Tín dụng đen lộng hành

Lê Anh Đức 22/06/2020 09:45

Sau đại dịch Covid-19, nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cùng quẫn do bị mất việc làm, cuộc sống vất vưởng. Lợi dụng điều đó, các ổ nhóm hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi với giá cắt cổ đã tìm mọi cách tiếp cận, dụ dỗ họ sập bẫy.

Cần tiền để mưu sinh, nhiều người đã thân bại danh liệt, nhiều gia đình tan nhà nát cửa, điêu đứng, khổ khổ vì trót vay của các đường dây tín dụng đen này.

Biếm họa của Choai.

Tín dụng đen trá hình

Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã chính thức vào cuộc điều tra Công ty TNHH Cashwagon, về hành vi cho vay nặng lãi qua app. Trước đó, ngày 2/6, Cảnh sát hình sự quận 1 phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC02, Công an TP HCM) đã tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty Cashwagon, thu giữ nhiều CPU, máy tính để bàn, laptop và tài liệu có liên quan đến việc cho vay nặng lãi, đe dọa, khủng bố khách hàng. Cơ quan CSĐT Công an TP HCM kêu gọi những ai là nạn nhân vay tiền qua app hãy tới cơ quan công an cung cấp thêm các bằng chứng về hành vi hoạt động tín dụng đen của Công ty Cashwagon.

Nhằm trốn tránh pháp luật khi “cắt cổ” khách hàng với mức lãi 500-800%/năm, Công ty Cashwagon núp dưới hình thức “thu phí” chứ không phải là lãi suất. Song, theo nhiều luật sư, hình thức cho vay thu “phí” cao của Công ty Cashwagon chính là hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi trá hình. Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẳng định: Hiện, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về hoạt động cho vay qua app (P2P lending), đồng thời cảnh báo mô hình này tiềm ẩn nhiều rủi ro về thông tin, rủi ro phòng chống rửa tiền, rủi ro an ninh mạng... có thể tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội. Theo đó, việc Công ty Cashwagon hoạt động như một tổ chức tài chính cho vay qua app với lãi suất rất cao là hành vi vi phạm pháp luật.

Đáng nói, không chỉ có Công ty Cashwagon cho vay nặng lãi qua app, mà nhiều đường dây hoạt động tín dụng đen cũng núp bóng các công ty, tổ chức tư vấn tài chính để lừa những người túng quẫn sập bẫy. Nhan nhản các loại app như “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online”... luôn có sẵn trên mạng để mời gọi những người cần tiền ngay vào vay với lãi suất cắt cổ lên tới trên 1.000%/năm.

Dù bị pháp luật cấm nhưng các app cho vay nặng lãi vẫn mọc lên như nấm sau mưa rào và hàng nghìn nạn nhân đã bị sập bẫy các đường dây tín dụng đen đến nhà tan cửa nát, thân bại danh liệt. Lực lượng công an các địa phương cũng đã cố gắng đấu tranh triệt phá, nhưng xem ra cứ “chặt một đầu” thì hoạt động tín dụng đen lại mọc thêm hàng trăm đầu khác.

Vay tiền chỉ cần click

Trung tuần tháng tư, Công an TP HCM cũng đã triệt phá một đường dây cho vay nặng lãi qua app với lãi suất 1.095%/năm, với hơn 60.000 nạn nhân đã bị “sập bẫy”. Không cần nói thì ai cũng biết, hàng nghìn “con nợ” của các app tín dụng đen hầu hết là những người nghèo, đã phải lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, hết đường “gỡ”. Và tất nhiên, những người vay tiền của các đường dây tín dụng đen thông qua app đều là những trường hợp không thể tiếp cận các khoản vay ngân hàng, cũng như các tổ chức tín dụng nên đành nhắm mắt đưa chân tìm đến tín dụng đen.

Đang cơn “khát” tiền bỗng được vay nhanh mà chẳng cần thủ tục lằng nhằng, cũng không mất thời gian, chỉ cần click vào app và “trong vài nốt nhạc” đã có tiền trong tài khoản nên nhiều người nhanh chóng sa bẫy các đường dây cho vay nặng lãi.

Cũng không thể nói các nạn nhân ngu muội vì chui đầu vào thòng lòng của các ổ nhóm hoạt động tín dụng đen đã giăng ra sẵn. Bởi lẽ, trong cơn nguy cấp, được chào mời vay app tín dụng với thể thức nhanh, gọn, dễ dàng như gặp một cái phao giữa biển nên dù nguy hiểm hay an toàn thì cứ bám vào đã rồi tính tiếp. Đó chính là điểm yếu cố hữu của những người khốn khó mà các đường dây hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi lợi dụng nhắm vào để dụ dỗ “con mồi”. Dù biết bị “cắt cổ” với lãi suất hàng nghìn phần trăm, nhiều người vẫn nhắm mắt làm liều tới đâu hay tới đó, miễn là giải quyết được món nợ trước mắt.

Việc các đối tượng hoạt động tín dụng đen núp bóng công ty tài chính, thông qua các app cũng đã được báo chí, dư luận xã hội bàn nhiều, nhưng vì sao vẫn nhiều người lao vào dù biết nguy hiểm như thiêu thân lao vào lửa? Đơn giản là họ không còn cách nào để giải quyết việc cần ngay trong thời điểm đó. Tình cảnh của những người thành thị vướng vào app tín dụng đen không khác gì người nông dân nghèo vướng vào tín dụng đen ở quê. Khi cần ngay một khoản tiền để đóng tiền điện, tiền nước, học phí cho con, thậm chí là để chữa bệnh... nhưng không thể xoay đâu được tiền, trong khi đó chỉ cần vài cú click chuột là đã giải quyết ngay được nhu cầu thì làm sao có thể không mắc bẫy các đường dây tín dụng đen đây?

Dù chấp nhận vay app với lãi suất cao hàng nghìn phần trăm, nhưng ít ai ngờ họ sẽ bị bêu riếu đến thân bại danh liệt, mất hết uy tín, thể diện với bạn bè và người thân, thậm chí gia đình ly tán, tha hương cầu thực nếu họ chậm trả, hoặc mất khả năng chi trả khoản vay. Đến hẹn mà không thể trả nợ cho các đối tượng cho vay nặng lãi, nạn nhân chỉ có hai lựa chọn: Một là xin gia hạn với mức lãi suất cao hơn, lún sâu hơn vào con đường cùng quẫn không lối thoát. Hai là sẽ bị nhân viên các đường dây tín dụng đen chửi bới, đe dọa, bêu riếu với người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Không ít những kẻ cho vay nặng lãi sẵn sàng đưa hình ảnh cá nhân, gia đình của người vay tiền lên các trang mạng xã hội như facebook, zalo... để hạ nhục khiến “con nợ” quá sợ buộc phải xoay tiền trả nợ.

Vì đâu nên nỗi?

Nhiều người ác khẩu cho rằng, biết các app cho vay nặng lãi với giá cắt cổ sao còn cố chui vào tròng còn kêu ai? Nói như vậy hoàn toàn thiếu nhân đạo, nếu không muốn nói là có phần hơi ác tâm. Bởi lẽ, hầu hết những người bị sập bẫy tín dụng đen đều là những người nông dân, công nhân, nhân viên văn phòng nghèo khổ, họ không thể xoay được tiền để giải quyết nhu cầu trước mắt nên buộc phải nhắm mắt đưa chân.

Có người thu nhập hàng tháng chỉ đủ chi tiêu tằn tiện, bỗng dưng con cái, cha/mẹ, vợ/chồng... ốm đau cần phải chữa trị với khoản tiền lớn, họ biết xoay xở ở đâu? Tất nhiên là họ không thể vay ngân hàng hay quỹ tín dụng, bởi họ chẳng có tài sản gì đáng giá để mà thế chấp, cũng không được ai, tổ chức nào bảo lãnh. Vậy thì lấy đâu ra tiền ngoài việc “tự nguyện” chui đầu vào thòng lọng mà các đường dây tín dụng đen đã giăng ra?

Đương nhiên cũng không thể trách các ngân hàng, quỹ tín dụng được, bởi các tổ chức này cũng có những quy định nghiêm ngặt trong việc cho vay, để tránh những khoản nợ xấu dẫn tới mất thanh khoản. Song, ngay cả khi có thể được ngân hàng, quỹ tín dụng cho vay thông qua các tổ chức như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ... thì cũng phải mất rất nhiều thời gian để xem xét thủ tục, phê duyệt qua nhiều cấp mới có thể nhận tiền. Vậy người ốm đau cần mổ gấp, đóng viện phí mới được nhập viện... thì liệu có đợi được đến lúc nhận tiền của ngân hàng, quỹ tín dụng hay không?

Trong khi đó, các đường dây tín dụng đen lại không đòi hỏi bất cứ thủ tục gì ngoài việc click vào app, khai báo số điện thoại, CMND là có thể vay được tiền với nhiều hạn mức khác nhau. Một số nạn nhân của các đường dây tín dụng đen đôi khi còn coi các đối tượng cho vay nặng lãi là “ân nhân” vì đã kịp thời cho vay tiền để cứu sống người thân của họ.

Một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng trong việc các tổ chức cho vay nặng lãi vẫn có thể tồn tại và siết cổ người nghèo, đó là việc hành lang pháp lý còn có những kẽ hở, lỗ hổng, chưa kể đến việc lực lượng thực thi công vụ chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nói như vậy là hoàn toàn có cơ sở, bởi trên khắp cả nước có rất nhiều ổ nhóm cho vay nặng lãi núp bóng dưới nhiều hình thức như công ty tư vấn tài chính, hỗ trợ nhau, thông qua app... nhưng số lượng bị lực lượng công an triệt phá chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.

Có những đường dây cho vay nặng lãi còn manh động đến mức cho nhân viên đến tận nhà “con nợ” ném mắm tôm, bôi bẩn, chửi bới, thậm chí là hành hung để đòi nợ mà vẫn không bị cơ quan chức năng sờ đến. Các app cho vay nặng lãi tràn lan hoạt động công khai trên mạng, nhưng các cơ quan tố tụng đã triệt phá được bao nhiêu vụ, lôi ra điều tra, truy tố, xét xử được bao nhiêu kẻ “hút máu người” ấy? Tất cả những nguyên nhân đó đã hợp thành một môi trường lý tưởng dung dưỡng các đường dây tín dụng đen sinh sôi nảy nở ngày càng nhiều, gây bất ổn cho xã hội.

Lê Anh Đức