Cùng một chữ mê
Họ không phải là nhà báo, phóng viên nhưng lại luôn xuất hiện trên mặt báo, khiến nhiều độc giả nhớ tên và hâm mộ. Đó là các họa sĩ vẽ minh họa cho các chuyên mục sáng tác như truyện ngắn, bút ký, thơ… Với họ, vẽ minh họa cho các tờ báo vừa là cái duyên, vừa là cái nghiệp.
1. Có thể nói, đóng góp vào sự thành công của nhiều tờ báo có duy trì các trang mục văn nghệ bên cạnh những nhà văn, nhà thơ, tác giả tên tuổi với những tác phẩm được viết bằng chữ ấn tượng còn có sự đóng góp đắc lực của các họa sĩ vẽ minh họa. Ngày trước, các họa sĩ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm cùng nhiều tên tuổi khác đã để lại dấu ấn của mình qua các trang báo. Giờ lật lại những trang báo của những thập niên trước, thấy vai trò của minh họa là rất rõ nét.
Tiếp nối truyền thống ấy, ngày nay nhiều tờ báo in vẫn duy trì các chuyên mục sáng tác, đặc biệt những tờ báo, tạp chí văn chương như Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công an… Dù báo chí nay đã có nhiều thay đổi, song các tòa soạn và độc giả vẫn cảm thấy thú vị khi được đọc những truyện ngắn, bài thơ với sự tham gia vẽ minh họa của các họa sĩ.
Giới họa sĩ ngày nay đông đảo, với nhiều trường phái và sự sáng tạo khác nhau, song họa sĩ vẽ minh họa cho báo chí không nhiều. Có thể kể tới các họa sĩ như: Thành Chương, Lương Xuân Đoàn, Đặng Tiến, Ngô Xuân Khôi, Phạm Hà Hải, Nguyễn Thị Hiền, Hoàng Phượng Vỹ, Đỗ Dũng, Vũ Đình Tuấn, Tô Chiêm…
Trong đó, họa sĩ Thành Chương là người để lại dấu ấn khá sâu đậm trong nghề vẽ minh họa báo chí. Thời còn công tác ở báo Văn nghệ, họa sĩ Thành Chương quan niệm mỗi số báo là một cuộc triển lãm. Từ quan niệm ấy cộng với thái độ làm nghề nghiêm túc, những minh họa của Thành Chương đã để lại ấn tượng cho bạn đọc, đồng thời được bạn văn gần xa rất ngưỡng mộ. Nhiều người đã xin bản gốc những bức minh họa của Thành Chương để đóng khung treo như một tác phẩm hội họa, một kỷ vật lưu niệm quý giá.
Một cái tên khác xuất hiện khá đều đặn trên bào chí văn nghệ ở trung ương và địa phương đó là họa sĩ Đặng Tiến. Ông nói rằng đã theo nghề vẽ minh họa cho báo chí đến nay là 36 năm. Số lượng minh họa đến nay không nhớ hết, không đếm xuể.
Trẻ hơn Thành Chương và Đặng Tiến, họa sĩ Phạm Hà Hải thuộc thế hệ 7X. Tuy nhiên, anh đã có 15 năm theo đuổi nghiệp vẽ minh họa cho các báo, tạp chí. Họa sĩ nhớ lại lần đầu tiên anh vẽ minh họa là cho tờ Văn nghệ do họa sĩ Thành Chương mời, khi ấy anh sắp nghỉ hưu (năm 2005).
Cũng khởi đầu từ cái nôi Văn nghệ còn có họa sĩ Ngô Xuân Khôi - một người đã vẽ minh họa cho các tòa soạn hơn 20 năm nay. Ông bắt đầu cộng tác với tờ báo văn chương uy tín này từ cuối thập niên 1990, khi ấy nhà văn Hữu Nhuận còn làm Thư ký tòa soạn.
2. Nghề chính của các họa sĩ là sáng tác các tác phẩm mỹ thuật độc lập, bằng phong cách hội họa khác nhau, sử dụng những chất liệu như sơn mài, sơn dầu, acylic… Như họa sĩ Thành Chương là những bức tranh sơn mài khổ lớn, họa sĩ Phạm Hà Hải và họa sĩ Đặng Tiến cũng vậy, thường vẽ tranh kích thước lớn. Nhưng khi họ nhận lời vẽ minh họa cho các tác phẩm văn học để in lên báo, tức là họ chấp nhận gò mình, ép mình “vào khuôn khổ”. Không chỉ họ phải đọc tác phẩm, nhiều khi là không đúng “gu” của mình, rồi vẽ minh họa thường là trên giấy, trên bìa, hoặc giấy dó, kích thước nhỏ. Chưa kể, còn phải chịu sự “không chế” về thời gian phải “nộp minh họa”. Tuy nhiên, vượt qua những đòi hỏi mang tính “nghiệp vụ” của nghề báo, nhiều họa sĩ đã cho thấy sự sáng tạo, “vượt khó” để lại dấu ấn riêng, thậm chí lấp lánh tài hoa của mình.
Họa sĩ Phạm Hà Hải thừa nhận anh yêu thích minh họa - trong khi lại rất chán khi thấy rất nhiều tranh hội họa của ta sáng tác với chất lượng minh họa. Mỗi minh họa là một lần tiếp xúc văn bản, là một truyện ngắn, chùm thơ, tản văn hoặc một xã luận... việc này chứa đựng ngôn ngữ đồ họa, nó không thuận cho họa sĩ vẽ xu hướng trừu tượng. Tuy nhiên, những nét và mảng khi vẽ minh họa có những liên hệ trong từng giai đoạn tư duy trong sáng tác. “Nếu bày cả chuỗi 15 năm tôi đã vẽ minh họa sẽ nhận ra những chuyển biến ở đó”- anh khẳng định.
Họa sĩ Đặng Tiến cũng không giấu giếm: “Vẽ minh họa nhiều lúc cũng ngại, nhất là đang sáng tác tranh sơn dầu khổ lớn. Tuy nhiên, thường là chỗ bạn bè, đồng nghiệp, nên cũng tạm dừng sáng tác để vẽ minh họa. Nó là cái nghiệp rồi, không dứt ra được”. Theo họa sĩ đất Cảng này, chính sự đam mê từ nhỏ cũng như làm việc nghiêm túc đã giúp ông có nhiều kinh nghiệm và xử lý nhanh được những “đề bài” mà các tòa soạn giao cho.
Nếu họa sĩ Thành Chương coi mỗi số báo là một cuộc triển lãm minh họa, thì họa sĩ Đặng Tiến lại cho rằng, việc vẽ minh họa giúp ông giản lược các chi tiết khi mình làm hội họa, cả việc luyện hình. “Vẽ minh họa cho báo chí cũng giống như đọc một truyện ngắn, có thể chưa vẽ ngay nhưng trong đầu tôi đã hình thành cái bố cục. Nó làm cho đầu mình quen việc suy nghĩ trong sáng tác”- họa sĩ Đặng Tiến chia sẻ.
Với họa sĩ Phạm Hà Hải, việc vẽ minh họa không chiếm nhiều thời gian, bởi anh đọc nhanh và có khi phát hiện ra ngay chi tiết để vẽ. “Tôi không lấy minh họa như phác thảo cho sáng tác vì sáng tác là mạch tư duy riêng của tôi về thiên nhiên phương Đông, về những liên hệ tạo hình và thẩm mỹ cá nhân mình nhưng minh họa đôi lúc chợt cho mình nhận ra những chi tiết biểu cảm, những xúc cảm thẩm mỹ chất liệu mà mình lại nhặt nó ra và triển khai hoàn chỉnh trong sáng tác. Có khi, bạn nghề bảo phát triển nó thành tranh đi hoặc bảo thành tranh rồi còn gì, mình chỉ tâm niệm là minh họa cũng để dành cho công chúng, và như thế luôn cần tận lực, tận tâm mình”- họa sĩ Phạm Hà Hải chia sẻ.
3. Khi đến với công việc vẽ minh họa cho các tòa soạn, các họa sĩ cũng có những quan điểm làm nghề khác nhau. Có người chăm chút, vẽ đi vẽ lại một minh họa bao giờ ưng mới gửi, nhưng cũng có người chỉ vẽ “một nhát ăn ngay” - hay dở gì cũng gửi đi cho kịp.
Họa sĩ Ngô Xuân Khôi thừa nhận, nhiều họa sĩ bản lĩnh và cá tính mạnh họa thường “áp đặt” minh họa, nghĩa là truyện gì, tác giả nào họ cũng vẽ theo lối ấy. “Tôi không làm được vậy. Sau khi đọc truyện tùy theo cảm xúc, tôi để câu chuyện dẫn dắt mách bảo mình lựa chọn cách thể hiện, loại bút, loại giấy, chất liệu màu cũng giúp nhiều trong việc tạo diện mạo khác nhau của các bức vẽ, hiệu quả trong thể hiện cảm xúc. Có những số báo mình được đặt vẽ 3 minh họa tôi luôn cố gắng thể hiện bằng 3 bút pháp khác nhau để không tạo sự nhàm chán, đơn điệu của minh họa”, họa sĩ Ngô Xuân Khôi chia sẻ “bí quyết” nghề nghiệp.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền cho rằng, khi đã nhận vẽ minh họa cho một bài thơ, một bài báo hay một truyện ngắn thì minh họa phải toát lên được ý tứ nội dung của tác phẩm mà mình minh họa, và tất nhiên là phải đẹp. “Tôi thấy bây giờ việc sử dụng minh họa đôi lúc chưa thật đúng với nội dung, nhìn vào chỉ là một bức tranh mà mầu sắc hình khối có thể đẹp, nhưng hình thức chẳng liên quan gì đến nội dung bài viết, chỉ là một bức tranh sắp xếp vào cho đẹp, chứ nói đó là minh họa thì chưa đủ. Minh họa ngoài phải đẹp ra, còn phải toát lên đồng điệu với nội dung của bài viết mới gọi đúng là minh họa”- họa sĩ Nguyễn Thị Hiền nêu nhận xét.
Trong khi đó, họa sĩ Phạm Hà Hải đưa ra quan niệm, “minh họa đẹp là đồng hành với văn bản bằng đôi cánh tạo hình”. Họa sĩ cũng tiết lộ, khi minh họa anh rất tôn trọng văn bản nên luôn đọc kỹ và tư duy tạo hình cho nó. Thường thì vẽ là được ngay nhưng cũng có một số lần không ưng, một số lần anh phải vẽ bức thứ hai, thứ ba mới ưng. Ban đầu họa sĩ Phạm Hà Hải không đặt vấn đề minh họa là mảng lớn gì trong sự nghiệp mà đơn giản là thích, đến bây giờ vẫn thích, có cơ hội xin làm mà được làm là vui lắm, thậm chí không để ý nhuận bút từ minh họa, không có cũng vẫn vui. Anh muốn vẽ cho mọi người xem, cho bạn đọc thấy nghĩ gì khi tiếp xúc văn bản ấy.
Còn họa sĩ Ngô Xuân Khôi thì cho rằng, minh họa đôi khi là sự nối dài của truyện, nghĩa là không chỉ vẽ những gì được tả kể trong truyện mà nó là chắp nối sự liên tưởng, gợi mở những thông điệp mà câu chuyện muốn chuyển tải.
“Minh họa báo chí là một yếu tố quan trọng trong cấp độ đọc đầu tiên, thu hút sự chú ý tức thì của độc giả. Một hình minh họa tốt sẽ “giữ chân” độc giả và dẫn dụ họ đến với truyện, với câu chữ. Không chỉ là thông tin thông thường, minh họa còn có thể tạo ra một mối liên hệ đặc biệt, mối liên hệ cảm xúc, giữa tác giả với họa sĩ, giữa tác giả với độc giả, giữa tờ báo với bạn đọc", họa sĩ Ngô Xuân Khôi nhấn mạnh.