Phóng viên 'hóa trang' tiếp cận hiện trường vụ thảm án ám ảnh nhất Nghệ An
Khi vụ thảm án bản Phồng xảy ra, nhờ “hóa trang” thành công an viên, Lữ Phú là phóng viên đầu tiên tiếp cận được hiện trường và có những thông tin cập nhật về quá trình phá án.
Kỷ niệm tác nghiệp thì nhiều không kể hết nhưng lần tác nghiệp ở bản Phồng (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Nghệ An) vẫn ám ảnh Phú cho đến tận bây giờ.
Dù không phải là địa bàn tác nghiệp của mình nhưng bản năng nghề nghiệp, Phú nóng lòng tiếp cận hiện trường; tuy nhiên đành phải nán lại qua đêm ở trung tâm xã bởi thời điểm bấy giờ chưa xác định được hung thủ, nhiều bất trắc vẫn đang rình rập người dân.
Sáng hôm sau, dù đang trong thời gian vào mùa làm cỏ rẫy của bà con nhưng không ai dám vào rừng. Họ thì thầm với nhau về những thông tin chắp nối từ ai đó với nỗi hoang mang, sợ hãi tột độ. Gần 7h, ông Viêng Văn Ngọ, nguyên Trưởng công an xã Tam Hợp, từ hiện trường vụ án về trung tâm xã để đón đoàn công tác của Công an huyện và đội pháp y Công an tỉnh vào khám nghiệm hiện trường. Vì có thân quen với ông Ngọ nên Phú đặt vấn đề xin đi cùng đoàn vào hiện trường vụ án.
“Tôi nhanh chân đứng vào hàng ngũ của đoàn. Để tránh bị phát hiện, tôi giấu máy ảnh vào ba lô. Khi đang đứng chờ xuất phát thì Thượng tá Trần Phúc Tú (thời điểm đó là Phó Trưởng Công an huyện, phụ trách dẫn đoàn vào hiện trường) tiến đến, chỉ vào tôi hỏi “anh này làm gì?”.
Tôi đang ngơ ngác chưa biết trả lời thế nào thì Thượng tá Tú hỏi tiếp “công an viên phải không?”. Như mở cờ trong bụng, tôi đáp “dạ”. Thượng tá Tú phân công tôi ôm két nước lọc vào cho đoàn. Chỉ chờ có thế, tôi nhanh chóng nhét hết số chai nước vào ba lô, khoác lên vai. Để tránh bị để ý, tôi cố tình xuất phát sau cùng”, PV Lữ Phú kể.
“Gặp tổ bảo vệ hiện trường gồm lực lượng công an, biên phòng, cán bộ xã, tôi nhanh chóng mang nước ra mời họ, hỏi thăm họ có vất vả không và giới thiệu mình là người vận chuyển nước cho đoàn công an tỉnh. Khi câu chuyện đã cởi mở hơn, tôi ngỏ ý nhờ họ dẫn đến khu vực hiện trường vụ án. Có lẽ tôi nhập vai khá sâu nên họ không nghi ngờ, một người dẫn đường cho tôi.
Dù đã chuẩn bị tâm lý trước nhưng hình ảnh tại hiện trường vẫn khiến tôi ớn lạnh sống lưng bởi kẻ sát nhân đã ra tay quá tàn ác. Tôi phải chạy đua với thời gian bởi chỉ một lát nữa thôi, khi đoàn công tác công an tỉnh vào sẽ không có cơ hội để tác nghiệp. Thời gian hạn hẹp nhưng tôi phải lựa chọn góc đứng để có thể bao quát được không gian, lấy được hình ảnh mà không làm xáo trộn hiện trường, ảnh hưởng đến công tác điều tra”, Lữ Đình Phú cho hay.
Trong khoảng thời gian 15 phút, Phú thu thập được thông tin, hình ảnh cần thiết và nhanh chóng rút khỏi hiện trường, di chuyển ra trung tâm xã. Tháng 7, trời nắng như đổ lửa, cuốc bộ đường rừng, mồm miệng thi nhau thở, cổ họng đắng nghét vì khát.
Gần trưa, Phú ra đến trung tâm xã Tam Hợp và quyết định chạy xe máy về thị trấn ngay để kịp chuyển thông tin, hình ảnh đến cơ quan báo chí. Đó là những thông tin, hình ảnh đầu tiên tại hiện trường chuyển tải tới độc giả… Những hình ảnh này sau đó được nhiều cơ quan báo chí khai thác lại.
Vụ thảm sát chấn động huyện miền núi này dần bị lãng quên nhưng nó vẫn ám ảnh Lữ Đình Phú và cho Phú nhiều kinh nghiệm, bài học quý giá trong việc tiếp cận, khai thác thông tin.
7 năm gắn bó với chiếc máy quay, Phú vẫn đang là PV hợp đồng với mức lương ít ỏi. Để có thể trang trải cho cuộc sống và chăm lo cho gia đình nhỏ, Phú vẫn miệt mài, xông xáo đi và viết, cộng tác với các cơ quan báo chí khác.
Được viết, được đi sâu vào sự kiện, được gắn bó với hơi thở của đời sống đồng bào vùng cao, với Phú đó là vinh dự của người làm báo.