Công khai để dân biết, dân tin
Gần đây, những “điểm mờ” từ các vụ án tử tù Hồ Duy Hải, vụ nhảy lầu tự tử ở Bình Phước, lùi xe trên cao tốc… khiến dư luận xã hội băn khoăn, hoài nghi.
Trao đổi với ĐĐK, ông Nguyễn Bá Sơn, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, cần đánh giá lại việc thực hiện Nghị quyết 96 của Quốc hội về tố tụng hình sự để đúc kết các vấn đề cần chấn chỉnh trong hoạt động của các cơ quan tư pháp.
PV:Thưa ông, thời gian qua người dân có những hoài nghi về tính đúng đắn trong các vụ án, gần đây nhất là vụ án Hồ Duy Hải. Vậy theo ông, trước những vấn đề trên Quốc hội cần có động thái như thế nào?
Ông Nguyễn Bá Sơn: Trước hết, chúng ta cần xem xét xem những thắc mắc về oan sai có căn cứ hay không. Nếu có căn cứ thì cần đề nghị cơ quan chức năng có kháng nghị theo quy định của pháp luật; cần thiết phải xem xét lại toàn bộ quá trình vụ án từ đầu. Oan sai ở ta không nhiều, nhưng mỗi lần xảy ra oan sai lại làm cho người dân lo ngại. Tôi cho rằng, với một nền tư pháp mạnh thì tất cả những vụ việc đó phải được xem xét một cách đầy đủ.
Trong vụ Hồ Duy Hải đã có kiến nghị của 3 ĐBQH, cá nhân ông và đoàn ĐBQH Đà Nẵng cũng đề nghị xem xét lại. Ủy ban Tư pháp cũng đã họp về vấn đề này, thưa ông?
- Quốc hội có giao cho cơ quan chuyên môn của mình nghiên cứu hồ sơ các vụ án để xem xét, báo cáo Quốc hội cho ý kiến. Chúng ta phải chờ kết quả xem xét, và chờ xem Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến như thế nào. Tôi tin những vấn đề này Quốc hội sẽ làm một cách minh bạch.
Việc để xảy ra oan sai thì nước nào cũng có. Ở ta dù tỷ lệ rất ít nhưng lại để lại những hậu quả nghiêm trọng. Liệu đó có phải là những sai sót không đáng có, thưa ông?
- Văn hóa của Việt Nam là một nền văn hóa lâu đời. Nền tảng dựa trên truyền thống thương người và người dân rất công bằng. Có những điểm làm cho người dân băn khoăn, đáng lẽ ra cần có sự phản hồi ý kiến tích cực và minh bạch. Tất cả các phản hồi phải dựa trên căn cứ pháp luật. Vì anh là cơ quan bảo vệ pháp luật thì tất cả những phản hồi của anh phải dựa trên cơ sở pháp luật, chứ không phải bằng nhận định không rõ ràng. Bất cứ nhận định nào đưa ra, giải thích không dựa trên cơ sở pháp luật sẽ làm cho người dân băn khoăn, làm tâm trạng của người dân có những xáo trộn.
Từ khóa XIII, Quốc hội đã giám sát về tình hình oan sai, theo ông đến nay vấn đề này liệu có giảm?
- Việc giám sát được thực hiện theo Nghị quyết 96 của nhiệm kỳ trước. Qua theo dõi thấy rằng, ở những cấp tố tụng khác nhau thì ở đâu đó, ở những mức độ khác nhau vẫn có oan sai. Chắc có lẽ, chúng ta cần phải quan tâm đầu tư, chấn chỉnh những việc đó để không còn sai sót không đáng có, làm cho người dân xao động về mặt tinh thần.
Trong các vụ án oan sai, chưa đề cập đến vấn đề tiêu cực mà phải chăng do năng lực trình độ của cán bộ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử còn nhiều yếu kém, thưa ông?
- Tôi không cho rằng trong tất cả các vụ oan sai đều có vấn đề tiêu cực dẫn đến cố ý làm sai. Các sai sót phần nhiều xảy ra ở cấp cơ sở, nhưng nói thế không phải cấp cao không có sai sót. Đó là do vấn đề thời gian phá án, trong khi điều kiện cụ thể ở từng hoàn cảnh về năng lực chuyên môn có mang thái độ chủ quan của điều tra viên, người tham gia tiến hành tố tụng. Từ đó dẫn đến những vi phạm.
Tất cả đều phải được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Vì bản chất của tố tụng hình sự chỉ thực hiện một nhiệm vụ duy nhất, đó là chứng minh hành vi của con người cụ thể có phạm tội hay không phạm tội? Tất cả những cái đó phải được chứng minh một cách lô gíc trên cơ sở nguyên lý, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả xảy ra. Toàn bộ tố tụng chỉ làm một việc là thực hiện nhiệm vụ chứng minh chứ không làm gì khác.
Để làm được việc đó, tố tụng hình sự đưa ra các nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt, và những nguyên tắc đó được đưa vào từng chương của những nhóm, giai đoạn hoạt động khác nhau của các cơ quan tiến hành tố tụng khác nhau. Nó trở thành một mắt xích lô gíc từ đầu đến cuối để đi đến kết luận cuối cùng rằng với hành vi vi phạm đó, con người đó có liên quan gì đến nhau hay không để đi đến kết luận một người nào đó đã phạm vào một tội đã được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Trong chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020 không có chương trình giám sát về vấn đề oan sai. Nhưng trước tình hình oan sai, ông có nghĩ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có một cuộc giám sát chuyên đề về vấn đề oan sai để tái đánh giá lại?
- Mặc dù chương trình giám sát năm 2020 không có, nhưng tôi nghĩ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quan tâm về vấn đề này. Tới đây sẽ là kỳ họp cuối cùng của khóa XIV để tổng kết. Nhưng hoạt động của Quốc hội là liên tục chứ không phải là hết nhiệm kỳ. Tôi nghĩ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cân nhắc để thiết kế vào chương trình. Có thể cuối nhiệm kỳ này, hoặc đầu nhiệm kỳ sau sẽ đặt lại vấn đề, “soi” lại xem việc thực hiện Nghị quyết 96 về tố tụng hình sự để đánh giá lại việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội đến đâu? Kết quả thế nào? Từ đó, đúc kết ra vấn đề cần chấn chỉnh trong hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Để hạn chế oan sai, cá nhân ông cho rằng cần phải quan tâm đến nhóm giải pháp nào?
- Trước hết là tính tuân thủ, nó không phụ thuộc vào các điều kiện khác. Đặc biệt là sự chủ quan duy ý chí của cán bộ tư pháp. Bản chất pháp luật là trong sáng. Nó bị “đứt gãy” trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ là do con người. Như vậy, việc chấn chỉnh của ta là làm sao để tất cả các cán bộ tư pháp đặt tính tuân thủ lên hàng đầu. Thay vì điều tra nôn nóng, chạy theo chỉ tiêu, phải đặt tính tuân thủ lên hàng đầu. Lúc đó kết quả sẽ có cơ sở vững chắc và bớt đi lo âu, phiền toái của cử tri, nhân dân.
Thứ hai khi kết quả điều tra có ý kiến nhiều chiều phải được trả lời một cách công khai, minh bạch cho người dân hiểu. Vốn dĩ người dân rất công bằng, không ai chấp nhận một kẻ phạm tội. Nhưng nếu giải thích không thấu đáo, để lại cái gì còn “lợn cợn” thì người dân có quyền nghi ngờ. Đó là quyền của người dân. Nhân dân rất công bằng, họ không đánh giá tất cả “có vấn đề”, chỉ có “nổi cộm” lên thì mới đặt câu hỏi.
Trân trọng cảm ơn ông!