Những vụ án rúng động dư luận

Đức Sơn (tổng hợp) 21/06/2020 09:00

Từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra nhiều vụ án rúng động dư luận và nhiều phiên xét xử các vụ án được dư luận quan tâm với nhiều luồng ý kiến. Báo Đại Đoàn Kết điểm lại một số vụ án nhận được sự quan tâm của bạn đọc.

Tuấn “khỉ”.Tuấn “khỉ”.

1. Tiêu diệt thượng úy công an cướp sòng bạc, bắn chết 5 người

Ngày 29/1/2020 (mùng 5 Tết Canh Tý), Lê Quốc Tuấn (biệt danh Tuấn “khỉ”, là cán bộ công an Quận 11, TP HCM) đi xe máy đến sới bạc ở vườn nhãn thuộc ấp 5, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi.

Sau khi thua bạc hết tiền và xảy ra mâu thuẫn, Tuấn đã dùng súng AK bắn vào đám đông khiến 4 người chết, 1 người bị thương.

Sau đó, Tuấn tiếp tục cầm súng xông vào nhà một hộ dân trên đường Dương Thị Phua cướp chiếc xe máy Nouvo màu đỏ đen mang biển kiểm soát 59Y2-301.98 chạy trốn.

Trên đường chạy trốn, đêm 30/1/2020, Tuấn “khỉ” tiếp tục bắn chết anh Vũ Chí Tâm (40 tuổi) trên tỉnh lộ 15 đoạn qua xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi để cướp chiếc xe nhãn hiệu Wave tiếp tục đi trốn.

Ngày 31/1/2020, Tuấn bị Công an TP HCM truy nã về tội giết người, cướp tài sản, tàng trữ và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Những ngày sau đó, hàng trăm cảnh sát đã được huy động vây bắt đối tượng tại khu vực xã Trung An, huyện Củ Chi.

Tối 13/2, lực lượng chức năng tập trung lực lượng, tiến hành phong toả khu vực đường Đỗ Văn Dậy, gần Cầu Xáng (xã Tân Thạnh Đông, huyện Hóc Môn). Vị trí này cách nơi từng vây bắt Tuấn “khỉ” trước đó khoảng 10 km. Đến khuya 13/2/2020, Tuấn “khỉ” có hành vi chống đối nên đã bị lực lượng chức năng tiêu diệt. Tại hiện trường, lực lượng công an đã thu giữ 1 khẩu súng AK, 9 viên đạn.

Quá trình điều tra được biết Tuấn “khỉ” sử dụng súng AK bắn chết người và cướp số tiền khoảng 1 tỉ đồng. Số tiền này Tuấn đưa cho Phạm Thanh Tâm (còn gọi Tý Bà Dòm, 33 tuổi, quê tỉnh Tây Ninh, trú ở huyện Củ Chi) cất giữ và Tâm bỏ trốn.

Ngày 1/2, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và quyết định truy nã Phạm Thanh Tâm về tội “chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Đến ngày 3/2, Tâm đã ra đầu thú. Ngoài ra, trong quá trình điều tra phát hiện Lê Quốc Minh (còn gọi là Si Đa, 27 tuổi, trú tại huyện Củ Chi, em họ Tuấn “khỉ”) có mặt cùng thời điểm Tuấn mang súng AK đến sòng bạc gây án. Sau đó, Minh đã đến cơ quan công an trình diện.

Công an TP HCM đã khởi tố bị can, lệnh tạm giam hàng chục người liên quan có hàng vi tiếp sức hoặc che giấu cho Tuấn “khỉ” bỏ trốn.

2. Trùm giang hồ đột lốt doanh nhân Đường “nhuệ” xộ khám

Việc Công an tỉnh Thái Bình tiến hành khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “nhuệ”- chủ Công ty bất động sản Đường Dương) và vợ là Nguyễn Thị Dương không có gì là lạ đối với người dân Thái Bình. Bởi lẽ, người dân nơi đây biết rõ, đây là một trùm xã hội đen đội lốt doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực bất động sản. Thực tế, Đường “nhuệ” cầm đầu băng nhóm vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, đòi nợ thuê, dùng thủ đoạn “bẩn” thâu tóm đất vàng…từng là nỗi khiếp sợ của bao người dân Thái Bình.

Sự việc bắt đầu từ việc, sáng 30/3/2020 vợ chồng Đường “nhuệ” gửi 1 bộ hồ sơ từ TP Thái Bình lên Hà Nội qua nhà xe của Công ty TNHH dịch vụ vận tải Phúc Cường. Do người vận chuyển và người nhận không thống nhất được địa điểm giao hàng nên xảy ra mâu thuẫn và giao nhận hàng muộn.

Sau đó, Đường “nhuệ” đã gọi điện yêu cầu phụ xe là anh Trịnh Ngọc Anh (nhân viên công ty Phúc Cường) đến gặp. Khi anh Ngọc Anh đến nhà Đường “nhuệ” thì Đường “nhuệ” và vợ là Nguyễn Thị Dương cùng một số đàn em đã đánh gây thương tích 14% đối với anh Ngọc Anh.

Vợ chồng Đường “nhuệ”.

Ngày 7/4/2020, Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố vụ án cố ý gây thương tích. Sau đó, vợ chồng Đường “nhuệ” và các đàn em lần lượt bị khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam để điều tra về tội “cố ý gây thương tích”.

Liên quan đến vợ chồng Đường “nhuệ”, ngày 14/4/2020, Công an TP Thái Bình đã ra Quyết định phục hồi điều tra vụ án số 01, hủy Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự số 10/QĐ ngày 5/7/2015 của Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đối với vụ án hình sự “cố ý gây thương tích” xảy ra ngày 18/11/2014, tại trụ sở Công an phường Trần Lãm, để tiến hành điều tra. Đến ngày 21/4/2020, Công an TP Thái Bình ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Xuân Đường để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội “cố ý gây thương tích”.

Mở rộng điều tra vụ án Đường “nhuệ”, ngày 16/4/2020, Công an tỉnh Thái Bình đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với Phạm Văn Hiệp là Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thuộc Sở Tư pháp Thái Bình; Vũ Gia Thành là Đấu giá viên Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình; Trịnh Thị Minh Thúy là Trưởng phòng của Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên (Sở TNMT tỉnh Thái Bình); Hà Văn Dũng, là nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên (Sở TNMT tỉnh Thái Bình).

Tiếp đó, ngày 9/6/2020, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “cố ý gây thương tích” có liên quan đến Đường “nhuệ”. Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao kiểm tra, xác minh một số vụ việc có dấu hiệu của tội “không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội”, xảy ra tại một số cơ quan tiến hành tố tụng thuộc tỉnh Thái Bình. Kết quả kiểm tra xác minh ban đầu xác định từ năm 2018, băng nhóm Đường “nhuệ” gây thương tích cho anh Trần Ngọc Hoàng (lái xe khách) nhưng không bị xử lý hình sự.

3. Bác kháng nghị, giữ nguyên án tử hình Hồ Duy Hải

Sau nhiều ngày xét xử, chiều 8/5/2020, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã công bố phán quyết giám đốc thẩm đối với vụ án Hồ Duy Hải (35 tuổi, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, kéo dài hơn 10 năm trải qua 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, được dư luận quan tâm. Hội đồng Thẩm phán cho rằng ở những thời điểm quan trọng, Hồ Duy Hải luôn nhận tội. Lời nhận tội của bị cáo đã được các cơ quan tiến hành tố tụng từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm và các đoàn liên ngành thẩm định, đánh giá.

Hồ Duy Hải.
Hồ Duy Hải.

Toà án cấp sơ thẩm, phúc thẩm kết án Hải về tội “cướp tài sản” và tội “giết người” là có căn cứ, không oan. Dù quá trình điều tra, xét xử có một số thiếu sót nhưng việc này không làm thay đổi bản chất vụ án. Do vậy không cần thiết phải huỷ các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại theo Kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện KSND tối cao.

Cũng theo Hội đồng Thẩm phán, sau khi xét xử phúc thẩm, Hải không có đơn đề nghị xem xét giảm bản án hình sự phúc thẩm theo trình tự giám đốc thẩm, chỉ có đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm hình phạt tử hình.

Trong khi quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực pháp luật, Viện trưởng Viện KSND tối cao lại có quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm là vi phạm pháp luật tố tụng hình sự, không đúng thẩm quyền, không đúng với nội dung thông báo của Văn phòng Chủ tịch nước tại công văn trước đó là bảo đảm đúng quy định của pháp luật…

Vì các lẽ trên, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao không chấp nhận Kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao, giữ nguyên bản án đã có hiệu lực pháp luật từ 8/4/2009.

Tuy nhiên sau đó, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện KSND tối cao, khẳng định các nội dung kháng nghị của Viện KSND tối cao là đúng thẩm quyền và không sai luật. Ông Trí khẳng định trong quá trình xem xét vụ việc thì có nhiều chứng cứ chưa rõ, cần phải làm rõ.

Theo bản án phúc thẩm, Hải thường đến Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa) đặt mua báo nên quen chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, là nhân viên bưu điện. Tối 13/1/2008, Hải đến nơi làm việc của chị Hồng chơi, cùng trực đêm đó với chị Hồng có chị Vân (21 tuổi, em họ chị Hồng).

Tại đây, Hải nảy sinh ý định quan hệ tình dục với chị Hồng nên đưa tiền cho chị Vân đi mua trái cây. Khi chỉ còn hai người, Hải kéo chị Hồng vào phòng ngủ nhưng bị chị chống cự. Vì thế Hải bóp cổ chị Hồng, lấy con dao và thớt gỗ ở gần đó sát hại chị. Sợ sự việc bị bại lộ nên Hải giết luôn chị Vân khi chị này đi mua trái cây về. Gây án xong, Hải lấy 1,4 triệu đồng, điện thoại, 40 sim điện thoại của bưu điện và một số nữ trang của hai nạn nhân. Mấy hôm sau, Hải mang điện thoại, nữ trang đến TP Hồ Chí Minh bán được 3,7 triệu đồng.

4. Kháng cáo kêu oan bất thành, nhảy lầu tự tử ngay tại trụ sở tòa án

Sự việc ngày 29/5/2020, ông Lương Hữu Phước (52 tuổi, trú tại TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) sau khi kháng cáo kêu oan bất thành và bị TAND tỉnh Bình Phước tuyên y án sơ thẩm đã nhảy lầu tự tự từ tầng 2 của Tòa án khiến dư luận sửng sốt.

Theo diễn biến vụ việc, trưa 15/1/2017, sau khi uống rượu ở nhà ông Phạm Văn Tuấn (TP Đồng Xoài), ông Lương Hữu Phước đi về nhà. Khoảng 13h cùng ngày, ông Trần Hữu Quý gọi điện thoại cho ông Phước quay lại nhà ông Tuấn để đổi dép do ông Phước đi nhầm dép người khác. Ông Phước quay lại nhà ông Tuấn thì ông Quý rủ đi hát karaoke.

Ông Phước chở ông Quý đi một đoạn thì thấy ông Quý không đội mũ bảo hiểm nên chở về nhà ông Quý để lấy mũ bảo hiểm. Khi đến gần trước nhà ông Quý, ông Phước dừng xe bên lề đường bên phải để ông Quý sang đường vào nhà lấy mũ bảo hiểm nhưng ông Quý không chịu xuống xe.

Lúc này ông Phước điều khiển xe máy rẽ trái sang đường. Khi xe ông Phước tới phần đường dành cho xe đi ngược chiều thì bị xe máy do ông Lâm Tươi điều khiển lưu thông bên phải đụng vào gây tai nạn. Hậu quả là ông Phước và ông Quý bị thương, được đưa đi cấp cứu, sau đó ông Quý qua đời.

Công an TP Đồng Xoài đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Phước để điều tra về hành vi “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Ngày 29/3/2018, TAND thị xã Đồng Xoài xử sơ thẩm tuyên phạt ông Phước 3 năm tù về tội danh trên.

Sau đó, ông Phước kháng cáo kêu oan. Ngày 9/10/2018, TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án để điều tra lại. Đến tháng 12/2019, TAND TP Đồng Xoài xử sơ thẩm lần hai vẫn phạt ông Phước mức án như trên. Ông Phước tiếp tục kháng cáo kêu oan.

Đến sáng 29/5/2020, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên xét xử phúc thẩm và tuyên bác kháng cáo kêu oan của ông Phước, y án sơ thẩm 3 năm tù. Uất ức vì sự việc, đến chiều cùng ngày ông Phước đã đến TAND tỉnh Bình Phước để nhảy lầu tự tử và tử vong tại chỗ.

Sau khi xem xét vụ việc, nhận thấy vụ án có nhiều điểm “mờ” chưa được làm rõ nên Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM đã ký quyết định kháng nghị đối với bản án hình sự phúc thẩm vụ án ông Lương Hữu Phước.

Theo đó, kháng nghị đề nghị Uỷ ban thẩm phán TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng huỷ toàn bộ hai bản án sơ, phúc thẩm để điều tra xét xử lại vụ tai nạn giao thông mà ông Phước là bị cáo. Vì trên cơ sở kết luận điều tra vụ án chưa đầy đủ, hai cấp toà sơ và phúc đã xét xử và đưa ra quyết định chưa đủ căn cứ.

Theo kháng nghị, do vụ án có tính chất phức tạp, cần thiết phải giao hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra lại.

5. Các bị cáo trong vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình lĩnh án

Ngày 21/5/2020, sau 6 ngày xét xử, TAND tỉnh Hòa Bình đã tuyên án đối với 15 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình.

Theo đó, bị cáo Nguyễn Quang Vinh (nguyên Trưởng phòng Khảo thí Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình) bị tuyên phạt 8 năm tù; bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy) lĩnh 10 năm tù về tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Bị cáo Khương Ngọc Chất (nguyên Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hòa Bình) bị phạt 6 năm tù…Các bị cáo khác cũng lần lượt nhận các mức án thích đáng với hành vi phạm tội của mình.

Trước đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, vì vụ lợi, động cơ cá nhân, các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, lợi dụng mối quan hệ đồng nghiệp, quan hệ cá nhân để cấu kết, can thiệp nâng điểm bài thi cho các thí sinh tham gia Kỳ thi THPT quốc gia 2017 và 2018, tạo điều kiện để các thí sinh xét tốt nghiệp THPT và xét trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Đã có 65 thí sinh dự thi năm 2018 và một thí sinh dự thi năm 2017 đã được nâng điểm thi để xét tốt nghiệp THPT quốc gia và dự tuyển vào các trường đại học.

Trong đó, có 45 thí sinh trúng tuyển đã bị buộc thôi học; 10 thí sinh đang theo học vì kết quả chấm thẩm định vẫn đủ điểm xét tuyển; 6 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học; 1 thí sinh xét nhưng không trúng tuyển; 3 thí sinh không xét tuyển.

6. Nhận hối lộ, cựu Trưởng Công an TP Thanh Hóa lĩnh án

Ngày 12/5/2020, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Chí Phương (59 tuổi)- cựu Trưởng Công an TP Thanh Hóa mức án 24 tháng tù về tội “nhận hối lộ”. Tại phiên xét xử, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Thanh Hóa, ngày 18/7/2018, Đỗ Đức Hiếu, cán bộ Đội cảnh sát trật tự Công an TP Thanh Hóa, lấy trộm xe máy của đồng nghiệp để tại cơ quan. Ngày 19/7/2018, sau khi làm việc với Đại tá Nguyễn Chí Phương (khi đó là Trưởng Công an TP Thanh Hóa) và đội điều tra tổng hợp, Hiếu thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Sau đó, Hiếu 3 lần gặp gỡ và đưa cho ông Phương tổng số tiền 260 triệu đồng để bỏ qua các sai phạm, không bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, ông Phương vẫn làm thủ tục đề nghị xử lý kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân và khởi tố, đề nghị truy tố đối với Hiếu.

Khi thấy sắp bị đưa ra xét xử, Hiếu đến nhà đòi tiền nhưng ông Phương chỉ trả lại 150 triệu đồng. Không đồng ý, Hiếu không nhận tiền rồi về làm đơn tố cáo ông Phương.

Ngày 22/11/2018, Tòa án nhân dân TP Thanh Hóa xử phạt bị cáo Đỗ Đức Hiếu 9 tháng cải tạo không giam giữ về tội “trộm cắp tài sản”. Sau đó, Hiếu nộp đơn kèm theo file ghi âm đến cơ quan bảo vệ pháp luật và báo chí tố cáo ông Phương.

Ngày 25/1/2019, Bộ trưởng Bộ Công an ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Đại tá Nguyễn Chí Phương.

Sau đó, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Phương về tội “nhận hối lộ”, nhưng ông Phương đột nhiên bị đột qụy, phải nhập viện nên cơ quan điều tra không thể thực lệnh bắt giam cho đến khi hầu tòa sáng 8/5/2020.

7. Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến lĩnh 4 năm tù

Ngày 21/5/2020, Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hiến (cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) 4 năm tù về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngoài ra, bị cáo Hiến còn chịu hình phạt bổ sung, cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý trong các cơ quan, tổ chức trong thời hạn 3 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”), cựu Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng (BQP), chủ tịch HĐQT -Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn BQP bị tuyên phạt 20 năm tù và phạt bổ sung 80 triệu đồng.

Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”).
Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”).

Cả hai bị cáo trên bị xét xử do liên quan đến sai phạm tại 3 khu “đất vàng” (số 2, số 7-9, số 9-11) do Quân chủng Hải quân quản lý tại đường Tôn Đức Thắng (Quận 1, TP HCM).

Trong vụ án này, 5 bị cáo là cán bộ, lãnh đạo của Quân chủng Hải quân và Công ty Hải Thành đã chuyển đổi 3 khu đất quốc phòng ở đường Tôn Đức Thắng (TP HCM) có diện tích hơn 6.700 m2 sang đất kinh tế trong 49 năm không đúng quy định của pháp luật, sai chỉ đạo của Bộ trưởng BQP.

HĐXX cho rằng, bị cáo Nguyễn Văn Hiến có vai trò cao nhất trong quản lý đất đai thuộc Quân chủng Hải quân nhưng không làm hết nhiệm vụ. Thiếu kiểm tra, đôn đốc cán bộ cấp dưới thuộc quyền. Thiếu kiểm tra tính hợp pháp nên đã ký văn bản do cấp dưới trình, quyết định việc đưa 3 khu đất trên vào làm kinh tế sai quy định.

HĐXX nhận định, bị cáo Hiến cũng không kiểm tra việc thực hiện ý kiến của Bộ trưởng BQP về không góp vốn kinh doanh bằng quyền sử dụng đất. Ông Hiến có lập đoàn tổng kiểm tra các dự án kinh tế gồm 3 khu đất nói trên nhưng không chỉ đạo hoàn thiện thủ tục pháp lý, hoặc cho dừng thực hiện các dự án vi phạm.

Theo HĐXX, “hành vi của bị cáo khiến Quân chủng Hải quân mất quyền sử dụng 3 khu đất trong thời gian dài, gây thất thoát hơn 939 tỷ đồng tiền sử dụng đất, thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi của bị cáo gây dư luận xấu, ảnh hưởng tới hình ảnh cán bộ cấp cao của Hải quân, nên phải xử lý nghiêm”.

Đối với nhóm bị cáo phạm tội vi phạm quy định về quản lý đất đai, HĐXX nhận định: Những bị cáo này là cán bộ cao cấp quân đội, được đào tạo cơ bản, có đủ năng lực hành vi điều chỉnh hành vi của mình, ứng xử xã hội.

Quá trình thực hiện chủ trương cho dùng đất chưa phục vụ nhu cầu quân sự sang làm kinh tế, các bị cáo đã tham mưu cho cấp trên thực hiện sai quy định của Luật Đất đai, đề nghị cho thuê đất trái phép bằng hình thức liên doanh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, dẫn đến quyền quản lý về đất đai của nhà nước bị xâm phạm.

Trong vụ án này, bị cáo Đinh Ngọc Hệ không nhận tội, kêu oan nhưng HĐXX xác định lời khai của bị cáo Phạm Văn Diệt, Vũ Thị Hoan và nhiều nhân chứng, tài liệu xác định Đinh Ngọc Hệ là người thành lập và chỉ đạo mọi hoạt động của Công ty Yên Khánh.

Năm 2006, bị cáo Hệ biết Quân chủng Hải quân có chủ trương chuyển mục đích sử dụng một số khu đất tại TP HCM sang làm kinh tế nên chỉ đạo Hoan ký tờ trình đề nghị hợp tác đầu tư kinh doanh tại khu đất số 7-9 đường Tôn Đức Thắng (TP HCM).

Nội dung tờ trình phản ánh gian dối về năng lực tài chính, nguồn nhân lực và các dự án mà Công ty Yên Khánh đã, đang thực hiện. Sau khi ký được hợp đồng, bị cáo Hệ chỉ đạo Phạm Văn Diệt và Vũ Thị Hoan phối hợp với Công ty Hải Thành làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất số 7-9 từ đất quốc phòng sang làm kinh tế.

Sau đó, Hệ chỉ đạo Phạm Văn Diệt mang đất đi thế chấp tại Ngân hàng BIDV cho các công ty liên quan của mình vay 717 tỷ đồng, hiện còn dư nợ hơn 500 tỉ đồng. Vì vậy, HĐXX xác định các bị cáo Hệ, Diệt, Hoan đã gian dối nhằm chiếm đoạt khu đất số 7-9 của Quân chủng Hải quân có giá trị tại thời điểm năm 2010 là hơn 525 tỷ đồng.

Đức Sơn (tổng hợp)