Cái khó khi học 2 buổi/ngày
Để đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới vào năm học 2020-2021, ngành giáo dục các địa phương đang gấp rút mọi công việc nhằm thực hiện chương trình một cách hiệu quả. Trong đó, việc rà soát hiện trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.
Tuy nhiên, đây là một thách thức lớn với nhiều địa phương khi số phòng học chưa đáp ứng đủ yêu cầu, giáo viên chưa đáp ứng được về số lượng.
Đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh, ở cấp tiểu học, tỉ lệ phòng học trung bình toàn TP là 0,9 (0,9 lớp/phòng học). Để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì tỉ lệ phòng học phải đạt 1,0 (1 lớp/1 phòng học). Với yêu cầu này, nhiều trường chưa đủ số phòng học. Hiện một số quận, huyện có tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày rất thấp.
Giải pháp đối với những lớp học quá tải ở các khu vực đông dân cư là dồn lớp hoặc học luân phiên. Như chia sẻ của ông Khưu Mạnh Hùng-Trưởng phòng GDĐT quận 12, TP HCM, có thể xem xét thực hiện theo 2 phương án, nơi nào đủ khả năng sẽ tổ chức học 2 buổi/ngày, có thể nâng sĩ số lên 45 hoặc 50 HS/lớp; nơi nào không đủ phòng tổ chức được 2 buổi/ngày, cũng không thể nâng sĩ số có thể tổ chức học 6 buổi/tuần, tức học cả thứ Bảy.
Tương tự, tại Hà Nội, nhiều trường cũng đang tổ chức học luân phiên do không đủ phòng học dù sĩ số lớp đã gần 50 em. Tuy nhiên, đây mới là giải pháp trước mắt còn về lâu dài, cần quy hoạch xây mới thêm trường học ở những khu vực đông dân để đảm bảo sĩ số lớp học được giảm tải, HS tiếp thu bài tốt hơn do được sự hướng dẫn, quan tâm tập trung hơn của giáo viên.
Khó khăn trong tổ chức dạy học 2 buổi/ngày còn gặp tại nhiều vùng nông thôn vùng sâu, khoảng cách đến trường xa và khó khăn. Chưa kể nhiều địa phương đang hướng đến việc sáp nhập các trường tiểu học với THCS nhằm tinh giản biên chế.
Trong khi trường, lớp học ở một số địa phương chưa đáp ứng đủ nhu cầu của HS thì tại nhiều tỉnh thành, đặc biệt là tại các địa bàn miền núi, vùng điều kiện kinh tế khó khăn, tỷ lệ phòng học kiên cố còn thấp, số phòng học tạm vẫn còn nhiều.
Thống kê của Bộ GDĐT năm học này cho thấy, trong tổng số hơn 584.000 phòng của các cơ sở giáo dục công lập, chỉ có gần 75% là phòng học kiên cố, vẫn còn hơn 19% phòng học bán kiên cố và hơn 5% phòng học nhờ, phòng học tạm.
Trong đó, một số tỉnh có tỷ lệ phòng học kiên cố ở mức rất thấp là: Hà Giang 53,2%; Tuyên Quang 51,1%; Cao Bằng 51,2%; Đắk Nông 54,7%; Bình Phước 52,5%...