Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Bản án giám đốc thẩm phải tạo sự ‘tâm phục, khẩu phục’

M.Loan- H.Vũ 20/06/2020 08:31

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, ĐBQH đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng, các ủy ban hay hội đồng thẩm phán khi xét xử giám đốc thẩm phải hết sức công minh, khách quan để sửa chữa những sai phạm, thiếu sót của bản án sơ, phúc thẩm, từ đó có những bản án giám đốc thẩm tạo được sự “tâm phục, khẩu phục” của đương sự và công luận.

Ngày 19/6, ngay trước khi Quốc hội họp phiên bế mạc, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ về những vụ giám đốc thẩm “đình đám” trong thời gian qua.

Nói về việc xem xét giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho biết, theo luật định, bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay. Tuy nhiên, ở đa số các quốc gia, trong đó có Việt Nam, pháp luật tố tụng luôn dành cho các bị cáo hay đương sự quyền kiến nghị xem xét lại bản án phúc thẩm bằng thủ tục giám đốc thẩm.

Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng, có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật trong việc giải quyết vụ án hoặc kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án. Giám đốc thẩm là cơ hội cuối cùng của bị cáo, đương sự khi cho rằng bản án phúc thẩm bất hợp lý, trái pháp luật, gây thiệt hại cho họ.

“Theo tôi, nếu việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm làm tốt thì đơn đề nghị giám đốc thẩm sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, số lượng đơn này lại tăng lên trong các năm qua, gây áp lực cho việc xét đơn và xét xử giám đốc thẩm của tòa cấp trên, tỷ lệ giải quyết đơn chưa đạt chỉ tiêu do Quốc hội đề ra. Về chất lượng, trên nguyên tắc, bản án giám đốc thẩm phải là một sản phẩm thể hiện được tinh hoa trí tuệ, công minh, khách quan, có sức thuyết phục cao. Vừa qua, một số bản án giám đốc thẩm hình sự chẳng những các bị cáo, đương sự, mà cả các đại biểu Quốc hội cũng không đồng tình, gây bức xúc trong dư luận, như vụ án “trộm cây gỗ trắc chết khô” ở Gia Lai và vụ Hồ Duy Hải. Thậm chí có hai đoàn đại biểu Quốc hội gửi văn bản chính thức về một số vụ giám đốc thẩm.Tôi nghĩ, TAND tối cao cần quan tâm nhiều hơn đến công tác này”, ông nói.

PV: Tình trạng giám đốc thẩm hình sự như vậy, còn giám đốc thẩm các vụ án dân sự thì như nào, theo ông? Đã có vụ việc nào gây "sóng gió" dư luận chưa?

Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Giám đốc thẩm dân sự thì tình hình đáng lo ngại hơn, vì nhiều bản án dân sự sơ và phúc thẩm có biểu hiện tùy tiện, trái hoặc bỏ qua các quy định pháp luật, trong khi yêu cầu cao nhất đối với thẩm phán là “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Thậm chí, có vụ, giám đốc thẩm đã hủy án sơ, phúc thẩm, chỉ rõ những sai phạm và yêu cầu khắc phục khi xét xử sơ thẩm lại, nhưng thẩm phán cấp dưới vẫn giữ nguyên quan điểm, lặp lại sai lầm khi xét xử sơ thẩm lại. Do đó, việc xét đơn kiến nghị giám đốc và xét xử giám đốc thẩm cần được tiến hành khẩn trương hơn, chuẩn mực hơn, với những phân tích, lập luận có sức thuyết phục cao hơn để sửa chữa, khắc phục những sai phạm của bản án sơ, phúc thẩm bị kháng nghị.

Trước tình hình xét xử phúc thẩm dân sự có xu hướng tùy tiện, chất lượng không cao, khiến cho nhu cầu xử lý đơn kiến nghị và xét xử giám đốc thẩm đang tăng nhanh.Từ đó, vai trò xét xử giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự ngày càng quan trọng.

Nhân nói chuyện nhiều vụ phúc thẩm dân sự chất lượng chưa cao như ông vừa nói, vậy ông nhìn nhận như thế nào về những điểm kháng nghị đối với vụ xử ly hôn của vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên.Ở bản kháng nghị này, Viện cũng đã chỉ ra những vi phạm trong tố tụng, còn quan điểm của ông thì như nào?

- Vụ án ly hôn của hai vợ chồng Tập đoàn Trung Nguyên là một vụ án dân sự điển hình, thu hút sự quan tâm lớn của xã hội, nhất là tầng lớp doanh nhân. Sau khi xử sơ thẩm, Viện trưởng Viện KSND TP Hồ Chí Minh đã có kháng nghị phúc thẩm, chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng của bản án sơ thẩm, nhưng tòa phúc thẩm không sữa chữa những sai phạm đó và đã y án sơ thẩm đối với những nội dung quan trọng nhất.

Sau bản án phúc thẩm, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã lại kháng nghị giám đốc thẩm (KNGĐT), nêu lên những sai phạm cũ và mới. KNGĐT chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng và tính nghiêm trọng của các sai phạm trong vụán này đã gây ra nhiều hoang mang, lo lắng trong cộng đồng doanh nhân, nhất là những cặp vợ chồng đang cùng là cổ đông của các công ty lớn.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa trên diễn đàn Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa trên diễn đàn Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Ví dụ, KNGĐT khẳng định, chứng thư thẩm định giá đã hết hiệu lực 6 tháng, nhưng Tòa phúc thẩm vẫn căn cứ vào các chứng thư đó mà không định giá lại là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Vi phạm này tạo ra sự bất công rất lớn đối với người vợ, là cổ đông bị buộc phải để lại toàn bộ cổ phần của mình lại cho người chồng, để người chồng một mình sở hữu toàn bộ tập đoàn.

Hay là, khi quyết định chia tài sản chung của hai vợ chồng, tòa chia cho người vợ một số bất động sản và tiền tài khoản ngân hàng do người khác đứng tên, nhưng tòa lại không triệu tập những người ấy, mà không kiểm tra xem là của ai và tài sản đó có còn không? KNGĐT xem đây là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng…

Những sai phạm mà KNGĐT chỉ ra trên đây chẳng những tước đoạt quyền kinh doanh chính đáng của người vợ, mà có thể gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho người vợ, là người chịu trách nhiệm nuôi dạy bốn đứa con theo quyết định của tòa.

Với những vụ việc như vậy, tác động xã hội mà nó tạo ra như nào, theo góc nhìn của ông?

- Đất nước ta đang xây dựng kinh tế thị trường, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển. Nền kinh tế nước ta đã tăng trưởng mạnh trong nhiều năm qua, tầng lớp doanh nhân trung bình và “đại gia” tăng lên đáng kể. Không ít người sở hữu tài sản hàng chục ngàn tỷ, hay nắm giữ các các tập đoàn kinh tế lớn hàng trăm ngàn tỷ, với hàng vạn cổ đông lớn, nhỏ, trong và ngoài nước.

Không chỉ các vụ xét xử tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà các vụ án dân sự như thừa kế, ly hôn liên quan đến họ tác động trực tiếp chẳng những đến quan hệ gia đình, thân tộc, đến tình cảm, danh dự, mà còn có thể gây thiệt hại không nhỏ về uy tín, về thương hiệu, ảnh hưởng các lợi ích vật chất, tài sản rất lớn.

Các ủy ban hay hội đồng thẩm phán khi xét xử giám đốc thẩm phải hết sức công minh, trí tuệ và khách quan để sửa chữa những sai phạm, thiếu sót của bản án sơ, phúc thẩm. Từ đó có những bản án giám đốc thẩm có sức thuyết phục cao, làm mẫu mực cho các tòa án cấp dưới, tạo được sự “tâm phục, khẩu phục” của đương sự và công luận xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe báo cáo vụ Hồ Duy Hải

Chiều 19/6, ngay sau khi bế mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã diễn ra cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 9. Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí về việc sau phiên họp của Ủy ban Tư pháp về vụ Hồ Duy Hải thì đến nay cơ quan này đã có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa?, và sau khi có kiến nghị của Uỷ ban Tư pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có họp xem xét các kiến nghị của ĐBQH, đoàn ĐBQH và Uỷ ban Tư pháp về vụ án này không?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, đây là vụ án phức tạp, đã trải qua 12 năm. Sau khi có quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, có nhiều ý kiến của dư luận cũng như các ĐBQH về vụán này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Uỷ ban Tư pháp xem xét, để có báo cáo tham mưu cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đây là thực hiện theo điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự.

Theo ông Phúc, ngày 16/6, Uỷ ban Tư pháp đã họp phiên toàn thể xem xét về vụán này. Ủy ban Tư pháp đến nay chưa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi Ủy ban Tư pháp báo cáo, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe, lúc đó sẽ có quyết định. Còn khi nào có kết quả cụ thể sẽ thông tin với báo chí.

M.Loan- H.Vũ