Khá lên từ nuôi ong mật
Những năm gần đây, nghề nuôi ong lấy mật đã giúp nhiều hộ dân tại một số địa phương trong cả nước phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi, đồng bào sống ở vùng sâu vùng xa nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Đáng chú ý, một số vùng đã xây dựng được thương hiệu mật ong riêng, mang lại giá trị kinh tế cao.
Hiện số người nuôi ong trong cả nước là khá lớn, đã hình thành một nghề đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Mật ong nuôi không chỉ bán tại thị trường trong nước mà còn được thu mua, xuất khẩu ra nước ngoài. Vì thế, những năm gần đây, nghề nuôi ong lấy mật ở nước ta đã và đang phát triển nhanh chóng cả về chất lượng và số lượng. Mặc dù người nuôi ong và các đàn ong mật nằm rải rác khắp cả nước song đối với khu vực Đông Nam bộ, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc, thường được đánh giá là nơi có tiềm năng để trở thành vùng sản xuất mật ong tập trung cũng như phát triển mạnh nghề nuôi ong lấy mật.
Tại Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk là địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào nuôi ong và xuất khẩu mật ong. Đây hiện cũng là địa phương có đàn ong nuôi và sản lượng mật làm ra nhiều nhất khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Toàn tỉnh có gần 2.000 hộ nuôi ong, với hơn 250.000 đàn ong. Nhờ có diện tích rừng tự nhiên lớn, rừng trồng, nhất là lại có tiềm năng dồi dào về nguồn hoa cà phê, cao su, cây ăn quả… do đó, rất thuận lợi cho việc phát triển đàn ong mật ở địa phương.
Tại Đắk Lắk, các hộ nuôi ong tập trung tại các huyện, thị xã như: Cư M’gar, Krông Năng, Ea H’leo, Krông Búk và thành phố Buôn Ma Thuột… Nhờ phát triển đúng hướng, nghề này đã phát huy hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao giúp nhiều nông hộ trên địa bàn vươn lên làm giàu.
Đáng chú ý, tại một số địa phương vùng núi cao phía Bắc, thời gian gần đây nghề nuôi ong đang dần chuyển đổi từ hình thức chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ sang đầu tư nuôi ong tập trung với số lượng lớn, bình quân khoảng 50- 100 đàn/hộ, thậm chí lên tới 500- 600 đàn/hộ. Trong đó, Hà Giang và Lào Cai là hai tỉnh có số hộ nuôi ong nhiều nhất.
Để đàn ong nuôi lấy mật phát triển tốt, bà con cần chú ý một số khâu kỹ thuật quan trọng:
- Lựa chọn đàn ong giống: Đàn ong giống phải có nguồn gốc rõ ràng; ong chúa dưới 6 tháng tuổi; không nhiễm bệnh ấu trùng; quân đậu kín 2 mặt cầu; bánh tổ mới, màu vàng và có đủ trứng, ấu trùng, nhộng, mật phấn dự trữ.
- Chọn địa điểm nuôi ong: Gần nguồn mật, phấn hoa, khoảng cách kiếm ăn hiệu quả từ tổ ong đến nguồn thức ăn khoảng 500-700 mét. Chỗ đặt thùng ong cần bằng phẳng, khô ráo, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, không ngập lụt về mùa mưa. Trong điều kiện có đầy đủ nguồn mật, phấn nên bố trí đặt đàn ong với mật độ 40 đàn/ha, khoảng cách giữa các đàn tối thiểu 2 km đối với những đàn có quy mô tối đa 100 thùng.
- Dụng cụ nuôi: Thùng ong: Làm bằng gỗ khô hoặc nguyên liệu phù hợp, kích thước bên trong là 46,5 cm (dài) x 38 cm (rộng) x 24,5 cm (cao), có cửa sổ để thuận tiện khi di chuyển đàn ong.
- Tạo ong chúa: Cách tiến hành: Bắt chúa khỏi đàn, loại bỏ 1 – 2 cầu, sau 2 đến 3 ngày kiểm tra loại bỏ tất cả các mũ chúa trên bề mặt bánh tổ và mũ chúa đã vít nắp, cho đàn ong ăn 3 đến 4 tối liên tục, 9 đến 10 ngày sau cắt những mũ chúa đã chín để sử dụng.