Một triệu doanh nghiệp năm 2020 - có khả thi? - Bài 4: Hộ kinh doanh vẫn không muốn 'lớn'
Chỉ một phần nhỏ trong số 5 triệu hộ kinh doanh cá thể muốn vươn lên thành doanh nghiệp (DN), thì con số 1 triệu DN trong năm 2020 do Chính phủ đặt ra hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, trên thực tế rất ít hộ kinh doanh cá thể muốn lớn lên thành DN. Lý do được các chuyên gia kinh tế đưa ra là nếu thành DN, họ sẽ phải đội thêm vài chiếc “vòng kim cô” cương tỏa.
Sợ “lớn” vì thêm nhiều gánh nặng
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cả nước hiện có trên 3,5 triệu hộ kinh doanh được cấp mã số thuế và có hơn 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ. Với khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh, ước tính tổng tài sản khoảng trên 655 nghìn tỷ đồng, tạo ra khoảng trên 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu, nộp 12.362 tỷ đồng tiền thuế, giải quyết 7,945 triệu lao động. Các hộ kinh doanh cá thể đang đóng góp một phần không nhỏ cho nền kinh tế nước nhà.
Theo kỳ vọng của giới chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý nhà nước, nếu một phần nhỏ trong số 5 triệu hộ kinh doanh cá thể nói trên đăng ký lên DN, mục tiêu 1 triệu DN trong năm 2020 này không hề khó khăn. Khi nói về mục tiêu 1 triệu DN trong năm 2020 đang được dư luận xã hội quan tâm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khẳng định: “Trong số 5 triệu hộ kinh doanh hiện nay, rất nhiều hộ hoạt động với quy mô không thua kém gì DN. Chỉ cần những hộ kinh doanh đó đăng ký chuyển đổi thành DN, mục tiêu 1 triệu DN là hoàn toàn khả thi...”.
Tuy nhiên, thực tế diễn ra không như mong đợi của giới chuyên gia, nhà quản lý. Số liệu khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, trong số 5 triệu hộ sản xuất kinh doanh hiện nay, có tới 11% hộ kinh doanh nằm trong diện có thể chuyển đổi thành DN, tức là sử dụng lao động thường xuyên từ 10 người trở lên. Tuy nhiên, chỉ một nửa trong số 11% kia (khoảng 5,6%) có dự kiến sẽ chuyển đổi thành DN, còn lại vẫn chọn mô hình kinh doanh hộ gia đình.
“Thủ tục thuế quá rườm rà, phải thêm nhiều chi phí, đối diện với nhiều vấn đề “nhạy cảm” như thanh tra, kiểm tra, chi phí ngoài luồng... chính là những lý do khiến cho phần lớn các hộ kinh doanh cá thể không muốn phát triển lên thành DN...” – chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Minh Thu, chủ một nhà hàng kinh doanh đồ ăn tại Hà Nội với số nhân công thường xuyên trên 10 người, cho biết: Nhà hàng đã hoạt động được trên 10 năm nay với doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng mỗi năm. Song, bà Thu khẳng định: “Chúng tôi biết mình có đủ điều kiện để đăng ký chuyển đổi thành DN, nhưng thực sự không có nhu cầu...”.
Nguyên nhân không muốn trở thành DN được vị chủ hộ kinh doanh chia sẻ: Nếu “lớn” thành DN cũng đồng nghĩa với việc phải thực hiện hàng loạt những yêu cầu về thủ tục hành chính như sổ sách kế toán, lo nhiều loại thuế, rồi tiếp nhiều đoàn kiểm tra, chưa kể sẽ có nhiều loại giấy phép con đẻ ra...
“Điều này đương nhiên đội chi phí lên nhiều, trong khi nếu vẫn hoạt động là hộ kinh doanh cá thể sẽ tránh được những điều đó...” - bà Thu chia sẻ.
Là chủ một cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm với số lượng nhân công thường xuyên khoảng 12 người, ông Nguyễn Văn N. (Vinh, Nghệ An) cũng có tâm lý “ngại lớn” như hàng loạt hộ kinh doanh cá thể khác. Điều ông N. cảm thấy “ngại” nhất chính là việc phải tiếp nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra các cấp với mật độ dày đặc.
“Chưa kể chính quyền địa phương cấp phường, quận thỉnh thoảng ghé thăm đề nghị ủng hộ cán bộ đi nghỉ mát... Liên tục bị làm phiền như thế, làm sao có thể yên tâm mà làm ăn...” – ông N. than thở.
Làm sao “thuyết phục” hộ kinh doanh?
Với những băn khoăn từ phía các hộ kinh doanh có thể thấy, nhiều hộ kinh doanh cá thể chưa nhìn rõ lợi ích của việc chuyển đổi thành DN, cái mà họ thấy chỉ là những rắc rối và sự bất lợi khi chuyển đổi thành DN. Câu chuyện liên quan đến rào cản thuế, rồi các vấn đề, thủ tục hành chính khác lâu nay vẫn là mối lo lớn đối với các hộ kinh doanh.
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những trở ngại về thủ tục hành chính, điều kiện hoạt động kinh doanh không thuận lợi đang là những vướng mắc cơ bản. Thậm chí chính những trở ngại này còn khiến nhiều DN tình nguyện chuyển thành... hộ kinh doanh cá thể.
Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nêu quan điểm: Khi nào các hộ kinh doanh cá thể không còn nhìn thấy rào cản, chỉ thấy những lợi ích lớn trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, họ mới có động lực để lớn lên thành DN.
Cũng theo TS Lê Đăng Doanh, khi thấy môi trường kinh doanh thuận lợi, thấy rõ được những lợi ích có được khi chuyển đổi thành DN, khi tâm lý được an tâm... các hộ kinh doanh sẽ tự nguyện chuyển đổi thành DN.
“Cần thừa nhận rằng, so với trước đây, những rào cản trong môi trường kinh doanh đã giảm thiểu, song cần lắm những cơ chế, chính sách để làm sao khuyến khích được các hộ kinh doanh cá thể, để họ thấy việc họ đăng ký thành DN thì có lợi ra sao, chứ không phải suốt ngày chỉ nơm nớp lo tiếp đoàn này, đoàn nọ, lo chi phí này, chi phí kia...” - TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để mục tiêu 1 triệu DN trong năm 2020 được hiện thực hóa, cần sự đồng thuận của hộ kinh doanh cá thể, bởi đây là một lực lượng rất hùng hậu có thể bổ sung vào khối DN nhỏ và vừa của cả nước hiện nay. Song, phải làm sao để “thuyết phục” họ lại là cả một vấn đề không hề dễ giải quyết.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cởi mở hơn, thiết thực hơn, phải đồng bộ trong tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh mới tạo được tâm lý an tâm cho các hộ kinh doanh để họ có thể mạnh dạn tự lớn. Hiện, cơ chế vẫn khá gò bó, những chính sách có tính ưu đãi, thông thoáng dường như mới chỉ tập trung ở khâu thành lập DN, hỗ trợ động viên khởi nghiệp, còn sau đó DN sống ra sao chưa được quan tâm đúng mức.