Bình tĩnh sống, vết thương tinh thần sẽ tự lành
Thời gian qua, sau thời gian hoạt động rất nhiệt thành trên văn đàn, từ sáng tác đến các hoạt động trình diễn, sân thơ… bỗng dưng thấy nhà văn Nguyễn Anh Vũ chìm lắng và có thể nói hoàn toàn biến mất.
Nhiều bạn hữu, đồng nghiệp hỏi thăm nhau về anh, nhưng không ai có thông tin gì. Bất ngờ đầu tháng 6, anh “xuất hiện” trên mạng xã hội với một khuôn mặt đầy sức sống, tinh thần khỏe khoắn cùng một tác phẩm đang ấp ủ.
Nhà văn Nguyễn Anh Vũ chia sẻ, đầu năm 2019, anh quyết định công bố công khai trên Facebook cá nhân nhiều bộ sưu tập ảnh cổ do người phương Tây chụp tại Việt Nam từ cuối thế kỷ 18 đến 19. “Trong đó có bộ ảnh chụp những người phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam rất đọc đáo và có giá trị nghiên cứu. Họ quấn váy, để ngực trần với rất nhiều trang sức đeo cổ và tay rất cầu kỳ lộng lẫy. Ảnh chụp họ lao động, cho con bú, nhảy múa trong lễ hội… rất tuyệt vời”. Và phụ nữ “để ngực trần” như vậy bị “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”, mắc lỗi “khiêu dâm”. Vì vậy nhà văn Nguyễn Anh Vũ bị khóa Facebook cá nhân. Anh đã viết thư gửi khiếu nại kiến nghị nhiều lần nhưng không được. Vì chán cách quản lý của Facebook, anh tính không sử dụng nữa.
Cũng vào khoảng cuối năm 2018, ngay trước thời điểm đó, văn Nguyễn Anh Vũ cũng đã phải đối mặt với vấn đề sức khỏe về thể chất cũng như tinh thần. Trong đó có suy sụp nhất là khi một người bạn lớn, tri kỷ nghệ thuật của anh qua đời, để lại bao dự án sân khấu lớn mà hai người đang hợp tác cùng nhau bị ngừng lại.
“Vậy là bao nhiêu tâm huyết và những tác phẩm đầu tiên của chuỗi dự án nghệ thuật ấy sắp đến ngày thành hiện thực ấy thành ra dang dở cả. Nhưng tôi không tiếc tâm huyết và sức lao động của mình. Tôi tiếc cho anh ấy, tiếc cho sân khấu. Sân khấu Việt Nam đã mất đi một nghệ sĩ tài hoa, một tài năng đạo diễn và diễn xuất lớn đang ở độ chín muồi mà nếu như còn anh, chúng ta sẽ có thêm nhiều tác phẩm đột phá giàu giá trị nghệ thuật. Tiếc và xót lắm. Tôi tự đóng mọi cánh cửa với thế giới”.
Để vượt qua những khó khăn ấy, nhà văn Nguyễn Anh Vũ nói, anh chẳng làm gì cả, theo đúng nghĩa đen. Với anh, “thời gian sẽ làm dịu nhẹ đi mọi điều. Niềm vui, nỗi buồn, giận dữ, yêu thương hay thù hận… đều sẽ vơi đi. Cứ bình tĩnh, bình thường mà sống thôi, vết thương sẽ tự lành chẳng cần thuốc thang. Mất trang Facebook của mình tôi tiếc lắm chứ. Trong 10 năm ấy tôi đi và nghĩ rất nhiều, viết rất nhiều thứ online, tạm gọi là hay ho nhưng lại để chế độ riêng tôi. Do cũng chủ quan lơ là, sau này về tôi lại không lưu thành file văn bản. Tiếc hơn nữa là mất quá nhiều kỷ niệm chan chứa với bạn bè và người đọc của mình”.
“Sau chút ít thời gian không tham gia các mạng xã hội, tôi nhận ra giá trị của sự lặng im. Ta không phải bận mắt, bận tai vào những chuyện không cần thiết nữa. Tôi đã rất bất ngờ khi thấy đời sống mạng của nhiều bậc tiền bối kính trọng trong làng văn nghệ. Hóa ra các bác cả nhà ta khá giống nhau ở nét thích làm “hot Facebooker”. Và còn gì dễ “nóng” trên mạng xã hội hơn việc “phản biện xã hội”. Thế nên đều đặn là hàng ngày các bác ấy “cãi đài, mắng báo, chửi tivi” và nhờ thế tương tác tăng ầm ầm.
Các bạn thân yêu của tôi ơi! Các bạn thử đóng cửa Facebook một thời gian đi! Các bạn sẽ thấy được “vẻ đẹp của sự lặng im”. Nó sẽ làm cho ta mở rộng tâm hồn hơn để cảm nhận được nhiều điều nhỏ bé nhưng thú vị và riêng biệt nhất. Khi mà suy tưởng của ta không phải “hòa chung không khí háo hức…” ta sẽ nhận ra đâu mới là con người thật của mình và mình thực sự muốn sống như thế nào. Nói cho cùng trang mạng cá nhân là lớp son phấn áo quần của đa số chúng ta thôi. Phải không?”
Thời gian giãn cách chống dịch Covid-19 vừa qua, với Nguyễn Anh Vũ, là thời gian nối dài và kết thúc quãng thời gian im lặng của anh:
“Với những người làm việc độc lập như tôi thì không có thời gian nào là thời gian nghỉ ngơi cả. Với một nhà văn thì lúc nào cũng quan sát và nghĩ, mọi lúc mọi nơi. Ngay cả trong giấc ngủ anh ta vẫn quan sát giấc mơ của mình cơ mà. Tôi rất yêu thích Hà Nội trong quãng thời gian giãn cách đó. Rất nhiều chim đã về. Đàn chào mào ở đâu đó về ngày nào cũng véo von trên cây lộc vừng ngoài vườn. Tôi ngồi vãi gạo ra sân cho lũ chim lích rích nhặt quanh mình, cười nhẹ nhõm.
Sáng sớm, tôi đeo khẩu trang chạy bộ dăm bảy cây số gần như không gặp một ai. Hà Nội yên tĩnh và vắng hơn sáng mồng Một Tết. Cây cối hoa lá dường như nhiều hơn và tươi tốt hơn. Không khí trong văn vắt. Cái màng lọc điều hòa trước đây mỗi tháng phải rửa một lần mà nay 3 tháng mở ra không thấy cần vệ sinh gì. Đã có lúc tôi nghĩ, cứ thế này thì một thời gian nữa thôi, muông thú hươu nai sẽ về đầy đường phố Hà Nội. Thấy không, chúng ta đã có khoảnh khắc duy nhất trong đời. Và nó đẹp lắm!”
Kết thúc giai đoạn giãn cách xã hội, nhà văn Nguyễn Anh Vũ được mời tham gia Trại sáng tác của tạp chí Văn nghệ Quân đội tại Phú Yên. “Trại viết của Văn nghệ Quân đội thường là sang, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trại viên có nhiều nhà văn nhà thơ lớn mà đã thân tình hoặc lần đầu được gặp. Thật là mừng cho chính tôi vì tôi đã viết lại được sau 10 năm tắc tị với văn xuôi. Không phải hồi phục, tôi thực sự đã hồi sinh.
Sau một thơi gian dài thèm viết mà không viết được như vậy. con chữ gõ ra nó hân hoan và khoái thú vô cùng. Chữ đã “rung” chứ không còn “rã” như ngày nào. Mấy anh em văn chương trong tạp chí Văn nghệ Quân đội nói: Nguyễn Anh Vũ đã được “phục hồi chức năng” thành công. Tôi bảo, tôi đã được “phục hồi nhân phẩm”.
Con chữ chính là phẩm giá của nhà văn”.