Chuyển PPP sang vốn ngân sách: Có tăng áp lực nợ công?
Theo chuyên gia, khi các dự án lớn của các bộ ngành đua nhau chuyển đổi phương thức đầu tư, thì buộc nhà nước càng phải đi vay nhiều.
Ba dự án thành phần Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã chính thức được Quốc hội phê chuẩn chuyển đổi từ phương thức đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công. Nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra lo lắng về áp lực nợ công sẽ tăng cao khó kiểm soát.
Tăng gánh nặng nợ công
Lý do chuyển đổi phương thức đầu tư 3 dự án đã được chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, do 3 dự án có tỷ lệ vốn nhà nước tham gia ít, cần huy động số vốn ngoài ngân sách lớn, nhất là vốn tín dụng, vì vậy việc lựa chọn được nhà đầu tư có thể gặp khó khăn. Việc chuyển đổi dự án thành phần này sang phương thức đầu tư công sẽ bảo đảm khả năng thành công cao hơn cho các dự án thành phần.
Trước đó, Bộ GTVT cũng cho rằng, việc chuyển đổi sang đầu tư công với dự án PPP sẽ giải được 2 bài toán khó là vốn và nhà đầu tư. Trên thực tế, sau vòng sơ tuyển, các dự án PPP đã không lựa chọn được nhiều nhà đầu tư. Ngay cả khi đấu thầu thành công, nguy cơ dự án bể tiến độ vẫn hoàn toàn có thể xảy ra, do nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn tín dụng từ ngân hàng
Bỏ qua những phân tích về tính cần thiết phải chuyển đổi phương thức đầu tư, cũng như nguồn vốn cần bổ sung cho dự án, trong bài viết này chúng tôi chỉ muốn đề cập đến gánh nặng ngân sách khi chuyển đổi phương thức đầu tư từ PPP sang vốn ngân sách.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, khi chuyển hình thức đầu tư như vậy sẽ tăng gánh nặng lên đầu tư công và gây ra những hệ lụy khác. Trong tình hình ngân sách hiện nay, với mức chi thường xuyên rất cao và chi trả nợ khá lớn, sẽ phải trông chờ nhiều vào trái phiếu chính phủ. Và khi huy động trái phiếu sẽ phải tính tới việc trả lãi và tăng thêm gánh nặng nợ công vốn đã nặng ở nước ta.
Báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 25/5/2020, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành gần 58,82 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch năm 2020 để chi trả nợ trái phiếu đến hạn và để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội (9.090 tỷ đồng), với kỳ hạn bình quân 15,38 năm, lãi suất bình quân 3,06%/năm (bình quân năm 2019 là 3,01%/năm.
Theo bà Phạm Chi Lan, khi chuyển đổi dự án, cũng cần tính “chi phí cơ hội” khi số tiền này có thể dùng vào những việc khác, hứa hẹn lợi ích kinh tế- xã hội rộng lớn hoặc thiết thực hơn. Chưa kể, khi các dự án được chuyển đổi phương thức đầu tư cũng mở ra tiền lệ xấu cho các dự án khác. Bởi dự án A chuyển đổi được, tại sao dự án B lại không chuyển đổi được. Chưa kể đầu tư công lâu nay có quá nhiều vấn đề, trong đó khâu kiểm soát còn nhiều lỗ hổng.
Thực tế từ nhiều năm nay cho thấy, hầu hết dự án đầu tư công đều đội vốn lên khá cao so với những tính toán ban đầu. Ban đầu thường là dự trù, xin dự án có lượng vốn vừa phải, nhưng khi thực hiện nảy sinh hàng loạt lý do dẫn đến tăng vốn.
Áp lực huy động vốn lớn
Có thể nói, nợ công vẫn luôn ám ảnh Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cân đối ngân sách còn khó khăn. Khi các dự án “đua nhau” chuyển đổi phương thức đầu tư, áp lực huy động vốn cho đầu tư phát triển là rất lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững. Và cuối cùng chi phí vay vốn nước ngoài có xu hướng tăng do Việt Nam đã trở thành quốc gia thu nhập trung bình.
Nếu so sánh, tỷ lệ nợ công Việt Nam trên GDP cao hơn nhiều so với mức bình quân của các nước đang phát triển và các nước trong khu vực. Chưa kể tỷ lệ nợ công Việt Nam đang tăng nhanh, mức tăng trung bình trong 5 năm qua là 18,4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính cho biết, tổng chi NSNN tháng 5 ước đạt 130,3 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 5 tháng đạt 603,4 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 122,24 nghìn tỷ đồng, bằng 26% dự toán. Tuy có khá hơn về tiến độ so với năm 2019, song vẫn ở mức thấp so với yêu cầu; chi trả nợ lãi đạt 49 nghìn tỷ đồng, bằng 41,5% dự toán; chi thường xuyên đạt 428,7 nghìn tỷ đồng, bằng 40,6% dự toán.
Giới chuyên gia phân tích, khi nhìn vào cân đối thu chi ngân sách, tình trạng thâm hụt ngân sách nhà nước vẫn ở mức cao, nhu cầu đầu tư từ nguồn vốn vay công cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế ngày càng gia tăng là nguyên nhân chính dẫn đến nợ công tăng nhanh, dần tiến sát ngưỡng an toàn.
Khi các dự án lớn của các bộ ngành đua nhau chuyển đổi phương thức đầu tư, thì buộc nhà nước càng phải đi vay nhiều. Nghĩa vụ trả nợ của ngân sách đang ngày càng tăng làm gia tăng áp lực trả nợ trong thời gian tới.
Đáng nói hơn, Việt Nam đang trong giai đoạn tốt nghiệp vốn vay ưu đãi, các nguồn tài trợ vốn giá rẻ đã không còn nhiều, mà phải vay vốn ưu đãi với lãi suất cạnh tranh.
Chưa kể, nhiều khoản vay trong nước cơ bản sẽ đến hạn trong năm 2020-2021. Một số khoản vay ODA, kể cả có lãi và không lãi cũng đến hạn phải trả nợ gốc vào năm 2020... Như vậy, chỉ tiêu chi phí-rủi ro danh mục nợ Chính phủ, đặc biệt là nợ nước ngoài, có xu hướng kém thuận lợi hơn.