thể xảy ra. Những quy định về thực hiện giám sát, phản biện chính là việc hoàn thiện “vũ khí” để Mặt trận chống “giặc tham nhũng”. Cũng từ các phong trào, cuộc vận động của Mặt trận, nhân dân được cung cấp thông tin về pháp luật chống tham nhũng, tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng bằng nhiều biện pháp khác nhau.
Cũng trong Luật Phòng, chống tham nhũng, Đảng, Nhà nước luôn đề cao vai trò của báo chí trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Báo chí vừa trực tiếp đấu tranh chống tham nhũng, vừa có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền khách quan, trung thực về công tác phòng, chống tham nhũng. Trong cơ cấu tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam là một thành viên năng động, tích cực của MTTQ Việt Nam.
Từ sự tương đồng này, đồng thời, thể hiện trách nhiệm của MTTQ, của Hội Nhà báo với xã hội, Giải “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” đã ra đời. Giải báo chí thể hiện khát vọng đấu tranh vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ , công bằng, văn minh của người làm Mặt trận, người làm báo; đồng thời, cũng đại diện cho tiếng nói của toàn thể nhân dân trong đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác để xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ hơn.
2. Đã hơn hai năm kể từ lần đầu tiên, những tác phẩm xuất sắc trên mặt trận chống tham nhũng đã được UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam vinh danh trong Lễ trao giải “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Thời gian đã ngày càng khẳng định, Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” là một sáng kiến đầy ý nghĩa của UBTW MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam.
Bởi lẽ, cuộc chiến chống giặc “nội xâm” ngày một cam go, khốc liệt. “Một bộ phận” cán bộ thoái hóa, biến chất đã dần chuyển thành “một bộ phận không nhỏ”. Cái khó của chống tham nhũng là “kẻ thù” ẩn mình dưới vỏ bọc cán bộ, đảng viên; trà trộn lẫn trong hàng ngũ những cán bộ đảng viên của chúng ta. Trong đó, có cả những lãnh đạo cao cấp đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Báo chí, đã thể hiện vai trò của mình trong cuộc đấu tranh đó. Nhưng trong nhiều giải báo chí được phát động bởi trung ương, các bộ, ngành trên cả nước, lại thiếu đi một giải thưởng vinh danh những tác phẩm báo chí xuất sắc, tôn vinh những nhà báo dũng cảm dấn thân vào công cuộc chống giặc nội xâm đầy khó khăn này.
Bởi vậy, việc tổ chức giải “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” của UBTƯ MTTQ Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam đã tạo “cú hích” đối với báo chí trong công cuộc chống tham nhũng, lãng phí. Những tác phẩm báo chí, những nhà báo trực tiếp tham gia công cuộc chống tham nhũng sẽ được vinh danh, nhận được nguồn động viên to lớn của xã hội.
Ngay trong lần đầu tổ chức, đã có 1.126 tác phẩm tham dự giải, ở tất cả các loại hình: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình. Con số này cho thấy sự quan tâm của đội ngũ báo chí cả nước đối với sự nghiệp chống tham nhũng. Ban Giám khảo đã phải làm việc hết sức vất vả. Bởi nhiều tác phẩm được đầu tư công phu không đơn thuần là việc phản ánh những vụ án đã được đưa ra ánh sáng.
Có những loạt bài điều tra sâu sắc về tình trạng tham nhũng, lãng phí xảy ra ở các ngành, các địa phương, tạo cơ sở cho các cơ quan trọng để các lực lượng chức năng vào cuộc làm rõ những sai phạm. Nổi bật trong số đó là những tác phẩm như: “Cuộc đại phẫu những “khối u” nghìn tỷ…” (Báo Nhân Dân), “Chống được “chạy” sẽ thành công” (Tạp chí Người làm báo), “Vụ việc tại Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường Bạc Liêu” (Báo Ðại đoàn kết), “Ðường đi của cát Việt ra nước ngoài” (Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh), “Góc khuất đằng sau hoạt động đấu thầu thuốc” (Kênh VOV TV, Ðài Tiếng nói Việt Nam)... “Mùa giải” đầu tiên đã có tất cả 31 tác phẩm được vinh danh.
Trong buổi lễ ấy, ông Trần Thanh Mẫn- Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã nhấn mạnh: “Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, nhằm phát huy mạnh mẽ sự tham gia của người dân và toàn xã hội; khẳng định vai trò quan trọng và tiên phong của các cơ quan báo chí trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Việc triển khai Giải báo chí đã góp phần tích cực nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu; tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công khai, minh bạch trong phát hiện, xử lý phòng chống tham nhũng, lãng phí; kịp thời biểu dương, cổ vũ cách làm hay, kinh nghiệm tốt, điển hình trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí”.
Những phát biểu của Chủ tịch Trần Thanh Mẫn ngày càng được thực tế chứng minh. Ở “mùa giải” thứ hai, chất lượng của các tác phẩm báo chí dự giải được nâng lên rõ rệt. Nhiều tác phẩm báo chí đã gây chấn động xã hội. Thí dụ như các tác phẩm: “Ai để SABECO bán rẻ đất vàng” (Báo Tuổi trẻ), “Truyền bá chuyện vong báo oán tại chùa Ba Vàng” (Báo Lao động), “Giải bài toán lãng phí đất đai Khu công nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long” (Đài Tiếng nói Việt Nam) hay “Ông Lực cao tốc” (VTV8 Đài Truyền hình Việt Nam)...
Đáng chú ý, qua giải thưởng, tấm gương những người công tác Mặt trận trực tiếp hay gián tiếp tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí đã được tôn vinh. Điển hình trong số đó phải kể đến loạt bài “Những chiến sĩ thầm lặng” của nhóm tác giả Báo Đại Đoàn kết đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.
Giải báo chí khiến các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo ý thức trách nhiệm hơn về vai trò của mình. Từ đó, có những tác phẩm ngày càng chất lượng hơn, góp phần thiết thực vào cuộc chiến chống nội xâm; góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền trong phòng, chống tham nhũng lãng phí.
3. Mặc dù có nhiều thành tựu, nhất là trong giai đoạn từ Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay, nhưng cuộc chiến chống tham nhũng vẫn còn hết sức nặng nề. Thủ đoạn, hình thức tham nhũng ngày càng phức tạp hơn. Trong bối cảnh ấy, Mặt trận cũng như báo chí càng phải thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình. Hiện tại, cả nước đang triển khai Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tập trung vào công tác tổ chức đại hội là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của đất nước trong năm nay. Mặt trận các cấp cần làm tốt công tác giám sát trong tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp; phát huy vai trò “tai mắt” của nhân dân để kịp thời phát hiện những phần tử xấu, kiến nghị với Đảng để làm tốt công tác cán bộ. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ khác để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng nói chung.
Đối với đội ngũ người làm báo, báo chí thời đại 4.0 đang phát triển với tốc độ chóng mặt khi công nghệ thông tin được ứng dụng ngày càng nhiều hơn. Tin tức được đua tranh cập nhật trong từng giây, từng phút. Nhưng khó khăn, thách thức là không nhỏ khi một số tờ báo bị xử lý vì đưa tin có nội dung không đúng sự thật; không ít tờ báo chạy theo thị hiếu, đưa những tin bài giật gân, nặng tính “câu view”… Bản thân báo chí cũng bị cạnh trạnh khốc liệt bởi mạng xã hội, đối mặt nguy cơ mất độc giả. Bởi vậy, để làm tốt trách nhiệm xã hội, báo chí phải thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống “tự thoái hoá”, tự diễn biến”.
Để tiếp tục hiện thực hoá khát vọng đấu tranh vì một xã hội công bằng, văn minh, loại bỏ những phần tử xấu, tiêu cực, Mặt trận, báo chí phải phối hợp tốt hơn nữa trong tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thông qua kênh thông tin báo chí, vận động người dân tích cực chống tham nhũng, lãng phí. Phối hợp các cơ quan báo chí kịp thời phản ánh về các hành vi, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí; trực tiếp phát hiện, đấu tranh với tham nhũng, lãng phí thông qua các tin, bài, phóng sự... Đồng thời, tuyên truyền, biểu dương những tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” đang bước sang “mùa” thứ ba. Việc UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam cùng các cơ quan báo chí tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các tác phẩm để tham gia Giải Báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, tập trung vào các nhiệm vụ chính trị trong năm 2020 này chính là hành động thiết thực để “chống nội xâm”.
Tại Lễ trao giải Báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ 2 năm 2018-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn tin tưởng, kỳ vọng và đánh giá cao vai trò của báo chí.
Để xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng Chính phủ liêm chính, bên cạnh hình thành nền tảng thể chế tốt, hệ thống pháp luật tin cậy với các chế tài mạnh và nghiêm minh, rất cần các thiết chế xã hội với các giá trị, chuẩn mực hình thành thông qua tuyên truyền, giáo dục. Quan trọng và cam go nhất trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí là trên mặt trận tư tưởng và công tác chỉ đạo quyết liệt hành động. Đây chính là nhiệm vụ lớn đặt ra với các cơ quan báo chí, những người làm báo.