Một kỳ họp đặc biệt
Chiều 19/6, tại Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội (Hà Nội), Quốc hội khóa XIV đã bế mạc kỳ họp thứ 9 (hai đợt họp: trực tuyến và tập trung).
Tổng thời gian làm việc của cả 2 đợt họp là 19 ngày, ngắn hơn so với các kỳ họp trước nhưng vẫn hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình kỳ họp với nhiều nội dung; trong đó có những nội dung cấp bách, quan trọng trong bối cảnh cả nước đang quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, được các vị đại biểu Quốc hội, dư luận và cử tri đánh giá cao.
Đây là kỳ họp Quốc hội rất đặc biệt khi đất nước đã phải trải qua những tháng ngày căng thẳng và quyết liệt phòng, chống đại dịch Covid-19; phải thực hiện giãn cách xã hội một thời gian dài. Và tới nay, khi dịch Covid-19 về cơ bản đã được Việt Nam kiểm soát thì nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội lại đã và đang được đặt ra một cách cấp bách.
Thời gian họp không dài (ngắn hơn so với các kỳ họp trước), nhưng tại kỳ họp này Quốc hội đã xem xét, thảo luận một cách kỹ lưỡng và thông qua 10 Luật, 21 Nghị quyết, cho ý kiến 6 Dự án luật khác.
Đây là những Luật, Nghị quyết quan trọng liên quan đến các lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, tổ chức bộ máy, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều..., tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; đồng thời, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục hậu quả dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Với tỷ lệ tán thành rất cao, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định EVFTA, Hiệp định EVIPA và gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Quốc hội cũng đã quyết định thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch, phê chuẩn các Phó Chủ tịch và các thành viên của Hội đồng Bầu cử quốc gia. Việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia sớm hơn so với nhiệm kỳ trước tạo điều kiện để chuẩn bị tốt cho công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Quốc hội cũng đã quyết định kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; quyết định điều chỉnh chủ trương về phương thức đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội, Đà Nẵng; thảo luận Dự án Luật Cư trú sửa đổi trong đó quan trọng nhất là việc Chính phủ đề xuất bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong quản lý dân cư. Thay vào đó, việc quản lý sẽ được thực hiện bằng mã số định danh cá nhân cập nhật trên cơ sở dữ liệu…
Trong ngày cuối cùng của kỳ họp, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là quyết sách đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, thể hiện mạnh mẽ quan điểm “miền núi tiến kịp miền xuôi,” tạo cơ hội mới để vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, phát triển toàn diện, bền vững. Trước đó, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã phê duyệt Đề án này.
Đáng chú ý, tại kỳ họp này, Quốc hội không tiến hành chất vấn trực tiếp tại Hội trường, nhưng các vị đại biểu Quốc hội vẫn tích cực thực hiện chất vấn bằng văn bản gửi đến các thành viên Chính phủ, các vị trưởng ngành về những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm. Quyền chất vấn của đại biểu vẫn được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn trong điều kiện Chính phủ đang tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế.
Chiều 19/6, phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Một lần nữa, Quốc hội biểu dương các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, cùng tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau của mọi tầng lớp nhân dân; đánh giá cao sự cố gắng, quyết tâm của các cấp, các ngành, các địa phương, sự hỗ trợ, ủng hộ kịp thời của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã tạo nguồn lực to lớn, góp phần vào thành công phòng, chống đại dịch”. Theo Chủ tịch Quốc hội, mặc dù các hoạt động kinh tế - xã hội từng bước được khôi phục trở lại, các vấn đề an sinh xã hội đang tích cực được giải quyết, nhưng chúng ta vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trước những nguy cơ tiềm ẩn, cùng với diễn biến dịch bệnh và tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới vẫn hết sức phức tạp, khó lường.
Cử tri và nhân dân cả nước phấn khởi và tin tưởng vào những vấn đề lớn của đất nước được Quốc hội bàn thảo, quyết định. Đồng thời cũng rất phấn khởi nhận thấy kể cả những việc rất cụ thể thu hút sự chú ý của dư luận cũng được các vị đại biểu Quốc hội, Quốc hội quan tâm. Sự thành công của một kỳ họp đặc biệt đã lan tỏa niềm tin trong toàn xã hội, cho dù phía trước còn nhiều khó khăn thách thức khi cả nước thực hiện “nhiệm vụ kép” chưa có tiền lệ nhưng chắc chắn sẽ thành công.