Giá trị của thời điểm

Hoàng Yến 25/06/2020 04:36

Giá trị của bất cứ chính sách hỗ trợ nào cũng đều nằm ở mục đích và thời điểm mà nó ra đời. Nếu một chính sách hỗ trợ không kịp thời đến với người được thụ hưởng sẽ giảm ý nghĩa thực tế mà gói hỗ trợ muốn hướng đến, đó là đúng và trúng thời điểm.

Câu chuyện này cần ứng với việc chi trả gói hỗ trợ an sinh 62 nghìn tỷ đồng đang diễn ra ở nhiều địa phương.

Chi trả hỗ trợ người nghèo ở tỉnh Vĩnh Long.

Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết 42 /NQ-CP của Chính phủ ra đời chưa có trong tiền lệ, được xem như là phao cứu sinh đối với khoảng 20 triệu người gặp khó khăn do dịch Covid-19. Cho đến thời điểm này, gói hỗ trợ đã phê duyệt hỗ trợ cho khoảng 16 triệu người, với tổng kinh phí chi hỗ trợ trên 17.500 tỷ đồng. Kho bạc Nhà nước Việt Nam đã giải ngân 10.500 tỷ đồng để hỗ trợ cho trên 10 triệu người và trên 2.600 hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, qua triển khai công tác chi trả, một số nhóm đối tượng vẫn chưa tiếp cận được nên việc hỗ trợ được là rất ít. Cụ thể, với nhóm đối tượng là hộ kinh doanh, số lượng hộ kinh doanh kê khai nhận chính sách rất ít. Hiện mới có gần 18.000 hộ kinh doanh được cơ quan thuế thẩm tra và mới chi trả cho gần 3.000 hộ...

Như vậy, còn rất nhiều người dù trong diện đối tượng được phê duyệt thụ hưởng chính sách vẫn chưa tiếp cận được với gói hỗ trợ, trong đó còn một số trường hợp tại các địa phương đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ, do họ không có mặt tại địa phương, hoặc trùng lặp, cần rà soát kỹ. Thậm chí một số địa phương còn thiếu kinh phí thực hiện…từ đó dẫn đến việc triển khai ở cấp cơ sở còn lúng túng, khiến cho công tác chi trả hỗ trợ chưa đảm bảo được tính kịp thời.

Một trong những lý do khiến việc chi trả chưa được kịp thời mà ông Lê Quân-Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội khi trao đổi với báo chí đã chỉ ra rằng, đó là triển khai chậm, mất nhiều thời gian trong khâu rà soát do quá thận trọng, cầu toàn dẫn đến việc hỗ trợ đối tượng chưa kịp thời, làm giảm ý nghĩa của gói hỗ trợ, nhất là với nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động.

Trên thực tế, việc các địa phương thận trọng trong khâu rà soát khiến quy trình này chậm lại cũng có nhiều lý do, trong đó có “áp lực” đảm bảo được tính chính xác của đối tượng thụ hưởng nên phải dành rất nhiều thời gian và công sức để rà soát cho trúng. Bài học nhỡn tiền từ một số địa phương ở Thanh Hóa khi đưa hàng loạt người không thuộc diện hộ nghèo vào đối tượng thụ hưởng chính sách cùng những lùm xùm xung quanh câu chuyện rà soát đối tượng càng khiến cho các địa phương khác thận trọng hơn.

Chưa kể, nhiều địa phương gặp khó khăn, vướng mắc để xác định chính xác các đối tượng thụ hưởng do không có hệ thống theo dõi thống nhất, chủ yếu là rà soát bằng phương pháp thủ công, nên độ chính xác không cao. Lao động ngoại tỉnh làm việc tại các thành phố lớn tạm hoãn hợp đồng lao động nghỉ việc không hưởng lương còn thiếu thông tin, dữ liệu để so sánh, đối chiếu. Từ đó khiến cho UBND cấp xã, phường, thị trấn rất khó khăn trong việc xác định mức thu nhập của người lao động có thấp hơn mức chuẩn cận nghèo để đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ hay không.

Thận trọng rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách là ưu tiên hàng đầu trong công tác triển khai hỗ trợ nhưng một ưu tiên không kém phần quan trọng là phải đảm bảo được tính kịp thời của gói hỗ trợ. Đặc biệt, việc rà soát và hỗ trợ cho lao động tự do mất việc và hộ kinh doanh cần triển khai nhanh chóng thì mới đáp ứng được ý nghĩa thực tế của gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”- cần hiểu giá trị thời điểm của gói hỗ trợ này đối với một số nhóm đối tượng cụ thể như câu tục ngữ trên mới có thể thấy hết được ý nghĩa vì sao hỗ trợ là phải kịp thời.

Để tháo gỡ những vướng mắc, theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, ông Lê Quân, Bộ đã và đang phối hợp các bộ ngành dự thảo sửa đổi Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, theo hướng giảm bớt các điều kiện. Ví dụ, doanh nghiệp không cần chứng minh về mất cân đối quỹ lương khi vay vốn mà chỉ cần sụt giảm doanh thu. Với người lao động ngừng việc do Covid-19 (được hỗ trợ 1,8 triệu đồng), Bộ LĐTBXH cũng đề xuất bỏ tiêu chí “hỗ trợ khi doanh nghiệp không có doanh thu”...

Có thể nói, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là một Quyết định vì dân và việc sửa đổi Quyết định này theo hướng giảm bớt các điều kiện, để người dân dễ tiếp cận càng cho thấy sự lắng nghe dân, hành động vì dân của Chính phủ.

Hiện nay, sau đại dịch Covid-19, đời sống của người dân và người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn, chưa kể, dự báo số lượng người lao động ngừng việc và mất việc có xu hướng tăng nhẹ trong quý 3, vì vậy hơn bao giờ hết, chính sách hỗ trợ càng cần phải được triển khai ngay.

Vì gói hỗ trợ an sinh 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ là gói hỗ trợ trong dịch và có thời hạn từ tháng 4 đến hết tháng 6/2020. Như vậy yêu cầu đặt ra đối với các địa phương là cần phải tiếp tục tập trung cao độ để triển khai thực hiện gói hỗ trợ này, bên cạnh việc chấn chỉnh những sai phạm, khắc phục những trùng lặp của quá trình rà soát đối tượng thì cần bảo đảm việc chi trả hoàn thành xong cho tất cả các nhóm đối tượng trong tháng 7/2020.

Để bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả của chính sách, các địa phương đều cho phép tính đến độ trễ của việc ban hành và tổ chức thực hiện các quy định. Nhưng có lẽ, chỉ nên “trễ vừa” nếu trễ quá thì ý nghĩa của tính kịp thời từ một chính sách vì dân sẽ mất đi nhiều giá trị.

Hoàng Yến