Bằng lái xe hạng A0: Có vẽ rắn thêm chân?
Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ hiện đang có từ hạng A1 đến F, Bộ Giao thông vận tải vừa đề xuất thêm hạng A0 dành cho người trên 16 tuổi với mong muốn thay đổi ý thức người tham gia giao thông, đặc biệt là học sinh THPT.
Tuy nhiên, không ít ý kiến bày tỏ sự không đồng tình khi cho rằng việc thi bằng lái xe A0 gây tốn kém, lãng phí và không giải quyết được mục tiêu thay đổi ý thức của người tham gia giao thông.
Hiện, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Đáng chú ý nội dung bổ sung giấy phép lái xe A0 cho người trên 16 tuổi còn nhiều ý kiến băn khoăn.
Có thể hiểu đơn giản, nếu được thông qua, bằng lái xe A0 sẽ được cấp cho các loại phương tiện sau: Xe gắn máy hay thường được gọi là xe từ 50 phân khối (50cm3) trở xuống; xe máy điện; xe đạp điện có công suất động cơ không vượt quá 04kw. Cũng theo dự thảo, giấy phép lái xe hạng A0 được cấp cho người đủ 16 tuổi trở lên. Theo đó, hàng triệu người đang điều khiển xe dưới 50cm3 sẽ phải tham gia đào tạo để được cấp bằng lái theo quy định.
Ở góc nhìn quản lý, theo bà Hoàng Hồng Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thanh tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), việc quy định hạng giấy phép lái xe A0 trong dự thảo luật này là để phù hợp với các quy định của Công ước Vienna. Đồng thời đáp ứng được yêu cầu thực tế là người lái xe phải có hiểu biết về quy tắc giao thông đường bộ, có kỹ năng lái xe tốt để đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông khác. Ở Việt Nam, theo Luật GTĐB năm 2008, người điều khiển xe gắn máy dưới 50cc không cần GPLX.
Do vậy, rất nhiều trường hợp cha mẹ học sinh sẵn sàng bỏ tiền mua xe cho con để tự đến trường. Nhưng thực tế, không ít trường hợp các em học sinh thiếu kỹ năng điều khiển phương tiện, gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, 90% số vụ TNGT đối với trẻ em trong những năm gần đây là rơi vào nhóm từ 16-18 tuổi.
Tuy nhiên, với đề xuất trên của Bộ GTVT, chị Nguyễn Vân Hà, quận Cầu Giấy, Hà Nội có con đang học THPT lo ngại: Một học sinh 16 hay 17 tuổi phải học để đi thi lấy bằng A0, sử dụng được một hai năm sau, khi đủ 18 tuổi lại phải thi bằng A1, như vậy sẽ rất tốn kém về thời gian, tiền bạc và phát sinh thủ tục hành chính. Các kiến thức môn học trong trường học thì quá nhiều nhưng ít có môn được áp dụng và sử dụng trong đời sống thực. Trong khi môn giao thông là một môn rất quan trọng, liên quan tính mạng con người nhưng tại sao không biên soạn môn giao thông để dạy cho học sinh? Mặt khác, bằng lái xe chỉ là hình thức nếu học sinh không nghiêm túc tiếp thu kiến thức, quy định pháp luật về giao thông đường bộ.
Đồng quan điểm, anh Phạm Minh Hà, ngõ 102 Trường Chinh, quận Đống Đa cũng cho rằng: Việc cấp giấy phép lái xe hạng A0 không cần thiết và gây lãng phí vì thời hạn sử dụng chỉ khoảng 3 năm. Vấn đề này gây tốn kém rất nhiều cho người dân. Vả lại đa số đối tượng này là học sinh nên ta có thể lồng ghép và thực tế cũng đã dạy luật giao thông trong trường học cho các em. Bên cạnh đó, kết hợp với biện pháp giáo dục, kiểm tra của nhà trường và của ngành giao thông là đủ. “Nên chăng đưa môn học luật giao thông đường bộ vào dạy ở môn học GDCD lớp 9”, anh Hà gợi ý.
Không ủng hộ đề xuất trên, một chuyên gia cho rằng, Bộ GTVT không cần phải ban hành bằng lái xe hạng A0 làm gì, vì quan trọng vẫn là ý thức của mỗi học sinh. Bởi nhiều người lớn có bằng lái xe nhưng ý thức kém vẫn không thể chấp hành tốt luật giao thông. Chúng ta có thể đưa việc chấp hành luật giao thông của học sinh kèm vào môn học để giáo dục, nhắc nhở tinh thần, hoặc có thể đưa vào để xét bậc hạnh kiểm. Khi học sinh vi phạm an toàn giao thông khi lái xe thì sẽ bị hạ bậc.
“Nên tìm 1 giải pháp đưa vào trường học là thực tế nhất. Từ cấp học nhỏ cho đến lớn, cứ như vậy dần thành thói quen, vì lúc nào trong thời gian học học sinh đều được thông tin, theo dõi tình hình tai nạn giao thông, biết hiểm họa của nó, và dần học sinh sẽ tự giác có ý thức khi tham gia giao thông”, vị chuyên gia nói.
Cũng có ý kiến bày tỏ, giấy phép lái xe không quyết định được ý thức của các cháu học sinh, ý thức chỉ có khi các cháu được giáo dục đúng hướng từ gia đình và nhà trường. Thay vì tổ chức thi cử tốn kém cho cả gia đình và xã hội thì hãy tạo ra môi trường giáo dục tốt để các cháu có ý thức tốt. Như câu chuyện có giấy phép lái xe mà vẫn lùi xe trên cao tốc là một bằng chứng về ý thức, và cũng vì những người không có ý thức như vậy mới tạo ra pháp luật để trị.