Quay cuồng trong nắng nóng
Nắng như thiêu đốt kèm theo hiệu ứng phơn Tây Nam, người dân ở “chảo lửa” Hà Tĩnh gồng mình để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, cuộc sống bị xáo trộn. Đặc biệt, nhiều hecta rừng ở Hà Tĩnh đứng trước báo động đỏ. Lực lượng chức năng ở địa phương này phải túc trực 24/24h để canh “giặc lửa”.
Gồng mình dưới cái nắng hơn 40 độ C
Sáng sớm, chị Nguyễn Thị Hồng từ xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) mang theo chiếc xe rùa cùng vên, xẻng...lỉnh kỉnh chở sau chiếc xe máy cà tàng để lên TP Hà Tĩnh làm công kiếm sống. Là lao động tự do, ai thuê gì làm nấy, trời nắng, nhiệt độ cao nên tờ mờ sáng chị đã vội vàng khăn gói lên thành phố.
Sáng nay, người ta mới thuê chị nửa công xúc đất nên khi trời đứng bóng, chị Hồng cùng khoảng 4-5 chị em khác cùng quê Hộ Độ mua hộp cơm bình dân, kiếm bóng râm ở gần công viên Trần Phú (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) để ăn rồi nghỉ ngơi, lấy lại sức để chiều làm tiếp.
“Nắng nóng như thế này lao động tự do như chúng tôi chỉ biết tìm bóng râm ven đường trú ngụ chút giờ trưa chứ làm việc cả buổi sáng giữa cái nắng 40 độ C mất sức lắm”- chị Hồng vừa bưng hộp cơm và vào miệng, vừa thở hổn hển nói.
Với thời tiết như thế này, ở TP Hà Tĩnh rất dễ bắt gặp hình ảnh người dân tìm đến cây xanh ven đường, các công viên để trú ngụ, tranh thủ nghỉ trưa. Để tránh nắng, nông dân ở các huyện, thị trên địa bàn Hà Tĩnh đều ra đồng từ khi mặt trời chưa mọc, khoảng 10h đã vội vã trở về, buổi chiều phải 16h người dân mới dám ra đồng, tối mịt mới về.
“Thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nhiệt độ ngoài trời có khi lên đến 43 độ C nhưng để gieo tỉa đúng thời vụ, chúng tôi vẫn phải ra đồng để làm”, ông Nguyễn Văn Thỷ (xã Phú Gia, huyện Hương Khê) chia sẻ.
Còn tại các cơ sở y tế, lượng bệnh nhân những ngày gần đây gia tăng dần do nắng nóng kéo dài, chủ yếu là trẻ em, người lớn tuổi sức đề kháng kém. Mỗi ngày, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh có rất đông bệnh nhân đến thăm khám và điều trị. Đặc biệt 1 tuần trở lại đây, số lượng bệnh nhân nhập viện tại một số khoa đã có xu hướng tăng cao đột biến như: Khoa Nhi, Khoa Tim mạch - Lão học, Khoa Nội tổng hợp.
Đến ngày 22/6, tại Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh có tới 72 bệnh nhân điều trị tại các phòng bệnh, chủ yếu bị bệnh viêm đường hô hấp, tiêu chảy, sốt. Khoa Tim mạch - Lão học có 97 bệnh nhân đang điều trị, Khoa Nội tổng hợp có 86 bệnh nhân với các bệnh phổ biến như suy tim, cao huyết áp, phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản…Theo các bác sĩ, trong thời gian tới, nếu nắng nóng tiếp tục diễn biến phức tạp thì số bệnh nhân nhập viện dự báo sẽ tiếp tục gia tăng.
Lý giải về nguyên nhân khiến bệnh nhi tăng nhiều, bác sĩ cho hay, thời điểm này, học sinh đi học trở lại trong điều kiện thời tiết nắng nóng, rất dễ mắc các loại bệnh liên quan đến viêm đường hô hấp, sốt. Mặt khác, thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, nhiễm nấm và vi khuẩn, đây là nguyên nhân gây các bệnh đường tiêu hóa. Ngoài ra, khi chống nóng bằng biện pháp bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp sẽ gây nhiễm lạnh, viêm phổi. Bên cạnh đó, các loại bệnh như tay - chân - miệng, sốt phát ban, thủy đậu, sốt virus cũng đều có xu hướng tăng cao trong mùa nắng nóng.
Nguy cơ cháy rừng rất cao
Theo Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, thời tiết này khiến khoảng 110.000 ha rừng của địa phương nâng mức cảnh báo cháy lên cấp III, cấp IV. Dự báo từ nay đến hết tháng 9 nắng nóng tiếp tục gia tăng nên công tác phòng chống cháy rừng càng “nóng” hơn .
Ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) cho hay, tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 4 điểm phát lửa, trong đó 1 điểm ngày 6/6 tại xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà gây cháy làm thiệt hại 2,1ha rừng. Mặc dù mới đầu hè, song nền nhiệt trung bình tại Hà Tĩnh cao hơn so với những năm trước, do đó, diện tích rừng có nguy cơ cháy rất cao được xác định lên đến hơn 82.000 ha, trải đều trên địa bàn 12 huyện, thị xã. Chi cục triển khai nhiều phương án, địa phương đang “căng mình” thực hiện các biện pháp phòng chống cháy rừng.
Cụ thể, tại huyện Hương Sơn, với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 84.000 ha, trong đó, diện tích rừng đã giao cho 18 cộng đồng và 5.917 hộ gia đình, cá nhân là hơn 21.800 ha.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hương Sơn, thời điểm này công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn bước vào giai đoạn căng thẳng nhất. Bởi ngoài thời tiết nắng nóng kéo dài thì hiệu ứng phơn Tây Nam thổi mạnh đã khiến cho thảm thực bì khô khốc, cực kỳ dễ bốc cháy.
“Với thực trạng biến đổi khí hậu gia tăng như mấy năm nay, giải pháp căn cơ, lâu dài cần phải làm để bảo vệ rừng là bố trí nguồn kinh phí riêng dành cho việc xây dựng công trình phòng cháy, xử lý thực bì, phát đường băng ngăn cháy lan và đường ranh cản lửa giữa các hộ”, ông Thành nói.
Tuy nhiên theo ông Thành, lâu nay kinh phí thực hiện các nội dung trên đã có nhưng theo kiểu lấy ô này đập ô kia, chưa có nguồn lực riêng nên tính hiệu quả đang hạn chế. Mặt khác, vấn đề đáng lo ngại nhất đó là số diện tích rừng giao cho cộng đồng và hộ gia đình, cá nhân quản lý, tránh trường hợp lặp lại các vụ cháy hy hữu như năm 2019. “Năm ngoái một người dân ở xã Sơn Hồng đốt ong và một người ở xã Sơn Trung đốt rơm gây cháy rừng đều bị xử lý hình sự. Đành rằng những người này không cố ý, song để tăng tính răn đe việc khởi tố là cần thiết và đây cũng là bài học đắt giá trong việc nâng cao ý thức bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cho người dân của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương”, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Sơn chia sẻ.
BQL rừng phòng hộ Ngàn Phố (huyện Hương Sơn) được giao quản lý gần 26.000 ha rừng; với gần 1.000 hộ/11 xã nhận khoán chăm sóc, bảo vệ. Hiện đã có khoảng 5.000 ha nằm trong diện “báo động đỏ”, có nguy cơ phát lửa, gây cháy rừng bất cứ lúc nào. Trong đó tập trung nhiều ở các xã Sơn Lệ, Sơn Tiến, Sơn Lâm, Sơn Giang, An Hòa Thịnh, Kim Hoa...
Để phát hiện sớm, ngăn chặn lửa bén vào rừng, BQL quyết định hỗ trợ kinh phí thông tin liên lạc cho các tổ trực vùng trọng điểm có nguy cơ cháy và phân công tổ trưởng điều hành việc trực gác. Các trạm bảo vệ rừng phải sử dụng máy định vị GPS trong việc tuần tra, kiểm tra để xác định vị trí, đường đi, tọa độ, tránh trường hợp báo cáo không trung thực trong thực hiện nhiệm vụ.
Trước khi bắt đầu mùa nắng nóng, các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương đã yêu cầu chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng. Điểm đặc biệt năm nay, trong giải pháp “4 tại chỗ”, thay vì lấy lực lượng Kiểm lâm, chủ rừng (tổ chức, địa phương) làm nòng cốt thì hộ dân trực tiếp nhận khoán rừng được chọn làm lực lượng nòng cốt tại chỗ.
“Việc giao trách nhiệm tự chủ hộ xây dựng phương án sẽ tăng hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy rừng hơn, bởi chủ hộ là người hiểu rõ đặc điểm, địa hình rừng của gia đình mình nhất. Khi xảy ra sự cố cũng sẽ kịp thời phát hiện, xử lý đám cháy”, ông Nguyễn Hữu An, Trưởng BQL rừng phòng hộ Ngàn Phố phân tích.
Để đảm bảo tính cơ động, chủ động trong phòng chống cháy rừng, năm nay Hà Tĩnh lên phương án điều động lực lượng Quân đội, Công an, Nông nghiệp… ít nhất là 500 người, cùng với các dụng cụ, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có cháy rừng lớn xảy ra. Cấp huyện, xã, chủ rừng cũng thành lập 341 tổ, đội xung kích, với hơn 7.900 người tham gia sẵn sàng “4 tại chỗ” chữa cháy rừng.
Được biết, từ đầu năm chính quyền các địa phương, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn Hà Tĩnh đã ưu tiên nguồn lực làm mới, tu sửa hơn 130 km đường băng cản lửa; 28 chòi canh lửa; 2.730 biển báo; xử lý thực bì giảm vật liệu cháy rừng 2.529 ha; mua sắm 383 máy thổi gió; 92 cưa xăng và nhiều công cụ, dụng cụ khác phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng.