Nhà báo, nhà văn Thạch Lam với hai căn nhà kỷ niệm
Hai ngôi nhà ấy, một là ở ga xép Cẩm Giàng (Hải Dương) một ở làng Yên Phụ (Hà Nội), từng được gọi là nhà cây liễu ven hồ. Hai căn nhà đã gắn bó bao kỷ niệm với nhà báo, nhà văn Thạch Lam (1910-1942) cây bút nổi tiếng trong nhóm văn chương Tự Lực văn đoàn, những năm 30-40 của thế kỷ XX.
Ngôi nhà bên ga xép
Là con thứ sáu của ông thông phán Nguyễn Tường Nhu và bà Lê Thị Sâm, Thạch Lam mồ côi cha từ khi 8 tuổi. Người mẹ goá bụa tần tảo gánh vác cơ nghiệp họ Nguyễn Tường trong hoàn cảnh đông con, quẫn bách. Thạch Lam chủ yếu sống bằng tình thương của người mẹ và các anh chị trong phố huyện, có ga xép Cẩm Giàng.
Lúc nhỏ tên là Sáu, đi học lấy tên khai sinh Nguyễn Tường Vinh. 15 tuổi tốt nghiệp bậc Tiểu học (Primaire). Muốn thi nhảy cấp, Nguyễn Tường Vinh bảo mẹ nói khéo với ông lý trưởng cho đổi tên Nguyễn Tường Lân và khai tăng tuổi. Qua ban thành chung, đỗ bằng Cao đẳng tiểu học, rồi vào trường Albert Saraut học. Đỗ tú tài phần nhất, ông đi làm báo với các anh ruột, lấy bút danh Thạch Lam…
Những năm các anh trai đi học ở Hà Nội, Thạch Lam ở nhà với mẹ nơi phố huyện Cẩm Giàng. Đấy là một cái ga xép, nhưng hội tụ khá nhiều số phận con người: Một cô hàng xén từ trẻ đến già, ngày nọ dệt ngày kia, như tấm vải thô. Một đứa trẻ suốt mùa đông giá lạnh không tấm áo vải che thân.
Hoặc một cô gái bán thân; bác kéo xe, con sen, vú già và những người lầm than quanh quẩn bên chiếc ga xép, lọt thỏm trong vùng quê mờ nhạt. Hình ảnh ga xép Cẩm Giàng còn in đậm cảnh hai chị em Liên thức khuya chờ tàu Hà Nội về, để bán ấm trà hay khúc mía kiếm tiền.
Con tàu dửng dưng đi qua, để lại phía sau ngọn đèn chị Tý chiếu sáng một vùng đất nhỏ, cứ lung linh đón đợi niềm tin. Những con người ấy, ám ảnh Thạch Lam, để sau này khi ra làm báo Phong Hoá, Ngày Nay của nhóm văn chương Tự Lực văn đoàn đã hóa thân vào các nhân vật trong truyện ngắn của ông...
Một lần chuyến tàu đêm vào ga, xỉ than bắn ra làm cháy nhà dãy phố, thế là Sở Hoả xa đuổi các gia đình phải dời ra xa đường tàu.
Bà mẹ Thạch Lam lại phải về nhờ trên đất nhà mẹ đẻ. Cụ quản Thuật thương tình cho con gái làm nhà trên đất nhà mình.
Các anh lớn trưởng thành đi làm báo, đi dạy học, đời sống gia đình đỡ vất vả hơn. Mẹ Thạch Lam mua đất làm nhà giữa cánh đồng cách xa phố huyện gần một nghìn mét.
Ngôi nhà gỗ ba gian, cột vuông, lợp rạ, xung quanh hiên rộng trồng cây xanh. Trần nhà lát nứa dập thẳng. Mái lợp dày xén rất đẹp, quanh nhà có lan can gỗ. Cửa quay bốn hướng, trong kính ngoài chớp. Phía đông trước cửa là một chiếc ao hình vuông thả cá, trên bờ trồng nhiều loại hoa thơm.
Từ một cái nhà giữa cánh đồng, được các con giúp thêm, với đức cần kiệm toan lo của bà Nhu, nơi này trở thành một cái trại khá đẹp, nằm sát đường tàu. Khách ngồi trên toa xe lửa Hà Nội - Hải Phòng qua đây cũng có thể nhìn rõ. Cũng từ trại này thành nơi sinh hoạt văn chương của các văn nghệ sĩ nhóm Tự Lực văn đoàn. Nó đã đi vào lịch sử văn học nước nhà…
Nhà cây liễu ven Hồ Tây
Làm báo Phong Hóa với các anh ở phố Quán Thánh, Hà Nội, khoảng năm 1935 khi đã 25 tuổi, Thạch Lam lấy vợ. Đó là một người phụ nữ đẹp, lớn hơn chồng vài ba tuổi. Chị ruột là Nguyễn Thị Thế bấy giờ sinh con đầu lòng, mới để lại ngôi nhà ở làng Yên Phụ ven Hồ Tây cho Thạch Lam.
Từ đây Thạch Lam có nhà riêng.
Nhiều người cùng thời vẫn gọi ngôi nhà Thạch Lam là “nhà cây liễu”. Vì trong sân sát hồ có cây liễu lớn, do Thạch Lam trồng khi mới đến ở. Phong cảnh ở đây thật hữu tình. Đường từ ngoài vào làng Yên Phụ lót bằng gạch đỏ, đi trên đường chỗ nào cũng nhìn thấy nước hồ. Đi sâu vào trong làng rất đẹp, hai bên là những hàng rào trồng bằng cây duối, được cắt thật bằng phẳng. Khi tới mùa quả duối chín vàng trông xa như những sợi tơ tằm óng ánh, ăn thì thật thơm và ngọt. Phần đông người dân làng Yên Phụ sống bằng nghề trồng hoa: Thược dược vàng, tím, đỏ tía, cúc vạn thọ, đại đóa vàng, lay ơn trắng hồng, huệ trắng thơm ngào ngạt…
Ngôi nhà Thạch Lam thật lý tưởng.
Một cái sân nho nhỏ, ba phía móng nhà suốt đêm ngày ì oạp sóng nước Hồ Tây. Ngôi nhà đơn sơ nhưng sáng sủa, ngăn nắp, sạch sẽ, bày một bộ bàn ghế bằng mây, trên đặt vài cái bát da lươn uống chè xanh. Trên tường thấp thoáng mấy bức tranh tĩnh vật. Yên Phụ thời ấy là một làng ngoại ô êm đềm và thơ mộng. Mùa xuân về, cả làng bừng lên sức sống bởi các loài cẩm chướng, phù dung, lan huệ và đặc biệt hoa đào phô bầy sung mãn. Nhà Thạch Lam lợp rạ, vách gỗ nhưng ông rất tự hào tìm thấy nguồn vui từ hoàn cảnh thực của mình.
Thạch Lam thích ăn hoa quả: Na, dưa gang, dưa hồng thơm ngon. Thạch Lam nhiều lần nói với bạn bè rằng: “Con người ở trong nhà lá, nằm trên giường tre, ăn được rau quả mà cảm thấy ngon, lòng thấy mát, mình thấy êm mới là sống nghệ thuật. Khi nơi ở có linh hồn thì chẳng cần gì cao sang…’’.
Chẳng thế mà nhà thơ Huyền Kiêu ngày ấy có bài thơ về ngôi nhà:
Tây hồ có danh sĩ
Nhà thì ở nhà tranh
Cửa trúc cài phên gió
Trước thềm bóng liễu xanh…
Nhà cây liễu ven hồ Tây đã là nơi gửi gắm nhiều kỷ niệm của nhà văn nhà báo Thạch Lam... Ngoài mấy anh em ruột như Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo), người thân thiết như Khái Hưng, còn có Trần Tiêu, Song Kim -Thế Lữ, Huyền Kiêu, Nguyễn Xuân Sanh, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Tuân… Khi thì bên khay trà, khi thì quanh bàn tổ tôm hay bên mâm rượu. Thạch Lam nghèo một phần vì sách bán ế, nhưng không vì thế mà người vợ hiền thục kém mặn mà với khách của chồng. Những bữa rượu cứ tiếp diễn, và bao giờ Thạch Lam cũng mời mọc thịnh tình cho đến lúc các thực khách say mềm, có khi “sinh sự” với nhau trong âm thanh hỗn độn. Những khi ấy Thạch Lam vẫn chỉ điềm nhiên nâng chén, không nói lớn, càng mỉm cười, có khi như khuyến khích bạn bè cứ việc hết mình. Bạn văn chương bảo nhà cây liễu là ngôi nhà lịch sử. Bởi nó chứng kiến vui buồn của những văn nghệ sĩ trong khoảnh khắc giao thời.
Theo bà Nguyễn Tường Nhung- con gái đầu của Thạch Lam kể, nhà văn Thạch Lam dáng cao, da trắng hồng, hay mặc bộ vét màu kem nhạt, đội mũ phớt, đi giày Tây. Quần áo là thẳng tắp, và rất quý sách. Ông có một tủ sách bìa mạ chữ vàng được xếp rất ngăn nắp. Ông rất yêu quý thiên nhiên, hoa cỏ. Cũng vì thời gian đó làm việc quá sức, một mình ông phải trông coi nhà in, xuất bản báo, viết bài, viết truyện… nên nhuốm bệnh lao phổi , không có thuốc đặc trị, ông cứ yếu dần. Những ngày cuối đời, Thạch Lam vẫn tỏ ra nuối tiếc nét đẹp tự nhiên. Ông bảo chị gái đỡ mình ngồi cao lên để nhìn cho rõ cây liễu ven hồ. Có lúc lại phàn nàn rằng có ai đã phạt một cành rủ sát mặt nước làm giảm đi vẻ đẹp thiên nhiên vốn có.
Thạch Lam mất ngày 27/6/1942 (Nhâm Ngọ) tại ngôi nhà cây liễu. Lo hậu sự cho con xong, bà Thông Nhu đưa con dâu và cháu nội về Cẩm Giàng ở với bà.
Cũng không mấy ai biết rằng đầu mùa xuân năm ấy, ngày mồng Ba, Tết Nhâm Ngọ, Thạch Lam còn tiếp bạn văn chương, như Thế Lữ, Song Kim, Khái Hưng, Trần Tiêu, Huyền Kiêu, Đinh Hùng… từ Hà Nội về thăm nhà, cùng nhau uống rượu Đào lê mỹ tửu. Đấy là lần cuối cùng ông về quê Cẩm Giàng…
Ngôi nhà bên ga xép Cẩm Giàng nơi cất giấu ký ức tuổi thơ, cũng là nơi chớm nảy mầm văn chương. Ngôi nhà cây liễu ven hồ làng Yên Phụ, ghi dấu trổ mầm xanh tài năng văn học. Hai ngôi nhà trên hai vùng đất địa linh ấy, chung đúc nên một tên tuổi Thạch Lam. Và Thạch Lam làm cho những tên đất, tên làng bước vào văn học sử.