Nghĩ về những chiếc giếng
Ở Thủ đô Hà Nội, những chiếc giếng từng giữ vai trò quan trọng trong đời sống người dân, là một thực thể tinh thần mang tính gắn kết văn hóa. Song theo thời gian, giá trị của giếng bị nhạt phai. Nhiều ngôi làng ven đô trải qua quá trình đô thị hóa đã không còn giữ được hồn giếng, hồn làng.
Mỗi giếng một số phận
Xưa kia ở các làng cổ, nơi nào cũng có vài chiếc giếng khơi hoặc giếng dạng ao. Rồi giếng thôn, làng bị lấp hết, nhường chỗ cho nhà cửa mọc lên, công trình giao thông. Ở trung tâm Hà Nội, nhà cửa chen chúc, bên trong những con ngõ chỉ đủ vừa vặn một người đi qua vẫn ẩn chứa rất nhiều bất ngờ. Đó là những chiếc giếng khơi cổ. Điều đáng nói là giếng cổ ở phố Hàng Hòm, Hàng Trống, ngõ Tạm Thương, ngõ Hàng Chỉ… vẫn ngọt mát, được người dân gìn giữ, sử dụng nguồn nước ấy.
Quả đúng là, ngoài kia cuộc sống đổi thay, xe cộ lao vun vút, nhưng gặp giếng trong những khu phố cổ, phố cũ. Hỏi chuyện chủ nhân ở những chiếc giếng này, đa số các thành viên đều muốn giữ giếng. Họ đã gắn bó, thậm chí ba, bốn đời, mấy hộ gia đình sống quây quần bên giếng. Cách đây khoảng hơn nửa thế kỷ, những chiếc giếng khơi là một phần không thể thiếu của người dân Bắc Bộ nói chung và Hà Nội nói riêng, tạo nên nét văn hóa chẳng nơi nào khác có được.
Ở khu phố trung tâm vẫn giữ giếng. Còn những vùng vốn là ngoại thành, đang phát triển đô thị thì sao? Nơi đó vẫn còn một số nơi giữ được giếng. Nhưng giếng chỉ gìn giữ như một thực thể, một thành viên của làng để nhắc nhớ ký ức. Chứ nước giếng ở nơi đó không dùng được nữa. Người ta đã chuyển sang dùng nước máy từ lâu, đành phải dùng những phên sắt đậy lên nắp giếng để phòng tránh tai nạn. Như tại những làng khoa bảng Thanh Liệt, Triều Khúc (huyện Thanh Trì), làng Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), làng Nhân Chính (quận Thanh Xuân)… còn rất ít giếng.
Theo các lão niên, đây là những làng cổ, dân cư từ ngày xưa đã đông đúc. Giếng làng là một thực thể không thể thiếu. Nhưng nay, mỗi làng cũng chỉ giữ giếng như là cách bảo tồn quá khứ, bảo tồn văn hóa để mỗi khi gặp lại giếng là thấy mắt làng. Những chiếc giếng được bảo tồn, được hiện diện trong đời sống hôm nay cũng có thể là may mắn bởi đô thị hóa đã… chừa ra. Trong khi đó nhiều chiếc giếng đã bị lấp. Có những giếng đã bị lấp nhưng người làng lại đào lên, khôi phục. Có giếng bị ô nhiễm, hằng năm người làng cắt cử thanh niên thau rửa một lần. Lại có giếng đến hôm nay vẫn chỉ là nơi chứa rác của làng.
Hiện nay, phường Xuân Đỉnh, Xuân Tảo là hai địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh vào bậc nhất quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Cả một vùng đất xưa kia nhiều ao, hồ, đầm, với diện tích đất nông nghiệp lớn, thì nay hầu như không còn đất nông nghiệp. Tìm quanh khu vực, chỉ còn một vài khu bờ bãi, vườn nhỏ nằm xen kẹt trong các khu dân cư. Trước đây mỗi xóm ít nhất có một giếng, thì nay cả làng chỉ giữ được một. Nằm ở cuối đường Xuân Đỉnh, đoạn gần trụ sở UBND phường Xuân Đỉnh là giếng Giàn. Cách đây ít năm, giếng mộc hơn bởi giữ được vẻ nguyên vẹn. Sau đó địa phương đã cải tạo nền, thành giếng, cải tạo bàn thờ thần giếng. Theo các bậc cao niên, phường Xuân Đỉnh xưa diện tích đất nông nghiệp nhiều. Giếng làng còn được lấy nước để tưới hồng xiêm. Hồng xiêm uống nước giếng càng trở nên ngọt, đậm.
Hội làng Xuân Đỉnh được tổ chức hàng năm từ mồng 9 đến 11 tháng 2 âm lịch. Điểm nhấn của lễ hội là nghi lễ rước nước từ chiếc giếng cổ tương truyền có từ thời Hai Bà Trưng về đình. Sau khi các cụ cao niên làm lễ xin nước, hai thanh niên lực lượng mặc áo đỏ, gánh nước bằng tay đòn sơn son. Họ đi khắp làng, tùy hứng đi vào nhà dân. Người dân tin rằng nhà nào được gánh nước ghé thăm sẽ có lộc cả năm. Ông Dương Văn Tân - Trưởng ban Văn hóa-xã hội phường Xuân Đỉnh, cũng là người dân gốc của làng kể lại rằng, cách đây gần 30 năm, khi còn là thanh niên, ông vẫn ra giếng gánh nước, tắm giặt. Theo truyền thuyết giếng Giàn có từ thời Mã Viện đem quân sang xâm lược nước ta.
Cũng có nhiều nhà nghiên cứu, khi đến thăm làng cho rằng, giếng được đào vào khoảng những năm 1016 - 1018 cùng thời điểm khởi dựng đình Giàn. Nằm kề bên miếu Vũ thôn Nhang (tương truyền miếu được khởi dụng vào thời Lý) cũng có một chiếc giếng đá. Khác với giếng làng Giàn, thành giếng thôn Nhang không cao, chỉ chừng 30 cm, được tạo bằng đá liền khối. Cụ Nguyễn Văn Nghi, sinh sống liền kề với giếng kể lại, ngày xưa vào ngày 15/3 âm lịch hằng năm, người dân lại tổ chức lễ kỳ an cầu mát cho giếng. Có một việc không thể thiếu trong nghi lễ này là: Thau giếng. Những trai làng mạnh khỏe, chưa vợ được tuyển chọn để xuống thau rửa. Đến năm 1970 Xuân Đỉnh có phong trào đào giếng, thêm 30 giếng khơi được đào. Rồi khoảng những năm 1990 giếng khoan phát triển, vai trò của các giếng làng không còn được phát huy. Giếng khơi bị lấp dần, nhường chỗ cho nhà cửa mọc lên.
Văn hóa giếng
Có những giếng yếu tố tâm linh rất rõ và gắn với nhiều huyền thoại. Như giếng làng Trung Kính Thượng nằm nép mình phố Nguyễn Ngọc Vũ (Cầu Giấy, Hà Nội). Giếng không còn nước nhưng vai trò tâm linh vẫn còn. Quanh giếng mới được xây tường bảo quản và có mái bát giác che nắng mưa. Bàn thờ thần giếng có ba chữ Thiên Quang Tỉnh, vẫn được người dân hương khói và giữ tôn nghiêm. Xưa có truyền thuyết các chàng trai muốn đỗ đạt, nhất thiết phải lấy nước giếng làng để pha trà, uống cho tinh thần sảng khoái, tinh thông, học hành hiển đạt.
Ở làng Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) hiện còn một số giếng được đào vào thời điểm cách đây gần 900 năm. Mỗi giếng mang một sự tích, ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tâm linh khác nhau. Đầu tiên phải kể đến giếng Ngọc phía sau đình Hoa Xá. Cách giếng Ngọc chừng hơn 1 km đường vòng là giếng Miếu Ông. Sở dĩ được gọi là Miếu Ông, bởi kề miệng giếng là một ngôi miếu nhỏ, thờ một vị tướng người làng đã có công “dẹp Tống bình Chiêm”. Cả hai giếng đều nằm kề bên sông Nhuệ, đều là giếng đất, rộng chừng hơn 100m2. Xưa nước giếng quanh năm trong mát, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân quanh vùng. Tả Thanh Oai là nơi sinh ra nhóm Ngô Gia Văn Phái, là một nhóm các nhà văn Việt Nam thuộc dòng họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai. Trong đó có hai người nổi tiếng nhất là tiến sĩ Ngô Thì Sĩ, tiến sĩ Ngô Thì Nhậm. Ngô Thì Sĩ và Ngô Thì Nhậm là hai tiến sĩ nổi bật nhất trong 12 tiến sĩ của làng, làm rạng rỡ cho quê hương.
Tương truyền, giếng làng đã giúp các văn sĩ, người dân nơi đây sáng mắt, sáng lòng, tinh anh, trí tuệ mẫn tiệp, học hành phương trưởng. Ông Lưu Đình Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai, tự hào cho biết, trong các dòng họ ở nơi đây vẫn giữ được tinh thần hiếu học. Mỗi dòng họ có quỹ khuyến học để luôn khơi dậy tinh thần học tập cho con em mình. Về các di tích, hiện nay chính quyền xã và người dân vẫn cố gắng cải tạo, chỉnh trang và gìn giữ những di tích mang nhiều giá trị văn hóa, tinh thần được truyền lại từ nhiều thế kỷ qua.
Sau này, giếng làng thậm chỉ không chỉ là nơi lấy nước sinh hoạt, mà là nơi giao lưu văn hóa. Người ta giặt giũ, rửa lá dong gói bánh dịp tết cũng mang ra bờ giếng để làm chung. Giếng làng được trồng ở đó những cây thân gỗ để làm bóng mát, có thể là nơi người dân nghỉ ngơi sau giờ đi làm đồng. Nơi đó buổi tối nam nữ trong làng thường hò hẹn, chờ nhau để chuyện trò. Nơi đó cũng có thể diễn ra một nghi thức trong lễ hội, hay là nơi những người mẹ thiếu sữa ban đêm trở dậy một mình đi lấy nước về đun và xin thần giếng ban cho nguồn sữa mát lành để nuôi con.
Giếng làng quan trọng, nên ở làng cổ Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) chính quyền và người dân đã hồi sinh 7 giếng cổ. Đặc biệt ông Nguyễn Duy Yên ở làng Hoàng Mai, người đã có thâm niên 17 năm cần mẫn, đều đặn ngày hai lần ra giếng vớt rác, giữ sạch giếng làng. Người dân làng Mai tự hào về những đóng góp nhỏ bé của mình. Quanh mỗi giếng cổ giờ đây như một công viên thu nhỏ, nước đã trở lại trong như xưa, giữa giếng là đài phun nước, xung quanh là những mảng thủy trúc xanh rờn. Một số hộ dân xung quanh giếng cũng tự nguyện trồng thêm cây xanh để lấy bóng mát và những giàn hoa cảnh để tạo cảnh quan xanh và đẹp cho không gian chung. Với cách làm như thế, dù đô thị hóa, cuộc sống đổi thay thì hồn giếng vẫn được giữ, được làm trong mát, trở thành những thực thể sống động góp phần tôn bồi văn hóa làng. Đó cũng là cách làm mà nhiều ngôi làng khác nên tham khảo để có thể giữ giếng sống cùng thời gian.