Tình bạn trong hôn nhân
Trong nhiều sách kỹ năng sống cho hôn nhân, người ta thường khuyên các cặp đôi không nên phàn nàn về nhau mà cần tìm cách thích nghi, bởi không ai có khả năng thay đổi được hoàn toàn người khác.

Khi mà “sự đã rồi”, “gạo đã nấu thành cơm” thì tốt hơn hết là nên chấp nhận, bởi bản chất và tính cách của con người khi đã đến tuổi trưởng thành là rất khó thay đổi. Có một quy tắc tam bất biến là cái gì không thể chấp nhận thì phải thay đổi, nhưng không thể thay đổi thì phải bỏ đi, còn bỏ đi không đành thì phải chấp nhận. Một trong ba cách ấy thôi. Không có cách thứ tư. Càng không có cách nào liên quan đến việc: Chấp nhận nhưng miệng vẫn càm ràm khó chịu.
Tuy nhiên vẫn còn một cách để ta không phải chấp nhận và thích nghi với những điều mà ta không chịu đựng nổi. Ấy là ngay từ ban đầu, cần quan tâm đến những yếu tố cấu thành nên tình bạn thay vì nghĩ chỉ cần yêu nhau là đủ, bởi tình bạn trong tình yêu là vô cùng quan trọng. Theo thời gian, sự si mê sẽ dần mất đi, lúc ấy chỉ một số điểm phù hợp giữa hai người sẽ không đỡ được sự nhàm chán cố hữu của hôn nhân. Khi đó những cặp đôi phù hợp tối đa về nhận thức, tri thức, nghề nghiệp, sở thích, gu thẩm mỹ, quan niệm sống, lý tưởng sống, thói quen sống, thậm chí là thói quen ăn, ngủ sẽ có mối quan hệ lâu bền. Đó là mối quan hệ bền chắc thực sự nhờ sự gắn kết của một tình bạn đặc biệt, theo đúng nghĩa của từ “bạn đời”, chứ không phải lâu bền nhờ giấy kết hôn, nhờ tình thương và trách nhiệm.
Tôi có cô bạn kết hôn đã 17 năm, hai vợ chồng cùng sở hữu một cửa hàng điện máy nên ngày nào cũng nhìn thấy mặt nhau từ sáng chí tối, vậy mà vợ đi đâu mua sắm có một xíu chồng cũng đưa đi rồi vào giúp vợ chọn đồ, bởi anh chồng vô tình có sở thích rất quan tâm đến thời trang nên thậm chí bạn vợ cũng đến nhờ anh tư vấn cho cách ăn mặc. Vợ bị thoát vị đĩa đệm thì chồng tự đi đăng ký thẻ bơi để động viên vợ chữa bệnh nhờ bơi lội. Cô kể nhiều đêm hai vợ chồng vẫn trò chuyện cùng nhau đến tận... 4, 5 giờ sáng.
Ở chỗ làm của tôi cũng có cô lấy chồng hơn chục năm rồi nhưng ngày nào đến cơ quan cũng phải trò chuyện với chồng vài lượt qua điện thoại như tình nhân mới quen. Giờ cơm trưa thì cô ăn nhanh gọn để còn được rủ rỉ với chồng cả tiếng qua điện thoại. 10 năm có lẻ đều như thế. Những cặp vợ chồng mà cả ngày chỉ nói với nhau được vài câu mệnh lệnh thức vẫn coi vợ chồng cô như những kẻ kỳ quặc, còn tôi thì ngưỡng mộ. Bởi bạn sẽ không thể nào trò chuyện hàng ngày cùng người bạn đời trong suốt nửa thế kỷ chung sống nếu như không phải là tri kỷ.
Khi yêu nhau, người ta có xu hướng bị hào quang tình yêu che mắt nên thường chỉ nhìn thấy cái phù hợp mà bỏ qua những sự không phù hợp. Có những điều tưởng chừng rất nhỏ, cứ ngỡ không ảnh hưởng mấy đến tình yêu nhưng về sau sẽ tác động tiêu cực tới hôn nhân. Ví dụ vợ thích nhạc thời thượng mà chồng lại chỉ thích cải lương. Cứ chồng nghe là vợ nhăn mặt, vợ nghe chồng bắt tắt đi. Chồng thích rủ bạn bè đến nhà tụ hội ăn uống hàng tuần trong khi vợ chỉ thích yên tĩnh, kín đáo, chưa kể còn không thích nấu ăn.
Vợ lãng mạn, chồng thực tế. Khi yêu nhau người ta không để mắt nhiều đến những điều này, thậm chí còn không có cơ hội để ý đến vì chưa lâm phải những tình huống ấy. Mà nếu có thì cũng có thể bỏ qua. Có một cô bạn tính cách lãng mạn hồi còn đang yêu đã chia sẻ với tôi, bằng sự tự an ủi: “Ngày Lễ tình yêu, anh ấy không tự mua gì để tặng nhưng dẫn mình đi mua áo quần, thế là quá hạnh phúc rồi”. Nhưng sau khi kết hôn, sự thể vẫn diễn tiến thế trong ngày Valentine, chưa kể chồng còn tiến tới chỉ đưa tiền cho vợ tự đi sắm đồ mới, trong khi cô vợ lãng mạn mong đợi một thứ gì nhỏ thôi cũng được, nhưng phải là bất ngờ như trong phim.
Có những trường hợp, khi yêu nhau thấy giống nhau nhiều điểm, nhưng theo thời gian có thể những sự không phù hợp sẽ tăng dần lên. Giống như chúng ta thường có rất nhiều bạn bè thuở thơ ấu, đã từng vô cùng thân thiết, từ đầu đến cuối đều rất tử tế với nhau, và cũng không có bất cứ xung đột nào, nhưng 10 năm sau rất khó ngồi nói chuyện chia sẻ, ấy là vì có thể giai đoạn sau học vấn khác nhau, nghề nghiệp và sự nghiệp khác nhau, hoàn cảnh gia đình khác nhau, mục tiêu khác nhau...
Tóm lại là con đường đi hoàn toàn khác xa nhau, dẫn đến nhận thức khác nhau, thế giới quan khác nhau, quan niệm sống khác nhau, vì thế mà không bảo cũng tự xa nhau vì gặp gỡ không còn biết nói chuyện gì. Vợ chồng cũng vậy. Nhiều cặp vợ chồng lần hồi không còn có thể đối thoại được với nhau nữa, trong khi kênh chia sẻ là quan trọng nhất đối với một cặp đôi, quan trọng còn hơn cả tình dục, vì có chia sẻ thì tình dục mới có thể thăng hoa tuyệt đối.
Tôi có một cô bạn thân, quan niệm của cô ấy là không bao giờ còn tồn tại tình yêu thực sự sau hôn nhân. Hôn nhân bản thân đã là sự mài mòn cảm xúc, và cái mà người ta sống với nhau là vì con cái, vì tình nghĩa, vì trách nhiệm, vì hy sinh chứ đừng ảo tưởng hão huyền về một tình yêu vĩnh cửu. Khoa học cũng nói rằng cảm xúc say mê ái tình kéo dài nhiều nhất là 18 tháng, sau đó sẽ đi vào quỹ đạo quen thuộc. Chính vì vậy, khi tình cảm đã chớm bước vào nhàm chán, cả đôi bên đều cần một nỗ lực để chống lại kẻ thù nguy hiểm ấy, bởi nhàm chán chính là kẻ thù muôn đời của hôn nhân. Bản thân hai người nếu đã lường tới mối nguy hiểm ấy trước khi cưới và cùng lên kế hoạch để gạt nó ra khỏi lối đi chung thì ấy đã là cùng quan niệm sống, cùng lý tưởng, đã là tiền đề để làm tri kỷ của nhau.
Tôi cứ nghĩ con người ta mỗi lần tính toán việc giữ tiền sao cho đừng thất thoát, đừng mất giá; giữ sự nghiệp để chỉ đi lên chứ không đi xuống; giữ nhan sắc đừng chóng phai tàn; giữ sức khỏe cường tráng, bền lâu mà còn phải đau đầu trăm phương ngàn kế, tốn không biết bao nhiêu thời gian, công sức để tham khảo ý kiến chuyên gia, để trao đổi, để thực hành, vậy mà giữ cho lửa yêu thôi đừng cạn, thứ quý giá còn hơn tiền bạc, sự nghiệp, nhan sắc, lại không thấy mấy ai lên kế sách gì. Chồng chỉ nghĩ mình đi làm về đúng giờ, tiền bạc đưa đầy đủ, đến ngày lễ tặng quà, vợ thì nghĩ mình lo cơm nước ngày hai bữa, nhà cửa sạch sẽ, chăm con ngoan khỏe, hiếu đễ hai bên nội ngoại. Rồi thi thoảng gia đình đi du lịch, đi ăn nhà hàng cùng nhau. Tất cả thế gọi là yêu, là hạnh phúc. Mặc dù chính xác đấy mới chỉ là “ổn”, là làm tròn trách nhiệm và có lòng tốt.
Và đôi khi từ “ổn” này cũng vô cùng nguy hiểm. Nhiều “nguy cơ” thậm chí lại bắt nguồn từ “ổn” mà ra. Khi bắt đầu yêu ai, bạn không bao giờ nghĩ bạn yêu người ta chỉ đơn giản vì người ta tốt. Vì vậy khi tình yêu cạn dần, nó cũng không thể hồi phục chỉ nhờ lòng tốt và trách nhiệm, mà nhờ chính những gì ban đầu đã thắp lửa trong lòng bạn. Vậy thì chừng nào cảm thấy thất vọng, hãy sửa sai bằng chính những gì của ngày khởi đầu. Hôm qua tôi nhìn thấy trên mạng có người nói một câu rất hay: Nếu định kết thúc, hãy nghĩ đến lý do bắt đầu. Và nếu định bắt đầu, cũng nên nghĩ đến cái cách mà nó sẽ kết thúc.
Liệu có phải, trong mọi tờ giấy ly hôn, thứ lý do mà người ta thường đưa ra nghe có vẻ như rất ngớ ngẩn là “Không phù hợp”, trên thực tế lại là điều quyết định bạn có nên bắt đầu cho một cuộc hôn nhân hay không?