Linh hoạt tuyển sinh nghề
Cùng với chuyển hướng tuyển sinh trên mạng xã hội, Tổng cục GDNN cũng yêu cầu các trường linh hoạt trong đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo trực tuyến.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) vừa tổ chức Hội nghị tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm năm 2020 cho các tỉnh thành phía Nam. Đây là dịp để xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tuyển sinh, đào tạo nghề và giải quyết việc làm sau ra trường cho người học nghề. Đồng thời yêu cầu về việc linh hoạt trong tuyển sinh đào tạo nghề cũng đã được đặt ra.
85% sinh viên cao đẳng nghề ra trường có việc làm
Theo đánh giá của TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN: Về công tác tuyển sinh, giải quyết việc làm năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, hiện nay cả nước có 1.914 cơ sở GDNN, trong đó có 399 trường cao đẳng (CĐ), 462 trường trung cấp và 1.053 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên (GDNN, GDTX). Mạng lưới các cơ sở GDNN rộng khắp cả nước tạo thuận lợi cho người học.
Báo cáo của 63 tỉnh/thành phố cho thấy kết quả tuyển sinh năm 2019 đạt 103,5% so với kế hoạch, trong đó tuyển sinh trung cấp, CĐ là 568.000 người, đạt 101,4% so với kế hoạch. Cụ thể, CĐ tuyển sinh được 236.000 sinh viên, trung cấp 332.000 người học… Kết quả tốt nghiệp và giải quyết việc làm sau tốt nghiệp năm 2019, tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh/thành phố cho biết tỉ lệ học sinh, sinh viên (HSSV) có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 80%, trong đó sinh viên CĐ ra trường có việc làm đạt 85%, trung cấp 80%.
Tuy nhiên, số liệu kết quả tuyển sinh 5 tháng đầu năm 2020 của các địa phương trên cả nước chỉ đạt khoảng đạt 844.900 người, bằng 57% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ đạt khoảng 21% so với kế hoạch tuyển sinh năm 2020. Trong đó kết quả tuyển sinh trung cấp, CĐ chỉ đạt 30% với cùng kỳ 2019 và đạt khoảng 5% với kế hoạch 2020. Những con số này với tuyển sinh trình độ sơ cấp lần lượt là 60% và 27%.
Theo ông Vũ Xuân Hùng, kết quả tuyển sinh thấp là do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ trong những tháng đầu năm 2020 đã ảnh hưởng nặng nề công tác tuyển sinh và đào tạo trong các cơ sở GDNN. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp du lịch, bị gián đoạn hoạt động, do vậy các hoạt động thực hành thực tập của người học gặp nhiều trở ngại, nhất là đối với các nghề du lịch. Việc tổ chức, triển khai đào tạo trực tuyến trong mùa dịch tại những trường ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn do điều kiện về hạ tầng công nghệ, thiết bị học tập.
Đẩy mạnh tuyển sinh qua mạng xã hội
Theo chia sẻ của các trường nghề, trong các tháng đầu năm 2020, hầu hết các cơ sở GDNN mới chỉ tập trung làm công tác thông tin, tuyên truyền tư vấn và tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh qua các kênh tuyển sinh online.
Để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh GDNN đã đề ra đạt 2.260.000 người, trong đó trung cấp và CĐ đạt 580.000 người, ông Vũ Xuân Hùng cho biết kế hoạch tuyển sinh của các trường được đẩy mạnh từ tháng 6/2020 và tập trung cao điểm từ tháng 7 đến tháng 10. Trong đó, các trường cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh cả trực tiếp và trực tuyến; các cơ sở GDNN có thể thiết lập các chuyên trang về tuyển sinh của các trường trên các trang mạng xã hội (facebook, twitter, viber, zalo...) hoặc trên website của trường để thực hiện công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh online.
Liên quan đến tuyển sinh qua mạng xã hội, ông Hùng cho hay trong khoảng 4 năm lại đây, một số trường cũng đã triển khai tuyển sinh trực tuyến, để hỗ trợ cho tuyển sinh trực tiếp. Trong đó, các khoa về công nghệ thông tin, kỹ thuật của các trường nghề đều tăng cường hình thức này và mang lại hiệu quả nhất định, có những trường đã thu hút tới 40-60% thí sinh theo học bằng kênh này. Thích ứng với tình hình mới, nhiều trường đã đẩy mạnh hình thức tuyên truyền qua mạng xã hội.
Trước đó từ cuối năm 2019, Tổng cục GDNN đã công bố trang thông tin tra cứu văn bằng GDNN và trang thông tin kết nối doanh nghiệp. Năm 2020, hệ thống này tiếp tục cập nhật dữ liệu để quản lý nguồn học sinh, sinh viên đầu vào lẫn đầu ra. Đồng thời, hệ thống này triển khai quản lý số liệu tuyển sinh trực tuyến và từ đó sẽ quản lý thông tin cụ thể cho hơn 1.900 cơ sở GDNN và 63 tỉnh thành về thông tin tuyển và hiệu quả từng nghề.
Trước thực trạng trường nghề khó tuyển sinh lâu nay, đặc biệt là trong năm 2020, Tổng cục GDNN đã hướng dẫn các trường, địa phương thực hiện một số giải pháp tuyển sinh. Đặc biệt là các trường đẩy mạnh tuyển sinh trực tuyến qua website của nhà trường, Tổng cục GDNN... trên cơ sở thông tin người học đã đăng ký. Đến nay, nhiều trường đã thông báo đẩy mạnh tuyển sinh theo hình thức online, đơn cử như Trường Cao đẳng nghề (CĐN) Công nghệ cao Hà Nội, CĐN Công nghiệp Hà Nội, CĐN Bách khoa Hà Nội, CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội...
Đánh giá từ Tổng cục GDNN, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, khả năng tuyển vượt được chỉ tiêu sẽ gặp khó khăn, nhưng đáp ứng chỉ tiêu là điều khả thi. Cùng với chuyển hướng tuyển sinh trên mạng xã hội, Tổng cục GDNN cũng yêu cầu các trường linh hoạt trong đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo trực tuyến.
Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết: Việc đào tạo trực tuyến là thách thức và cơ hội với các trường nghề trong việc đòi hỏi thích ứng với tình hình dịch bệnh nhưng cũng là dịp chuyển dịch đào tạo theo hướng công nghiệp 4.0. Với GDNN, với những đặc thù riêng của các trường liên quan đến thực hành ở nhà xưởng hay đi thực tế ở các doanh nghiệp cần bố trí phù hợp. Dạy và học trực tuyến cũng là dịp để các trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo.
Tại Hội nghị tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm năm 2020 cho các tỉnh thành phía Nam diễn ra ngày 23/6 vừa qua đánh giá về những thách thức mà hệ thống GDNN đang đối mặt, TS Trương Anh Dũng -Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN nhận định: Hiện nay GDNN đang phải đối diện với 3 thách thức lớn. Đó là, GDNN chưa thực sự là con đường hấp dẫn nhất với học sinh; tuyển sinh còn khó khăn, các điều kiện đảm bảo chất lượng còn hạn chế; hiệu quả đào tạo, việc làm sau đào tạo chưa bền vững.
Do đó, trong giai đoạn tới hệ thống GDNN phải tăng quy mô và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo; phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt; chuyển đổi mô hình đào tạo truyền thống sang gắn kết doanh nghiệp, với mục tiêu doanh nghiệp phải là trường thứ 2.