Trái cây Việt chinh phục những thị trường khó tính nhất

Hạnh Nhân 23/06/2020 09:00

Sau 5 năm đàm phán giữa Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) và Bộ Nông lâm ngư nghiệp của Nhật Bản (MAFF), quả vải tươi của Việt Nam đã chính thức có mặt tại một trong những thị trường khó tính bậc nhất thế giới.

Vải tươi xuất khẩu sang Nhật.
Vải tươi xuất khẩu sang Nhật.

Ngày 22/6, Cục Bảo vệ thực vật thông tin, những lô hàng vải thiều tươi đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đã được tiêu thụ rất tốt ở các siêu thị bán lẻ.

Giá bán vải thiều tại Nhật Bản sau khi cộng thuế và các khoản phí lên tới 8 - 12 USD/kg, tương đương 180.000 - 270.000 đồng/kg. Đối với loại vải thiều trồng ở vùng được cấp mã số để xuất khẩu đi Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam đang thu mua của nông dân với mức giá ổn định 38.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế (Cục Bảo vệ thực vật), tới hết ngày 22/6, cơ sở khử trùng vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản tại Bắc Giang sẽ hoàn thành xử lý khoảng 15 tấn nguyên liệu. Trong đó, khoảng 10 tấn vải thiều tươi đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Hiện Cục Bảo vệ thực vật đang chờ lô hàng thử nghiệm vải thiều tươi xuất khẩu theo đường biển, sử dụng công nghệ bảo quản vải thiều mới do Việt Nam tự nghiên cứu và sản xuất. Nếu sang đến Nhật Bản, quả vải vẫn đạt chất lượng, tiêu chuẩn của phía Nhật Bản, thì sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu rất lớn cho quả vải thiều tươi đến với thị trường khó tính này. Dự kiến, trong năm nay khoảng gần 200 tấn vải thiều tươi sẽ xuất khẩu thành công vào thị trường Nhật.

Trước đó, vào tháng 8/2019, cũng sau một thời gian dài đàm phán, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia cũng đã cho phép quả nhãn tươi của Việt Nam được chính thức xuất khẩu vào nước này. Nhãn là trái cây thứ 4 được phép xuất vào thị trường Australia sau khi vượt qua nhiều quy chuẩn kiểm tra chất lượng.

Cùng thời điểm, Chile cũng cho phép xoài Việt Nam được xuất khẩu vào Chile. Vào tháng 2/2019, xoài Việt Nam cũng chính thức được phép xuất khẩu vào Mỹ sau hành trình 10 năm nỗ lực đàm phán, sau vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa, thanh long. Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu thứ 40 của quả xoài Việt Nam.

Ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết những loại quả có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam đến nay đã thâm nhập hầu hết các thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Hiện, lượng trái cây xuất sang thị trường “khó tính” chiếm khoảng hơn 30%, trong đó có những thị trường tăng trưởng rất tốt như Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Canada, Nhật Bản...

Tuy nhiên, hiệncũng đã có một số đối tác cạnh tranh với Việt Nam như Campuchia đã xuất khẩu được xoài vào Hàn Quốc, hay Trung Quốc đã mở rộng diện tích trồng thanh long...

“Do đó, nếu ngành trái cây Việt không thay đổi thì vấn đề xuất khẩu sẽ gặp khó. Vì ngoài yếu tố chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đòi hỏi người nông dân phải sản xuất hàng hóa ở quy mô lớn để đáp ứng được những đơn hàng lớn của nhà nhập khẩu. Đây vẫn là bài toán khó với ngành hàng trái cây Việt Nam”- ông Hà lo ngại.

Bên cạnh đó, hướng đến sản xuất sạch, bền vững là mục tiêu để đưa trái cây Việt Nam vươn ra thế giới. Là một trong những DN xuất khẩu trái cây lớn, bà Nguyễn Thị Hồng Thu- Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, tỉnh Bến Tre cho biết: Công ty Chánh Thu đã xuất khẩu thanh long sang Australia, nhưng sản lượng không nhiều, mỗi năm chỉ được vài chuyến, bởi Australia là thị trường rất khó tính, yêu cầu cao. Doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải mua hàng từ các vườn có chứng nhận GlobalGAP để bảo đảm hàng sạch, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của Australia.

Như vậy, vấn đề đặt ra đối với việc sản xuất trái cây ở Việt Nam hiện nay là phải mở rộng được vùng nguyên liệu bảo đảm chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm theo thông lệ quốc tế, cũng như yêu cầu cụ thể của từng quốc gia nhập khẩu thông qua việc cập nhật và thực hiện các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc... Muốn làm được điều này cần xây dựng quy trình sản xuất theo chuỗi, gắn kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Sơn La xuất khẩu 30 tấn xoài đầu tiên sang Mỹ

Ngày 22/6, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã tổ chức lễ công bố xuất khẩu 30 tấn xoài sang thị trường Mỹ. Với 30 tấn xoài được xuất khẩu sang thị trường Mỹ - một trong những thị trường khó tính và đầy tiềm năng, là một tín hiệu vui cho thị trường xuất khẩu nông sản huyện Mai Sơn và tỉnh Sơn La. Đây cũng là minh chứng cho những chính sách phát triển nông nghiệp của tỉnh trong những năm qua và những nỗ lực của các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Hiện, huyện Mai Sơn có trên 9.300ha diện tích cây ăn quả, trong đó có khoảng 2.600ha diện tích xoài cho sản lượng quả ước đạt hơn 14.200 tấn, sản lượng quả đủ tiêu chuẩn xuất khẩu trên 6.500 tấn.

Hạnh Nhân