Hồng Hà nữ sĩ: Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên

Từ Khôi 22/06/2020 16:05

Trong cánh rừng văn chương trung đại nước ta, không thể không nhắc tới “cây đại thụ” Chinh phụ ngâm khúc của thi bá Đặng Trần Côn (1710-1745) và bản dịch nổi tiếng của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (1705-1748). Cuộc đời truân chuyên, bản dịch bất hủ và những sáng tác khác của Hồng Hà nữ sĩ khiến đời sau còn bùi ngùi.

Dòng dõi nho gia

Tổ tiên 5 đời trước của Đoàn Thị Điểm người làng Giai Phạm, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên là võ quan, lập công lớn nên được ban quốc tính họ Lê. Đến đời thân phụ bà mới đổi lại gốc họ Đoàn thành Đoàn Doãn Nghi (1678-1729). Cụ Đoàn Doãn Nghi đỗ cử nhân, làm quan Điển bạ, hàm bát phẩm. Khi ở Thăng Long, cụ lấy kế thất là con gái của Thái lĩnh bá họ Vũ định cư ở phường Hà Khẩu (phố Hàng Bạc bây giờ) rồi sinh được hai người con là Đoàn Doãn Luân (1700 -1735) và Đoàn Thị Điểm. Từ nhỏ, hai anh em Đoàn Doãn Luân và Đoàn Thị Điểm đã được ông ngoại rèn cặp.

Tuy không đỗ đạt cao nhưng cụ Đoàn Doãn Nghi kết giao rộng. Vì thế nên từ bé Đoàn Thị Điểm đã được tiến sĩ Lê Anh Tuấn (1671-1736) nhận làm con nuôi. Có thể khi đó, tiến sĩ Lê Anh Tuấn đang giữ chức Tả thị lang bộ hộ (tương đương Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Công thương ngày nay).

Làm quan được một thời gian ngắn, cụ Đoàn Doãn Nghi từ quan về dạy học ở làng Lạc Viên (An Dương, Hải Phòng). Năm 1729, cụ Đoàn Doãn Nghi mất, Đoàn Thị Điểm theo gia đình của anh đến làng Vô Ngại huyện Đường Hào (nay là Mỹ Hào, Hưng Yên) dạy học, bốc thuốc.

Từ chối nhập cung

Con đường làm quan của tiến sĩ Lê Anh Tuấn thăng tiến nhanh. Sau khi làm Chánh sứ sang nhà Thanh trở về, cụ được thăng nhiều chức Bồi tụng phủ chúa (tương đương Phó Thủ tướng ngày nay). Tiếp đó lại phong Thượng thư bộ Hình, thượng thư bộ Hộ hàm Thái tử thái bảo. Chính vì thân cận với phủ chúa, nên Thượng thư Lê Anh Tuấn sớm đã muốn đưa Đoàn Thị Điểm tiến cung chúa Trịnh.

Đoàn Thị Điểm từ nhỏ đã nổi tiếng học giỏi và xinh đẹp. Từng có lời ca ngợi Đoàn Thị Điểm: “Dung sắc kiều lệ, cử chỉ đoan trang, lời nói văn hoa, sự làm lễ độ”. Ở cái thời xuân sắc nhất, tiến cung bà có thể vẻ vang dòng họ, với làng xã. Nhưng thật không ngờ, bà lại khước từ. Bà ở lại cùng chị dâu chăm sóc các con của anh trai Đoàn Doãn Luân. Bởi vì lúc đó, Đoàn Doãn Luân sớm bị bệnh mất năm 1736.

Đoàn Doãn Luân cũng nổi tiếng văn tài. Đương thời ông cùng Nguyễn Tông Quai, Ngô Tuấn Cảnh và Nguyễn Bá Lân được xưng tụng là Tràng An tứ hổ, hay Tràng An tứ tài. Chuyện kể: Trong một buổi sáng Đoàn Thị Điểm đang ở cầu ao trang điểm thì anh trai Đoàn Doãn Luân tới vãn cảnh. Đoàn Doãn Luân bèn đọc vế đối thử tài em:

Đối kinh họa mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm
Nghĩa là: Soi gương vẽ mày, một điểm thành hai điểm.
Ở đây điểm vừa là nét vẽ, vừa là cô điểm.
Không ngờ, Đoàn Thị Điểm ứng đối thật mau lẹ:
Biên trì ngoạn nguyệt, chính luân chuyển tác song luân.

Nghĩa là: Bên ao ngắm trăng, một vầng trăng chuyển thành hai vầng trăng.

Không muốn vào cung, nhưng rồi Đoàn Thị Điểm cũng phải vào cung. Chuyện là khi đó ở Sài Trang thuộc Đường Hào có một người con gái được tiến cung. Đoàn Thị Điểm được gọi vào cung làm Giáo thụ. Đến năm 1739, nhân trong nước có loạn, Đoàn Thị Điểm xin từ quan về ở xã Chương Dương (nay thuộc Thường Tín, Hà Nội), mở lớp dạy học.

Má hồng phận bạc

Văn tài, lại có nhan sắc nên Đoàn Thị Điểm được nhiều nhà quyền quý để ý, đánh tiếng mối mai. Tuy vậy, không biết sao Đoàn Thị Điểm lại luôn từ chối. Có nhiều giả thuyết cho rằng những vị khoa bảng, quan lớn triều đình Lê – Trịnh như Hoàng giáp Vũ Diệm, người làng Thổ Vượng (Hà Tĩnh) với các bạn là tiến sĩ Nhữ Đình Toản ở xã Hoạch Trạch (Hải Dương) và tiến sĩ Nguyễn Công Thái ở làng Kim Lũ (Hà Nội) cùng kéo nhau đến nhà bà Điểm. Các vị được bà Điểm tiếp đãi rất lịch sự. Bà cho người bưng khay trầu ra mời, trên khay có đề một bức hoa tiên một câu đối:

Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang

Câu đối chơi chữ thật khó. Theo nghĩa hiểu, câu đối này có hai nghĩa. Một là “Trước sân gió thoảng phất cây cau”. Hai là: “Trước sân cô gái mời chàng rể”. Các vị khoa bảng bất ngờ, lúng túng trước câu đối khó bèn lặng lẽ... rút.

Tương truyền, Đặng Trần Côn – đỗ giải nguyên, được xưng tụng là người đứng đầu trong Tràng An tứ hổ, ít tuổi hơn Đoàn Thị Điểm nhưng cũng bạo dạn gửi tới một bài thơ cầu hôn. Không rõ bài thơ đó như thế nào nhưng bị Đoàn Thị Điểm chối từ, thậm chí còn nói với chúng bạn: “Cái ông Cống Đặng, miệng còn hôi sữa, làm thơ chưa xong mà lại đi nói chuyện vợ chồng”…

Sau, quá tuổi xuân xanh, khi Đoàn Thị Điểm đã 37 tuổi, bà chấp nhận làm kế thất của tiến sĩ Nguyễn Kiều, khi đó 47 tuổi, đang làm Tả thị lang bộ binh (Tương đương Thứ trưởng Bộ Quốc phòng).

Cuộc vui ngắn chẳng tày gang. Nguyễn Kiều nhận mệnh Chánh sứ sang nhà Thanh tuế cống mất 3 năm trời. Năm 1745, Nguyễn Kiều về nước. Được ba năm thì Nguyễn Kiều được bổ đi làm quan ở Nghệ An. Đoàn Thị Điểm theo chồng đi “công tác”. Ai hay, đến Nghệ An, bà bị cảm nặng và mất. Khi đó Đoàn Thị Điểm mới 44 tuổi. Nguyễn Kiều đau đớn làm văn tế, có những câu như:

Đào vừa tươi đã khô
Quế đang thơm đã tàn
Rừng sâu bể rộng nàng hỡi đi đâu
Ngọc nát châu chìm lòng tôi quặn nhớ...
Lối về trên bến
Tạm dựng bàn thờ
Lệ tiễn hai hàng chan chứa
Tình thương một lễ đơn sơ
Hương hồn nàng yên nghỉ
Cổ ấp, tôi hằng mơ…
Bản dịch bất hủ

Tương truyền, Đặng Trần Côn viết Chinh phụ ngâm tại căn hầm dưới bàn thờ tổ. Tại sao như vậy? Nguyên do lúc đó chúa Trịnh Giang lâm bạo bệnh, cấm người dân không được thắp đèn vào buổi tối. Đặng Trần Côn ham học, ham viết nên đào hầm để tránh ánh sáng lọt ra.

Không biết khi viết Chinh phụ ngâm, Đặng Trần Côn có nghĩ tới “nỗi hận tình” với Đoàn Thị Điểm? Hận để rồi thương Đoàn Thị Điểm vò võ đợi chồng đi sứ biền biệt? Chỉ biết nỗi lòng kẻ chinh phụ có chồng đi sứ cũng khác gì đi chiến chinh nơi xa?

Chinh phụ ngâm được viết bằng chữ hán theo thể cổ nhạc phủ. Thời đó, chỉ những nhà nho, tao nhân mặc khách mới thuộc lòng nguyên tác. Khi Ngô Thì Sĩ xem Chinh phụ ngâm đã thốt lên: “Văn thế này thì lão Ngô này chỉ biết bái phục mà thôi”.

Đoàn Thị Điểm đồng cảm với nỗi lòng người chinh phụ hay bấy giờ mới tâm phục tài văn của Đặng Trần Côn? Bà quyết định dịch ra thơ nôm Chinh phụ ngâm theo thể song thất lục bát truyền thống của dân tộc.

Từ bản dịch bất hủ với ngôn ngữ uyển chuyển đến “ma mị” khiến lòng người rung cảm. Ngôn ngữ tiếng Việt ở thời điểm trước khi Nguyễn Du viết Truyện Kiều nửa thế kỷ đã rất đạt tới đỉnh cao ngôn ngữ. Ta đọc đọc những câu dịch xuất thần như:

Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Hoặc:

Hoa giãi nguyệt nguyệt in một tấm,
Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông.
Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng,
Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau.

Từ bản dịch của Đoàn Thị Điểm, sau này những nhà văn trong nhóm Mercure de France đã dịch ra tiếng Pháp, với tên Les Plaintes d’une Chinh phu (1939). Và giáo sư Takeuchi dịch ra tiếng Nhật, với tên Seifu Ginkyoku.

Ngoài bản dịch bất hủ, Hồng Hà nữ sĩ còn để lại cho đời tập truyện Truyền kỳ tân phả, tập thơ Nữ trung tùng phận.

10 điều lo cho nước

Không chỉ là người giỏi thù tạc văn thơ, Đoàn Thị Điểm còn có những dòng tâm trạng thế sự. Điều đó thật dễ hiểu khi bà sống giữa thời loạn lạc vua Lê, chúa Trịnh – Nguyễn phân tranh. Cha và anh mất sớm. Cha nuôi làm quan đại thần trong phủ chúa mà rồi bỗng chốc bị chúa bắt phải chết. Trong tập truyện Truyền kỳ tân phả, Đoàn Thị Điểm có mượn lời của cung nữ Bích Châu mà dâng vua 10 điều rằng: “Một là năng giữ cội gốc của nước, trừ hà bạo thì lòng người yên vui. Hai là giữ nếp cũ, bỏ phiền nhiễu thì kỷ cương không rối. Ba là nén kẻ quyền thần để ngăn ngừa chính sự mọt nát. Bốn là thải bớt kẻ nhũng lạm để trừ tệ đục khoét của dân. Năm là xin cổ động Nho phong, khiến cho lửa bó đuốc cùng mặt trời soi sáng. Sáu là mở đường cho người nói thẳng để cho cửa thành cùng với lời can gián đều mở toang. Bảy là cách kén quân cần chọn người dũng lược hơn là cao lớn. Tám là chọn tướng trước cần người thao lược, sau mới căn cứ vào thế gia. Chín là khí giới quý ở sắc bén không chuộng hình thức. Mười là trận pháp cốt cho chỉnh tề cần chi điệu múa.

10 điều kể trên, rất là thiết thực, phơi bày tấm lòng trung, mong được bề trên xét. Hay tất làm, dở tất bỏ, vua nghĩ đến chăng? Nước được trị, dân được yên, thiếp mong lắm vậy”.

Trong 10 điều lo nghĩ của Đoàn Thị Điểm, đến nay có những điều vẫn còn nguyên giá trị.

Từ Khôi