Nắng như đổ lửa: Thầy trò phải đào giếng giữa lòng suối
Để có nước phục vụ cho hơn 400 học sinh, các thầy giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Thủy đã đào giếng tìm nước ngay giữa khe cạn.
Nắng như đổ lửa, nắng gay gắt… đã khiến nhiều diện tích lúa tái sinh ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, năng suất suy giảm. Cùng với đó, mực nước sông suối cạn kiệt, khan hiếm đã khiến thầy và trò ở vùng cao đào giếng ngay giữa lòng suối.
Thống kê của cơ quan chức năng, hiện huyện Lệ Thủy đã có 8.600 ha lúa tái sinh bị ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng. Để cứu cây lúa tái sinh, bà con nông dân phối hợp với các HTX huy động các nguồn máy móc, trang thiết bị để nạo vét, các mương dẫn nước; sử dụng các cụm máy bơm dã chiến, tận dụng nước của các ao hồ, sông suối tự nhiên để bơm tưới và điều tiết nước theo từng đợt.
Nắng như đổ lửa đã khiến các nguồn nước sinh hoạt tại nhiều trường học ở vùng cao Lệ Thủy trở nên khan hiếm. Để có được nước phục vụ cho hơn 400 em học sinh tại trường, các thầy giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Thủy đã đào giếng tìm nước ngay giữa khe cạn.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cái giếng cách trường gần 300 m. Chúng tôi sử dụng 2 máy bơm nước để bơm vào trong bể. Nhà trường có 1 bể 50 m3, từ đó đưa lên các khu nhà vệ sinh để tắm rửa, khu cấp dưỡng để nấu ăn cho học sinh, nước nấu ăn phải được lọc qua máy lọc. Có nguồn nước sinh hoạt, các em học nội trú, thầy cô ở lại trường yên tâm hơn. Thầy và trò của trường không phải vượt rừng để tìm những khe suối còn nước để tăm giặt, sau đó gánh nước về dùng”.
Hiện ở xã Lâm Thủy có gần 400 hộ với trên 1.600 nhân khẩu, tất cả nguồn nước sinh hoạt phụ thuộc vào gần 10 khe, suối trên địa bàn. Nhưng do nắng nóng, tất cả đã cạn khô.