Tuyển sinh đại học 2020: Chọn ngành học để không thất nghiệp
Một trong những băn khoăn của hầu hết gia đình và người học trong thời điểm đăng ký xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) 2020 đó là chọn ngành học nào vừa phù hợp với sở thích, năng lực của bản thân, vừa không “lỗi thời” trong tương lai.
Bởi quan niệm học ĐH không lo thất nghiệp đã không còn đúng trong giai đoạn hiện nay khi thống kê cho thấy, nhiều cử nhân, thậm chí những người có bằng cấp cao hơn cũng không có việc làm hoặc làm các công việc dịch vụ không liên quan đến ngành nghề được đào tạo diễn ra khá phổ biến.
Bắt kịp xu hướng công nghệ 4.0
Con số thống kê về tỷ lệ thất nghiệp trong những tháng đầu năm 2020 của Việt Nam do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cho thấy, những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (1,2 triệu lao động), tiếp theo là ngành bán buôn, bán lẻ (1,1 triệu lao động), ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (740.000 lao động). Trong số này, 59% là tạm nghỉ việc, 28% là giãn việc hoặc nghỉ luân phiên, và 13% là mất việc. Đây cũng là tình hình chung của nhiều quốc gia trên thế giới trong thời gian qua.
Ở chiều ngược lại, nhiều robot đã được sử dụng để thay thế con người trong việc tham gia các dây chuyền sản xuất, bán hàng, vận chuyển và các lĩnh vực khác của đời sống như ngành chăm sóc sức khỏe, công nghiệp thực phẩm…
Liên quan đến câu hỏi khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp của thí sinh tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2020 diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo- Phó ban đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng điều quan trọng là mỗi người cần trang bị những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để không bị đào thải.
Bởi không phải đến bây giờ mà ngành chế tạo robot đã phát triển từ cách đây 20 năm và ngày càng được ứng dụng rộng rãi. Song trí tuệ nhân tạo khác với con người ở chỗ cảm xúc và sự sáng tạo. Chính vì vậy, vấn đề không phải là ngành nào bị robot xóa bỏ/thay thế mà là các ngành nghề đòi hỏi phải có sự đổi mới sáng tạo để phù hợp với xu thế mới, đặt ra nhiều yêu cầu cao hơn, nếu chúng ta không đáp ứng được sẽ bị thay thế.
Bên cạnh sự phát triển của ngành công nghệ thông tin có mức tăng trưởng cao nhất hiện nay và được dự đoán tiếp tục phát triển mạnh trong tương lai với mức thu nhập cạnh tranh so với nhiều ngành nghề khác, TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân cũng chỉ ra rằng nhóm ngành dịch vụ dự kiến sẽ tăng mạnh những năm tiếp theo đây. Lý do là vì nhu cầu về các chuyên gia y tế cũng như du lịch sẽ tăng trên 40% do nhu cầu về sức khỏe và giải trí tăng cao. Thứ ba, với việc ngày càng có nhiều công ty, doanh nghiệp xuất hiện trên thị trường ở nhiều lĩnh vực khác nhau thì ngành nghề marketing, truyền thông sẽ càng thể hiện rõ sự cần thiết trong việc giúp các doanh nghiệp định vị và quảng bá thương hiệu của mình ở trong và ngoài nước.
Một ngành học cũng bảo đảm 100% có việc làm sau 4-6 năm nữa được các chuyên gia chỉ ra đó là trở thành học viên của các trường cảnh sát, quân đội. Không những thế, học viên được miễn học phí hoàn toàn và có thể có thêm các khoản hỗ trợ khác nếu học tốt. Tuy nhiên, chỉ tiêu vào các trường này thường rất hạn chế, tuyển sinh theo tỉ lệ phần trăm, và tỷ lệ nam nữ nên để giành được tấm vé trọn gói này thực sự là một cuộc đua căng thẳng mỗi mùa tuyển sinh.
Người “hot” hơn ngành “hot”
Với tốc độ phát triển của công nghệ hiện nay, các chuyên gia dự đoán sẽ tiếp tục làm thay đổi cơ cấu ngành nghề tương lai. Việc chọn ngành học nào là tiền đề quan trọng để người học đỡ mất thời gian, công sức, tiền bạc trên con đường phát triển bản thân sau này. Tuy nhiên, đây là công việc không dễ dàng và trên thực tế, không ít người chọn lầm khi sau một thời gian vào học mới nhận ra sự không phù hợp của bản thân với ngành nghề đó. Thậm chí, như tâm sự của một cử nhân kinh tế với tấm bằng khá trên tay, sau khi tốt nghiệp đã thử sức với một số công việc liên quan đến lĩnh vực tài chính nhưng không tìm thấy hứng thú. Trong một lần tình cờ tham gia ứng tuyển vào vị trí phóng viên mảng kinh tế của một bản tin tài chính cô vẫn thường theo dõi từ hồi sinh viên lại trúng tuyển. Sau một thời gian thử việc, người bạn này đã được tuyển dụng chính thức. Song song với việc đi làm hàng ngày, buổi tối cô tham gia học văn bằng 2 về báo chí để bổ sung các kiến thức về công việc mình đang theo đuổi với tất cả niềm yêu thích và say mê.
Hiện nay, công tác tư vấn hướng nghiệp đã được chú trọng thực hiện ngay từ cấp THCS và sau là THPT. Tuy nhiên, không phải mọi người học và gia đình đều có định hướng đúng đắn ngay từ đầu khi lựa chọn hướng đi cho mình. Ngay cả việc chọn học CĐ để sớm tốt nghiệp so với ĐH sau đó vừa đi làm kiếm tiền, vừa học liên thông lên ĐH cũng đang là một lựa chọn của không ít người trẻ thời nay.
Song để tránh đi đường vòng, theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, các em tuyệt đối đừng bị hào quang của nghề nghiệp chi phối, mà quan trọng nhất phải lắng nghe tiếng gọi từ trái tim mình. Chọn ngành phải đúng sở thích, sở trường và khả năng của mình, đồng thời tìm hiểu thông tin thị trường lao động để chọn được ngành nghề cho phù hợp.
Điển hình như nhiều học sinh học tốt Toán, Vật lý, Hóa học… là mặc định mình sẽ thi khối A, học kinh tế… theo định hướng của thầy cô, gia đình và “bạn bè mình đều đăng ký thế”. Song khi theo học rồi mới thấy không phù hợp, không thích…
Hoặc có trường hợp thí sinh đăng ký xét tuyển tới 3, 4 ngành ở các khối thi khác nhau thì thực sự cần cân nhắc lại. Phải trả lời đầy đủ những câu hỏi về sở thích, năng lực và nhu cầu thị trường để từ đó tìm lối đi phù hợp với mình. Không nên chọn trường chỉ để đỗ ĐH và cũng không nên chọn ngành “hot” vì rất có thể mai này hết… “hot”.