Hà Tĩnh: Cây héo, người khô vì nắng hạn

HẠNH NGUYÊN 24/06/2020 10:55

Cây ăn quả khô héo, hoa màu không thể mọc lên, hồ đập cạn trơ đáy, ruộng đồng nứt nẻ, đặc biệt gần 600 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, phải đi xách từng can nước về dùng.

Cây ăn quả khô, héo do thiếu nước, nông dân khóc ròng.

Đó là thực trạng đang diễn ra tại “chảo lửa” Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh).

Cây ăn quả khô héo

Ngày 23/6, nhiệt độ ở Hương Khê lên đến đỉnh điểm 42 độ C, để cứu những cây cam đang chết dần vì thiếu nước, anh Nguyễn Văn Tiềm (31 tuổi, thôn Trường Sơn, xã Lộc Yên) phải đầu tư 12 triệu đồng đào thêm chiếc giếng sâu 12m để lấy nước tưới.

Cả tháng nay, gia đình anh như “ngồi trên đống lửa” vì phải chứng kiến cảnh cam, bưởi trong vườn khô héo từng ngày. Cả trang trại rộng lớn đang quằn quại trong nắng nóng. Lá cam, bưởi héo úa; cành khô khốc, dòn gãy; quả mềm nhũn, xám nắng nhăn nheo.

Trang trại của gia đình anh Tiềm có 3.000 gốc cam và bưởi, đến nay đã có hơn 200 gốc bị khô héo, hơn 100 gốc dưới 2 năm tuổi đã chết khô, không thể cứu vãn được nữa.

“Nếu trong vòng 2 - 3 tuần nữa không có mưa thì không chỉ số gốc bị héo sẽ chết mà cả trang trại của tôi cũng bị ảnh hưởng nặng. Với tình trạng như thế này, năng suất, chất lượng của cây ăn quả chắc chắn bị ảnh hưởng, thất thu là điều khó tránh khỏi. Không chỉ vậy, tuổi thọ của cây cũng giảm theo” - anh Tiềm buồn bã nói.

Cách trang trại gia đình anh Tiềm vài chục mét là trang trại rộng 1,5 ha của anh Nguyễn Văn Thân. Mặc dù trang trại này nằm sát chân đập Ông Vờm nhưng cây ăn quả ở đây cũng bắt đầu chết rải rác.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư chi bộ thôn Trường Sơn cho biết: Đập Ông Vờm xuống cấp không thể chứa nước được. Nếu đập không tích được nước, mưa không có thì toàn bộ 20 ha đất trồng lúa của thôn phải chuyển đổi chứ không thể trồng lúa được nữa.

Theo cán bộ nông nghiệp xã Lộc Yên, khoảng 40 ngày trở lại đây, trên địa bàn xã không có hạt mưa nào, trong tổng số 300 ha đất trồng cây ăn quả thì có tới 30 ha bị ảnh hưởng bởi khô hạn kéo dài. Số cây cam, bưởi chết cục bộ khá nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của bà con nông dân, đặc biệt những cây dưới 2 năm tuổi đều bị chết héo hết.

Một cây bưởi đã thu hoạch nhiều năm nhưng vẫn bị chết khô.

Xin từng can nước về uống

Không chỉ thiếu nước sản xuất mà gần 600 hộ dân ở các xã Hương Lâm, Hương Liên, Điền Mỹ của huyện Hương Khê đã thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Người dân các xã này phải tận dụng nước ao hồ tồn đọng, mua vòi bắt nước từ các khe suối hoặc đi xin từng can nước ở các hộ khác để ăn, uống, sinh hoạt.

Chị Nguyễn Thị Tâm (thôn 4, xã Hương Lâm) cho hay, gia đình chị phải bỏ ra 5 triệu đồng mua đường ống dẫn nước từ khe suối trên rừng về chắt lấy nước ăn. “Nhiều khi nước khe không có, vợ chồng tôi phải đi xin từng can của những hộ dân trong hoặc ngoài xã có nước giếng khoan hoặc xách từ các ao hồ tù đọng để về ăn. Trời đã nắng lại còn thiếu nước nên cuộc sống cả gia đình tôi bị đảo lộn. Thiếu gì chứ thiếu nước là khổ sở nhất trên đời” - chị Tâm than vãn.

Để có nước nấu ăn bữa trưa, bà Trần Thị Hòa (xã Hương Lâm) phải gồng gánh, xách can đi xin nhà người quen có giếng khoan cách nhà 4 km. Mới chớm vào mùa hè nhưng chị Hòa phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt cả chục ngày nay. “Người lớn có thể chịu đựng được nhưng thương nhất là trẻ con, đội nắng đi học giữa nhiệt độ 40-42 độ C, về nhà lại không đủ nước để ăn, uống, tắm rửa. Nhiều đứa phát bệnh vì nắng nóng, thiếu nước” - chị Hòa nói.

Ông Lê Hữu Thức, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Lâm cho biết: Đến nay, nguồn nước tại 4 hồ đập trên địa bàn đều cạn trơ đáy, giếng đào của các hộ dân cơ bản đã cạn nước chỉ còn một số giếng khoan là còn nước dùng. Để có nước sinh hoạt, người dân trong xã phải lắp đường ống từ khe suối trên rừng kéo về, hộ xa nhất cách khe nước khoảng 3 km, hộ gần nhất khoảng 1-2 km. Trung bình mỗi hộ dân phải bỏ ra 5-10 triệu mua ống nước.

Nhiều người phải đi xin từng can nước về dùng.

Theo ông Thức, 2 năm nay, người dân trong xã phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt như thế này. Cuộc sống của hơn 400 hộ dân trong xã bị đảo lộn do thiếu nước sinh hoạt. Đáng nói, nước sinh hoạt người dân có thể xoay xở được nhưng hoa màu thì không thể sống nổi, chết khô hết. Hiện nay, 50 ha ngô và đậu đã gieo tỉa không thể mọc lên được, 25 ha lúa khô hạn, đất nứt nẻ không thể phát triển được. “Nếu nắng nóng hết tháng này thì toàn bộ lúa Hè Thu cũng chết cháy hoàn toàn”, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Lâm dự báo.

Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hương Khê thông tin, trong 23 ngày qua trên địa bàn huyện hoàn toàn không có mưa và nắng nóng liên tục. Cá biệt, một số xã như Lộc Yên, Phúc Trạch, Hương Đô… thời gian nắng nóng đã kéo dài đến trên dưới 40 ngày, tình trạng hạn hán hết sức căng thẳng.

Thống kê chưa đầy đủ, hiện đã có 1.500 ha đậu, ngô Hè Thu gieo trỉa không mọc hoặc chết yểu; 1.000 ha cam, bưởi thiếu nước, nhiều vùng ở xã Phúc Trạch, Hương Đô cây bị chết khô. Có khoảng 200/2.000 ha lúa hè thu thiếu nước, nếu với đà nắng nóng tiếp tục kéo dài như hiện nay lo sợ 200 ha lúa sẽ chết và diện tích cam, bưởi chết cũng sẽ tăng rất nhanh.

Đối với nước sinh hoạt, tính đến thời điểm này toàn huyện có khoảng 600 hộ thiếu nước sinh hoạt; tập trung ở các xã Hương Lâm (400 hộ); Hương Liên (100 hộ); Điền Mỹ (70 hộ).

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hương Khê khuyến cáo người dân cần tận dụng tối đa nguồn nước tại các ao, hồ, luồng lạch, khe núi để lấy nước sinh hoạt, tưới tiêu. Sử dụng các phế phẩm nông nghiệp như cây lạc, vừng tấp ủ gốc cây ăn quả, bọc quả cho cam, bưởi để hạn chế cháy xém, mất nước...

“Hương Lâm và Hương Liên là 2 xã đặc thù, thường xuyên thiếu nước sinh hoạt. Hiện nay, dự án xây dựng đập Trại Dơi - phục vụ nước sinh hoạt, tưới tiêu, cắt lũ cho vùng thượng huyện Hương Khê, trong đó có 2 xã Hương Lâm và Hương Liên - đã được cơ quan chức năng Hà Tĩnh khảo sát, lập quy hoạch và xây dựng đề án. Tuy nhiên, nguồn vốn xây dựng đập Trại Dơi chỉ có thể dựa vào Trung ương chứ tỉnh và huyện không đủ nguồn lực”, ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hương Khê kiến nghị.

Lá cây cam khô dòn, héo úa vì thiếu nước tưới.
Nỗi khổ của người dân chảo lửa Hương Khê là phải đi xin từng can nước về sinh hoạt.
Hai năm nay, người dân xã Hương Liên và Hương Lâm thiếu nước sinh hoạt.
Anh Nguyễn Văn Tiềm phải đào thêm giếng để lấy nước tưới tiêu.

HẠNH NGUYÊN