Rừng Tây Nguyên vẫn 'chảy máu'
Những năm qua, Tây Nguyên luôn là điểm nóng phá rừng. Toàn vùng đã phát hiện gần 5.000 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trong năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020. Cũng trong năm 2019 gần 16.000ha rừng tự nhiên ở Tây Nguyên biến mất. Dư luận đặt câu hỏi: Ai là người phá rừng và ai là người phải chịu trách nhiệm khi rừng “chảy máu”?
Đối tượng cầm đầu giấu mặt
Theo số liệu của Bộ NNPTNT: Năm 2019, tổng diện tích rừng của các tỉnh Tây Nguyên là 2.559.956 ha, chiếm 17,5% diện tích rừng cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực Tây Nguyên đạt 45,92%. Thế nhưng, năm 2019 diện tích rừng tự nhiên giảm 15.753 ha, trong đó 3 tỉnh có diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh là Đắk Lắk (11.419 ha), Đắk Nông (7.156 ha) và Gia Lai (494 ha). Vấn đề nhức nhối nhất hiện nay chính là lỗ hổng trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Từ năm 2019 đến hết tháng 5/2020, các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện 4.863 vụ vi phạm về lâm nghiệp. Đã xử lý 4.433 vụ, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 4.119 vụ, xử lý hình sự 314 vụ, tịch thu 9.898,933 m3 gỗ các loại. Tổng số tiền thu nộp ngân sách là 56 tỷ đồng.
Ngoài việc rừng bị các đối tượng lâm tặc ngang nhiên khai thác gỗ trái phép, trên thực tế rừng còn bị người dân phá, lấn chiếm trái pháp luật để trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp, cây đặc sản... Thực trạng đó đã diễn ra gay gắt từ nhiều năm, tập trung chủ yếu ở khu vực giao cho các lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, UBND xã quản lý. Song, suốt thời gian dài các cơ quan chức năng bao gồm cả lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương không đưa ra được bất cứ giải pháp căn cơ nào để khắc phục vấn nạn nhức nhối trên.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NNPTNT), hình thức phá rừng của các đối tượng ngày càng tinh vi, liều lĩnh, có tổ chức, như: Phá vào ban đêm, cắt cử người cảnh giới, sử dụng công cụ cơ giới (cưa xăng có gắn thiết bị giảm thanh)... Vì vậy, diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trái pháp luật tương đối lớn, nhiều vụ việc chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.
“Đối tượng trực tiếp phá rừng chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, dân di cư tự do, hầu hết thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống khó khăn nên khó có khả năng thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính...” – ông Thiện chia sẻ.
Ngoài ra, một số đối tượng thuê đồng bào phá rừng. Song, lực lượng chức năng lại rất khó nhận diện các đối tượng này, mà cần phải có sự vào cuộc điều tra của cơ quan công an. Trong khi đó, tình trạng khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên vẫn diễn biến phức tạp. Các điểm nóng về khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, tập trung tại các khu vực biên giới, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, những nơi còn nhiều tài nguyên rừng.
Cũng trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật quy mô lớn. Đáng nói, việc xử lý các vụ việc phá rừng, khai thác gỗ trái phép khá vất vả, nguy hiểm. Lâm tặc lộng hành tới mức sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ. Năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020 toàn khu vực xảy ra 9 vụ chống người thi hành công vụ, làm 4 công chức, viên chức kiểm lâm và bảo vệ rừng bị thương và hư hỏng nhiều tài sản khác...
Buông lỏng quản lý, tiếp tay cho lâm tặc
Có thể nói, việc buông lỏng quản lý của chính quyền một số địa phương chính là sự tiếp tay cho lâm tặc, khiến những cánh rừng ngày càng bị tàn phá nặng nề. Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho hay, do sức ép về phát triển kinh tế - xã hội do gia tăng dân số ở các vùng có rừng, đặc biệt là tình trạng dân di cư tự do dẫn đến nhu cầu về đất ở và đất canh tác tạo sức ép lớn lên rừng tự nhiên trong khu vực.
Theo ông Trị, ở một số nơi, chính quyền cơ sở lơ là trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng. Thiếu quyết liệt để rừng bị phá, lấn chiếm trái pháp luật nhưng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Một bộ phận các chủ rừng không đủ năng lực, nhân lực và kinh phí để bảo vệ rừng trên lâm phần được giao. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện do UBND xã quản lý còn lớn (khoảng 0,677 triệu ha), trong khi việc thực hiện giao đất, giao rừng và khoán bảo vệ rừng còn rất hạn chế. Thậm chí một số chủ rừng có biểu hiện buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, không phát hiện, ngăn chặn, để người dân phá rừng, xâm canh, lấn chiếm đất kéo dài tạo thành hệ lụy xấu, khó xử lý.
Một số vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật chậm được điều tra, xử lý và để tồn đọng kéo dài. Kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự về lâm nghiệp còn thấp không đủ sức răn đe, phòng ngừa. “Lực lượng kiểm lâm ở một số địa bàn chưa tham mưu kịp thời cho chính quyền cơ sở trong việc đảm bảo chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, nhất là ở các địa bàn thuộc vùng trọng điểm về phá rừng. Quá trình thực hiện nhiệm vụ còn bộc lộ nhiều hạn chế, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lâm nghiệp chưa cao. Một bộ phận công chức kiểm lâm chưa hoàn thành nhiệm vụ, cá biệt có biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm trong khi thi hành công vụ...” - ông Trị nhấn mạnh.
Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu: Chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên chỉ đạo giải quyết nhanh chóng tình trạng di dân tự do theo hướng ổn định đời sống và việc làm cho người dân. Cùng với việc xây dựng phương án toàn diện về bảo vệ phát triển rừng, xác định các vấn đề nổi cộm, các điểm nóng phá rừng để tổ chức ngăn chặn, xử lý, các cơ quan chức năng của địa phương cần đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ phá rừng, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân quản lý rừng thiếu tinh thần trách nhiệm, tiếp tay cho lâm tặc để tình trạng phá rừng xảy ra trong thời gian qua.
Năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện tới hơn gần 2.900 vụ, chủ yếu là vi phạm về vận chuyển, mua, bán lâm sản trái pháp luật. Đáng chú ý có nhiều vụ phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật quy mô lớn. Diện tích rừng tự nhiên của khu vực Tây Nguyên vẫn tiếp tục bị suy giảm, năm 2019 giảm gần 16.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng khu vực giảm 0,09% so với năm 2018.