Đấu tranh khó lắm thay
Ngoài việc để lộ lọt thông tin của người khiếu nại, tố cáo khiến họ bị hành hung, thì nhiều cơ quan có trách nhiệm còn bắt người khiếu nại, tố cáo phải chờ “dài cổ”.
Một cán bộ tư pháp - hộ tịch phường Lê Hồng Phong (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) sau khi làm việc với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thái Bình về đơn tố cáo của mình, trên đường đón con đã bị kẻ xấu chặn đánh đến bất tỉnh nhân sự.
Hiện còn quá sớm để nói những kẻ hành hung ông Vũ Văn P. có liên quan đến những người bị ông này tố cáo hay không. Song, theo đơn trình báo công an của ông P. thì không hề có mâu thuẫn với ai đến mức họ phải chặn đánh ông đến bất tỉnh khi đang chở hai con nhỏ.
Tất nhiên là khi đã có đơn trình báo của ông P., Công an TP Thái Bình sẽ phải xác minh và buộc phải làm rõ kẻ nào chặn đánh vị cán bộ phường đến bất tỉnh giữa đường, nguyên nhân vì đâu. Bởi, nếu vụ việc này bị “chìm xuồng”, dư luận xã hội có quyền nghi ngờ việc ông P. bị chặn đánh giữa đường có liên quan đến những nội dung tố cáo một số lãnh đạo vi phạm nguyên tắc tổ chức Đảng và pháp luật của Nhà nước. Có hay không việc ai đó đứng đằng sau “giật dây” đám côn đồ thì phải chờ cơ quan công an kết luận.
Có thể trường hợp ông P. bị chặn đánh chỉ là tình cờ, không liên quan gì đến những người bị ông tố cáo. Song, dù như vậy thì cơ quan công an cũng phải bắt cho kỳ được nghi phạm, đưa ra được bằng chứng thuyết phục vì sao chúng hành hung vị cán bộ phường Lê Hồng Phong.
Có như vậy thì người dân Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung mới giải tỏa được nỗi thắc mắc, sự nghi kỵ rằng liệu có phải “đấu tranh, tránh đâu” hay không?! Việc truy bắt thủ phạm hành hung ông P. cũng là để trả lại sự trong sạch cho những người đang bị tố cáo, rằng họ vô can chứ không tìm cách trả thù người tố cáo.
Nhưng nếu khi tra xét mà xác định đúng là có người nào đó đứng đằng sau giật dây sai khiến đánh dằn mặt do ông P., vì dám đứng ra tố cáo những hành vi sai trái của lãnh đạo phường Lê Hồng Phong, thì cần phải xử lý hình sự nhưng không phải là đồng phạm với đám côn đồ mà phải là chủ mưu trong vụ việc.
Như vậy mới có thể củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc dám đấu tranh với những cái sai, cái xấu. Dư luận mong muốn chân lý phải được sáng tỏ, công lý phải được thực thi nghiêm túc.
Dư luận nghi ngờ có người đứng sau điều khiển nhóm côn đồ chặn đánh ông P. không phải là không có lý, bởi đã từng có rất nhiều tiền lệ tương tự như vậy. Chẳng phải riêng người dân, cán bộ phường..., ngay cả đến nhà báo cũng bị các đối tượng xã hội đe dọa giết cả gia đình vì đã chạm vào lợi ích của chúng. Song, vấn đề ở chỗ, vì sao những người bị tố cáo có thể biết họ bị ai tố cáo, tố cáo nội dung gì, trong khi Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo cấm tuyệt đối những cá nhân, tổ chức thụ lý đơn không được tiết lộ?
Theo quy định của pháp luật, người khiếu nại, tố cáo có quyền được giữ kín nhân thân, được bảo vệ khỏi sự trù dập, đe dọa đến tính mạng và tài sản. Những cá nhân, tổ chức thụ lý giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo phải có trách nhiệm giữ kín thông tin liên quan đến người khiếu nại, tố cáo, đồng thời phải có trách nhiệm bảo vệ người khiếu nại, tố cáo. Luật quy định là vậy, nhưng trên thực tế, trong hầu hết các vụ việc, người bị tố cáo bằng cách nào đó vẫn biết chính xác ai, ở đâu đã đứng tên trong đơn tố cáo mình.
Không ít cơ quan có trách nhiệm giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo không chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật, vô tình hay cố ý để lộ lọt thông tin của người khiếu nại, tố cáo cho người bị khiếu nại, tố cáo, để rồi nảy sinh những vụ trả thù đê hèn, nhẹ là bị trù dập tại cơ quan, nặng là bị hành hung gây thương tích, thậm chí là mất mạng.
Song, cho đến thời điểm này, chưa có bất cứ một cá nhân, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm khi để lộ thông tin khiến người khiếu nại, tố cáo gặp nguy hiểm tính mạng, tài sản.
Đó là lý do vì sao mà rất ít người dám dũng cảm đứng ra đấu tranh, tố cáo những hành vi sai phạm, vi phạm pháp luật. Hầu hết mọi người đều chọn giải pháp “im lặng là vàng”, nghĩa là việc của họ chẳng liên quan gì đến mình, chớ có dây vào kẻo “đầu chẳng phải lại phải tai”.
Hệ lụy tất yếu của việc đa số không dám đấu tranh để bảo vệ cái đúng, cái chính nghĩa, sẽ là cái ác sẽ lộng hành, cái sai trở thành bình thường khiến mọi người sống trong nỗi lo sợ nơm nớp, hoặc phải xun xoe, nịnh bợ để lấy lòng cấp trên.
Ngoài việc để lộ lọt thông tin của người khiếu nại, tố cáo khiến họ bị hành hung, thì nhiều cơ quan có trách nhiệm còn bắt người khiếu nại, tố cáo phải chờ “dài cổ” cũng không được thụ lý giải quyết, hoặc có thụ lý nhưng bị “ngâm tôm” cho đến khi họ tự chán mà từ bỏ. Trong mỗi lần báo cáo trước Quốc hội, chẳng phải tỷ lệ chậm giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo vẫn rất cao đó sao?
Mới đây nhất, qua giám sát của MTTQ đã phát hiện ra TP HCM - một thành phố văn minh, sầm uất, cũng có tỷ lệ vi phạm thời gian giải quyết khiếu nại, tố cáo theo luật định khá cao. Vậy mới nói, đấu tranh khó lắm thay!